Để biết ngọn nguồn về thứ tiếng lóng mà dân các nơi truyền tai nhau là "mật ngữ" của làng Phú Hải, tôi đã về tận làng này để tìm hiểu.
Sáng tháng 5, tôi có mặt tại làng Phú Hải. Dạo quanh làng, tôi cảm thấy nơi đây thật bình yên với đồng lúa chín vàng phảng phất hương thơm. Những ngôi nhà trong làng khá khang trang, có hoa trái trong vườn, chim hót líu lo.
Tuyệt có một điều khiến ai đến làng Phú Hải cũng thấy lạ, kể cả với tôi-một người Quảng Trị. Đó là đôi khi tôi nghe người trong làng nói với nhau bằng thứ tiếng gì đó, không phải tiếng tây, cũng chẳng phải tiếng ta, người ngoài nghe chẳng hiểu gì.
Hỏi một cậu thanh niên, tôi được biết đó là một lối nói "mật ngữ" của làng. Thứ "mật ngữ" này không tiết lộ ra ngoài. Cậu ta nói rằng: "Muốn biết thông tin về "mật ngữ" hãy tìm đến ông Trần Đức Tảo – Hội chủ làng Phú Hải, ngoài ra không ai dám nói".
Chờ đến gần trưa, tôi mới thấy ông Tảo lọc cọc trên chiếc xe đạp về nhà. Tuổi đã ngoài 80 nhưng ông Tảo vẫn khoẻ mạnh, đi đâu quanh xóm làng đều bằng xe đạp.
"Tôi tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, vào gia đình, xóm giềng, sống thoải mái, ít âu lo. Có lẽ nhờ thế mà giờ tôi còn khoẻ. Ngày xưa làng toàn đường đất, cuộc sống nhân dân đói khổ. Nhưng nay, nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhiều, giờ đường làng ngõ xóm sạch đẹp, trường lớp, chợ đò và nhiều thứ khang trang, ai cũng phấn khởi" – ông Tảo nói rồi nở nụ cười tươi.
Lân la bắt chuyện một lúc, tôi hỏi về "mật ngữ" của làng. Ông Tảo nói ngay: "Tôi chỉ chia sẻ một ít thôi, vì đây là bí mật của làng. Tiết lộ nhiều dân làng trách tội".
Ông Tảo cho hay, người làng Phú Hải vốn từ đất Thanh Hóa theo hành trình mở đất về phương Nam của cha ông mà vào lập nghiệp ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã hơn 500 năm.
Làng có diện tích nhỏ hẹp, đất đai cằn cỗi nên ngày xưa người dân không sống bằng nghề làm nông mà chủ yếu dựa vào nghề làm hàng mã, thầy cúng và đánh bát âm cổ nhạc (chuyên phục vụ trống kèn tại các đám ma, đám giỗ) để kiếm sống.
Để giữ bí mật của nghề, các cụ tổ trong làng đã "sáng chế" ra thứ tiếng lóng lưu truyền cho con cháu, sau trở thành thứ tiếng truyền thống, được ví là tâm hồn của làng Phú Hải.
Tôi gợi ý xin xem bản in tiếng lóng của làng Phú Hải nhưng ông Tảo cho biết, vì sợ in ra, nếu bị mất cắp thì "mật ngữ" của làng sẽ bị lộ. Vì thế, dù ra đời hàng trăm năm nhưng thứ tiếng lóng có một không hai của làng Phú Hải chỉ lưu truyền bằng miệng và chỉ truyền cho người làng.
Để không mất lòng tôi, ông Tảo đồng ý tiết lộ vài tiếng lóng-mật ngữ đơn giản của làng Phú hải.
Ông cho hay, khi người làng nói "chấm chin" nghĩa là con cá; nói "tỏi" nghĩa là đi; áo nói là "ơi"; quần nói là "chến"; anh- em thì được gọi là "sư- bo"; vợ là "nghéo"; con gọi là "sơ"; con trai là "càn"; con gái là " đoài"; ăn là "khẩu"; uống là "cựa"; quán là "xá"; ngủ là "khư"; "bo sư tỏi cựa cây" nghĩa là mời bạn đi uống nước...
Các chữ số tự nhiên cũng được người dân trong làng gọi riêng như 1 là "thất", 2 là "lạng", 3 là "duông", 4 là "sùng", 5 là"ngâu", 6 là "lôi".
Ông Tảo giải thích, "mật ngữ" làng Phú Hải dựa trên nét chữ, ý nghĩa và cách phát âm của chữ Hán, chữ Nôm từ đó nói mẹo, nói mánh, sáng tạo ra cách nói của riêng mình.
Áp dụng vào đó, chữ ngư nghĩa là cá. Chữ ngư viết bằng chữ Nôm ở dưới có dấu chấm. Phía dưới được hiểu là chân (từ địa phương Quảng Trị gọi chân là chin). Vì thế, người dân Phú Hải "chế" lại và nói là "chấm chin" và ngầm hiểu với nhau là "con cá".
Trong chữ Hán, "hành" có nghĩa là "đi". Trong các loại gia vị người Việt thường dùng có củ hành và củ tỏi còn hay gọi chung là "hành tỏi". Nói "hành" sợ có người sẽ hiểu nên người dân Phú Hải chuyển sang chữ "tỏi".
Hay có chữ "khiểm thất trương chỉ". Từ khiếm trong chữ Hán nghĩa là khiếm khuyết, thiếu sót nhưng nói khiếm thì có khi người ngoài sẽ hiểu ra chút ít nên người Phú Hải đổi thành chữ "khiểm" nghĩa là thiếu.
Từ thất trong chữ Hán nghĩa là bảy nhưng để người ngoài không biết, người Phú Hải chuyển "thất" thành nghĩa là một. Trương chỉ là tờ giấy. "Khiểm thất trương chỉ" nghĩa là thiếu một tờ giấy.
Ông Tảo cho hay, về sau người làng Phú Hải có mặt rất nhiều trên khắp dải đất miền Trung. Mỗi khi đi đâu, chưa cần giới thiệu, chỉ nghe "mật ngữ" là người làng Phú Hải nhận ra nhau.
"Bao đời nay, dân làng Phú Hải xem trọng "mật ngữ" của làng, cố gắng giữ gìn, bảo mật, coi đó là linh hồn của làng" – ông Tảo chia sẻ.
Clip: Cùng Báo Dân Việt khám phá làng Phú Hải, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị-nơi tồn tại một thứ tiếng lóng độc nhất vô nhị ở Việt Nam mà người làng gọi là "mật ngữ" lưu truyền suốt hơn 500 năm.