Trước khi dừng sản xuất điện thoại, TV, Vingroup đã khai tử những gì?

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 11/05/2021 08:03 AM (GMT+7)
Từ năm 2019, tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã liên tục "khai tử" hàng loạt "con cưng": Adayroi, VinPro, VinMart, VinMart+, VinEco, Vinpearl Air và mới nhất là khai tử điện thoại, TV VinSmart…
Bình luận 0

Tập đoàn Vingroup sẽ dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển ô tô VinFast.

Từng tuyên bố và thể hiện quyết tâm rất lớn nhưng Vingroup đã "khai tử" hàng loạt "con cưng", trước khi buông điện thoại di động và tivi.

Đình đám khai tử VinMart, VinMart+

Cuối năm 2019, thị trường bán lẻ trở nên "nóng" hơn bao giờ hết khi Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng quyết định "khai tử" VinMart và VinMart+.

Ngày 3/12, Vingroup thông báo quyết định hoán đổi cổ phần công ty VinCommerce, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ cho tập đoàn Masan, chính thức chia tay mảng bán lẻ. Ngoài ra, Vingroup cũng bán luôn VinEco cho Masan trong thương vụ này.

Trước khi dừng sản xuất điện thoại, TV, Vingroup đã khai tử những gì? - Ảnh 1.

Cuối tháng 12, Vingroup quyết định chia tay bán lẻ, mới đây nhất tuyên bố khai tử điện thoại, TV VinSmart. Ảnh: Hồng Phúc.

Quyết định của Vingroup gây chú ý, bởi bán lẻ chính là mảng đóng góp doanh thu đứng thứ hai cho Vingroup, chỉ đứng sau mảng chuyển nhượng bất động sản. Năm 2015, một năm sau khi chính thức tham gia thị trường bán lẻ, doanh thu mảng đạt 4.306 tỉ đồng, chiếm 12% doanh thu toàn tập đoàn. Năm 2019, tức năm chuyển giao, chuỗi VinMart và VinMart+ mang về cho Vingroup đến 26.000 tỷ đồng doanh thu.

Trên thị trường, VinMart, VinMart+ được xem là "ông kẹ" thực sự bởi sở hữu rất nhiều điểm bán, cao gấp nhiều lần so với các đối thủ còn lại. Ở thời điểm chuyển giao, tổng điểm kinh doanh của siêu thị VinMart và VinMart+ lên đến con số gần 2.600, vượt xa "đàn anh" như Saigon Co.op, SATRA hoặc doanh nghiệp cùng thời là Bách Hóa Xanh. Tuy nhiên, mảng bán lẻ của Vingroup cũng thường xuyên báo lỗ hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Thực tế, Vingroup đã tham vọng rất lớn ở mảng bán lẻ trước khi quyết định chia tay. Bởi trước đó, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã không ngừng thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ khác như Maximart, Ocean Mart, Shop & Go… 

Đáng chú ý, cách thời điểm chuyển nhượng, Vingroup còn tới năm 2025, Vincommerce sẽ có hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+, phủ sóng khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Giải thể VinPro, Adayroi

Cũng cuối năm 2019, Vingroup đã quyết định đóng cửa chuỗi cửa hàng điện máy, công nghệ VinPro và sàn thương mại điện tử Adayroi.

Tháng 3/2015, siêu thị điện máy VinPro đầu tiên của Tập đoàn Vingroup chính thức có mặt trên thị trường. Tại thời điểm thành lập, VinPro hoạt động với 2 mô hình là VinPro và VinPro+. Năm 2018, Vingroup gây chú ý khi thâu tóm chuỗi bán lẻ thiết bị công nghệ Viễn Thông A, đây là chuỗi bán hàng công nghệ đình đám tại TP.HCM và sáp nhập toàn bộ chuỗi này vào VinPro.

Sau thương vụ, nhờ số lượng cửa hàng của Viễn Thông A mà tổng điểm kinh doanh của VinPro trên cả nước được nâng lên 242. 

Không chỉ tham vọng mở rộng hệ thống bán hàng điện máy, Vingroup còn quyết định thay đổi mô hình kinh doanh cho VinPro để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Cụ thể, hệ thống này quyết định "xuống phố", đặt điểm bán tại khu vực đông dân cư, gần khu vực chợ thay vì chủ dồn vào trung tâm thương mại Vincom như trước.

Ngoài ra, sản phẩm kinh doanh của VinPro cũng đa dạng hơn, "bán cả thế giới" như đổi thủ Thế Giới Di Động, cụ thể bán cả nồi niêu xoong chảo, hóa mỹ phẩm đến cả đồng hồ, chứ không còn đơn thuần là hàng công nghệ, điện thoại, điện máy như trước.

Trước khi dừng sản xuất điện thoại, TV, Vingroup đã khai tử những gì? - Ảnh 2.

Cửa hàng VinPro của Vingroup bị đóng cửa cuối năm 2019. Ảnh: Hồng Phúc.

Tuy nhiên, chỉ sau 5 tháng có "làn gió mới" này, Vingroup đã quyết định giải thể chuỗi VinPro. Sàn thương mại điện tử Adayroi cũng bị khai tử. Tập đoàn cho rằng, cùng với VinMart, VinMart+, đây là những bước cuối cùng để chấm dứt hoàn toàn mảng bán lẻ.

Khai tử Vinpearl Air từ trứng nước

Tháng 7/2019, Vingroup thành lập Công ty CP Hàng không Vinpearl Air, đăng ký đầu tư dự án theo mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hãng hàng không truyền thống và chi phí thấp.

Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng, chọn sân bay Nội Bài làm "căn cứ". Dự án dự kiến có thời gian hoàn vốn 5-6 năm, bắt đầu có lãi từ năm 2023. 

Vinpearl Air dự kiến hoàn thành các thủ tục và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật, để chính thức đưa vào vận hành, khai thác bay thương mại trong tháng 7/2020, với quy mô 6 tàu bay trong năm đầu tiên. 

Kế hoạch đến năm 2030, Vinpearl Air có 30 máy bay. Tham vọng của Vingroup càng nhận được sự tin tưởng khi tập đoàn quyết định đào tạo đội ngũ phi công riêng, thông qua Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không VinAviation.

Dự án mới của Vingroup khiến nhiều người chờ đợi một "tân binh" mới trong lĩnh vực hàng không, tuy nhiên, cũng bất ngờ như khi công bố gia nhập, đầu năm 2020, Vingroup tuyên bố rút khỏi mảng kinh doanh vận tải hàng không. Như vậy, Vinpearl Air không có cơ hội nào để cất cánh như kế hoạch trước đó.

Phía Vingroup cho biết thêm tập đoàn quyết định không đầu tư vào hàng không để tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược, là công nghệ và công nghiệp, tức tương tự như đã dừng mảng bán lẻ VinMart, VinMart+ và chuỗi điện máy VinPro.

Tập đoàn tài chính Vincom không thành

Vingroup cũng từng đặt mục tiêu gia nhập thị trường tài chính với Tập đoàn Tài chính Vincom (VFG) với các lĩnh vực chính là ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ khi thị trường chứng khoán Việt Nam "lên đỉnh" giai đoạn 2007-2008.

Tuy nhiên, cuối năm 2008, đầu năm 2009, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ tác động mạnh thị trường chứng khoán trong nước, khiến VN-Index rơi từ vừng 1.200 điểm xuống còn hơn 300 điểm vào đầu năm 2009. Lãi suất huy động VND biến động mạnh nhất giữa năm 2008, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên tới 43%/năm, lãi huy động từ người dân xấp xỉ 19-20%/năm, lãi suất cho vay tối đa 21%/năm.

Trước diễn biến tiêu cực, Vingroup đã tuyên bố hủy kế hoạch tham gia vào mảng tài chính. Riêng Công ty Chứng khoán VincomSC (VIX) thành lập năm 2007, Vingroup cũng quyết định thoái vốn. Lãnh đạo Vingroup cho biết lý do rút lui khỏi lĩnh vực chứng khoán là công ty liên tục không đạt chỉ tiêu và kế hoạch đặt ra. Thoái vốn khỏi VincomSC cũng chính thức kết thúc tham vọng của Vingroup trong lĩnh vực tài chính.

Thực tế, Vingroup cũng từng thể hiện tham vọng ở nhiều mảng và ngành hàng khác như thời trang, nông nghiệp, vận tải… nhưng cuối cùng cũng phải rút lui.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem