Lạ lùng: Vùng đất chồng cảm ơn vợ vì lặn biển cả đời nuôi con

Thứ năm, ngày 25/10/2018 20:05 PM (GMT+7)
Làng biển nghèo, nếu phụ nữ không lặn biển thì con cái sẽ đói ăn, thiếu mặc. Vì vậy, dẫu là đàn bà nhưng trên vai họ vẫn gánh trọn bổn phận và trách nhiệm trụ cột gia đình. Họ yêu biển, cả ngày ngụp lặn cho đến lúc ánh hoàng hôn chạm vào đáy mắt...
Bình luận 0

1.Làng biển Mỹ Nghiệp (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) buổi sáng nhộn nhịp bên bờ cát phẳng lì có sóng vỗ dịu nhẹ. Những người đàn bà hối hả thu lượm cá tôm, xếp tay lưới sau một đêm mệt nhoài ngoài biển. Tháng 10 về, biển bắt đầu vào mùa động, nhưng không vì thế mà họ nghỉ biển và nghỉ lặn. 

Trong làng, chị em đang chuẩn bị đồ nghề đi lặn biển. Ở Mỹ Nghiệp bao đời nay, người ta đã quá quen thuộc với đội nữ lặn biển cừ khôi là chị em ruột trong một gia đình. “Rái biển” Phạm Thị Kiều được phong danh ''thủ lĩnh''. Sóng gió biển khơi quanh năm “chan chát” vào cơ thể, chị Kiều sở hữu một làn da ngăm khỏe khoắn, ít đồi mồi.

img

“Thủ lĩnh” biệt đội “rái cá” Phạm Thị Kiều.

Cha mẹ Kiều sinh được 8 người con gái. Mẹ chị là một ''kình ngư'' lẫy lừng ở Ninh Hải. Đàn con của bà được truyền dạy tình yêu biển và được huấn luyện bơi ngay từ bé. Vì thế, họ có khả năng bơi lội rất tốt và khả năng lặn biển rất khỏe.   

Giống như chị gái, Phạm Thị Hương xuống biển thấy cơ thể của mình như một con cá, dẻo dai, mềm mại, khỏe khoắn hơn trên bờ nên càng ham thích. Hương mê biển hơn mê bất cứ điều gì. Vì còn quá bé nên cha không cho lặn biển, vậy là trưa đến khi cả nhà đang ngủ, Hương trốn đi. Lúc đầu mọi người dạy tập bơi ếch, Hương còi cọc, tay ngắn cũn thì làm sao phóng như ếch được nên cảm giác rất mệt nhọc và khó khăn. 

Hương bỏ bơi ếch chuyển sang bơi ngửa, cách này dễ chịu hơn nhưng bụng cứ ngửa lên trời thì làm sao bắt được con gì. Vậy là Hương quyết định bơi úp. Mới đầu chúc mặt xuống nước, Hương không thể mở mắt được vì không có kính mắt. Nhìn thấy các chị lặn ngụp vẫy vùng mà bực tức trong người, Hương thét thật lớn: “Trời ơi, sao mấy người lặn hay vậy, sao tui không thể mở mắt được”. 

img

Ngày nào không lặn biển, các chị em quây quần bên nhau.

Các chị hướng dẫn phải mở mắt từ từ, lúc đầu nước sẽ đập vào mắt gây đau nhức và đỏ nhưng dần dần sẽ quen. Khi mắt đã thấy được đáy biển, thấy những đàn cá, rặng san hô và những con nhum lăn tròn lấp lánh, Hương khoái quá quên luôn cảm giác nhức mắt. Từ đó, Phạm Thị Hương theo chân các chị, gia nhập vào đội “rái cá” ở làng biển Mỹ Nghiệp. Gắn bó với nghề lặn biển xuyên thì con gái, khi lấy chồng, Hương tiếp tục theo nghề.

Phạm Thị Oanh sinh con được một năm thấy nhớ biển không chịu nổi thế là mang con đi gửi để ra biển. Chị lặn khi nào thấy bầu ngực căng tức sữa mới chịu trở về cho con bú. Con được 18 tháng, chị cai hẳn sữa, gửi con cả ngày để lặn biển. Chị đi cho cho tới sẩm tối mới trở về, khi đó con đã ngủ say. Sáng con chưa dậy chị lại xách đồ ra biển. Cả tuần mê mệt kiếm ăn ngoài biển, chợt giật mình nhớ con, khi đó chị mới biết là cả tuần rồi không được ôm con vào lòng.

Ngồi bên bờ cát dưới rặng phi lao, chị Phạm Thị Phượng cứ tủm tỉm cười khi kể về những lần “vượt cạn” của mình. Đàn bà đi biển không bao giờ biết đến những ngày lễ là gì, thậm chí ngày 8/3, ngày 20/10, các chị cũng không nhớ và không có ý nghĩa với họ. 

Chị Phượng tới ngày sinh nở vẫn đi lặn biển. Sinh đứa đầu, buổi sáng lặn về thấy đau bụng rưng rức, chị ngồi lên ngồi xuống khó chịu. Má chồng bảo: “Thôi gần sinh rồi, đi nhà thương mau”. Vô bệnh viện một lúc chị hạ sinh ngay. Chị Phượng cười lớn: “Tui sinh ba đứa đều vậy, cứ sáng lặn chiều đẻ, khỏe re à”. 

img

Nhum bắt về sẽ được các chị bóc tách ngay trên bờ.

2.Đồ nghề lặn biển của các chị chỉ vỏn vẹn 4 cái can nhựa buộc vào miếng thùng xốp có chiếc túi lưới đeo bên người đựng “chiến lợi phẩm” lấy được từ biển. Chị Phượng cho biết, đi lặn khoái nhất là tìm trúng lố tôm. Ở biển có những tảng đá nhỏ trải qua nhiều đợt thủy triều đất đọng lại sẽ vun thành núm như ụ mối, tôm sẽ tập trung vào đó trú ngụ rất nhiều. Dân biển gọi đó là “lố”. Hôm nào gặp “lố” coi như trúng số.

Lao mình xuống biển, họ mải mê với thế giới dưới đáy đại dương, khi nào đói, mệt thì lên bờ cát ngồi nghỉ, ăn cơm. Những lúc nghỉ ngơi, chị em lại hát cho nhau nghe một câu vọng cổ hoặc một điệu dân ca “đậm đặc” vị mặn của biển. Chất giọng của chị Kiều mỗi lần ngân lên, dai dẳng vút cao tưởng như gió ngừng thổi, sóng thôi vỗ.

Những ngày bình thường, trung bình thu nhập của chị em khoảng hai ba trăm ngàn, nhưng cũng có ngày chỉ được vài con nhum, một vốc rong biển chỉ đủ nấu nồi canh. Nhưng dù thế nào đi nữa thì họ vẫn vui, không bao giờ chán biển.       

Cánh đàn ông thường đi tàu đánh cá xa bờ và lặn nước sâu, nhưng rủi ro ở ngoài khơi thường chiếm 50% may mắn. Nếu 10 người lặn nước sâu thì có đến 5 người bị nạn, nhẹ thì liệt người tàn tật. Bởi vậy, ở làng biển, việc nặng nhất là lặn, vì phải mất sức rất nhiều và nguy hiểm cao. Chị Kiều trong một lần đi lặn đã đuối sức, bị ép tim ngất lịm ngay dưới biển. 

Chị em phát hiện lập tức đưa lên bờ sơ cứu, hô hấp nhân tạo, một lúc thì chị Kiều tỉnh lại. Vậy mà hôm sau chị vẫn hú gọi chị em ra biển lặn tiếp. Anh Trần Thiện Hải, chồng chị Kiều thương vợ, nhiều lần ngỏ ý bảo vợ nghỉ lặn ở nhà làm việc nào nhẹ nhàng hơn. Chị Kiều nói với chồng: “Tui mê biển từ nhỏ, ngày nào không được ngụp lặn ngoài biển là tui nhớ không chịu nổi. Tôi không thể bỏ biển được”.

Với chị em nhà “rái biển”, “chán biển” là câu nói tối kỵ, họ không cho phép bản thân thốt lên hai từ đó và cũng rất ghét khi có ai hỏi có “chán biển” không?

Trong 8 chị em, Phạm Thị Ninh được phong là “nữ hoàng lặn”, vì có khả năng lặn sâu 5 mét không cần oxy. Để có được thành tích đó, chị Ninh phải vừa khỏe, vừa có hơi thật dài, nếu không sẽ bị tai nạn ngay tức khắc. Hơn 40 tuổi đời thì có tới hơn 30 năm tuổi lặn. Cuộc đời của chị Ninh gắn liền với biển cả. Mùa biển êm, ngày nào chị cũng đi lặn. Một tháng chị ra biển hơn 20 ngày.

img

Anh Đôi luôn thầm cảm ơn người vợ đã dành cả cuộc đời lặn biển để nuôi con cái.

Tuy nhiên, số phận của “rái cá biển” Phạm Thị Ninh lại gian truân và bất hạnh nhất so với chị em trong gia đình. Chồng chị Ninh là một ngư phủ lặn biển rất giỏi. Trong một lần lặn sâu, anh bị tai nạn liệt người, lên bờ chữa trị một thời gian thì anh qua đời. Lúc đó, đứa con lớn của chị Ninh mới 3 tuổi, đứa nhỏ đang chập chững đi. Chị Ninh nén nỗi đau, cố sống để các con có mẹ. 

Khi mất mát tạm lùi vào miền nhớ, chị Ninh gặp anh Trần Công Đôi, người đàn ông đang mang một nỗi đau thật lớn khi mất cả vợ lẫn con. Hai số phận gặp nhau, chung một hoàn cảnh, chung nỗi đau đã nhanh chóng đồng cảm. Kể về quá khứ, anh Đôi không sao cầm được nước mắt, anh chỉ lên mái đầu của mình: “Từ ngày con gái lớn mất, tóc tôi bạc rất nhanh, bây giờ thì bạc trắng rồi. 

Trên đời này, khổ tiền khổ bạc, khổ cái gì tôi đều trải qua, đều chấp nhận được, riêng nỗi khổ mất con thì lúc nào cũng gặm nhấm, đau thấu cuống tim, nhiều lúc cảm tưởng không thể chịu đựng nổi”. Chị Ninh mạnh mẽ hơn anh, giành phần trụ cột về phía mình. 

Chuyến đò thứ hai, chị Ninh sinh cho anh Đôi thêm 3 đứa con. Anh Đôi bảo, đây chính là sự bù đắp lớn nhất cho cuộc đời đầy khổ đau của anh. Anh trân trọng, cảm ơn người đàn bà đến sau rất nhiều.         

3.Mùa lặn êm nhất là tháng một, tháng hai, khi mùa xuân vừa kết thúc. Biển tháng tư, năm, sáu có sóng và gió nhưng chị em vẫn có thể đi lặn được. Mùa biển động vào tháng chín, tháng mười là ở nhà đan lưới, phụ chồng làm việc tay chân trên bờ. 

Những lúc nhớ biển, chị em vẫn gọi nhau đi lặn. Biết là lặn không được gì, chỉ là đi cho thỏa cơn vẫy vùng với biển. Với những người đàn bà lặn biển, ở nhà may vá là việc chẳng đặng đừng, bởi nhiệm vụ chính của họ là lặn biển. Thanh xuân của họ ở dưới đáy đại dương.

Ở bãi biển này, thiên nhiên ban tặng những lớp rau đông dày nối dài theo nhau, nhưng ác một điều là loại rau này thường mọc trên những lớp san hô sắc nhọn, những đám vỏ ốc có thể ghim sâu vào tay người cắt rau, cứa tóe máu. “Máu chị em tui rất lành, không bị nhiễm trùng gì cả. Chúng tôi sinh con xong là ra biển liền còn chẳng sao thì mấy vết thương có là gì”- chị Kiều cười, nói tỉnh queo. 

Do không có ống khí thở và dụng cụ bảo vệ tai, nên cách lặn duy nhất của chị em ở Mỹ Nghiệp là nín thở. Đa số những người lặn biển phải tập nén hơi từ nhỏ. Vì vậy, 100% phụ nữ lặn biển đều bị viêm tai, có người do không chữa trị còn bị điếc.  Bộ trang phục lặn biển của các chị là quần áo bình thường hằng ngày vẫn mặc, chứ không được sang chảnh và chuyên nghiệp như mấy ông thợ lặn trên tivi. Chiếc kính lặn cũng chỉ 30 ngàn, các chị tự gia cố và thiết kế lại cho phù hợp với mình. Tài sản lớn nhất họ chỉ có tình yêu biển mà thôi.

Ngọc Hoa-Bảo Bình (Báo Công an nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem