Giữa tháng 4 vừa qua, 1 tấn trái mãng cầu Bà Đen xuất qua Trung Đông. Cuối tháng 4, thêm 1 tấn hàng lên đường. Từ đó đến nay, thị trường Trung Đông tiếp tục nhập số lượng từ 1-3 tấn/tuần, tùy khả năng cung cấp của Công ty CP Natani.
1 tấn trái cây xuất khẩu có thể không lớn nhưng với Công ty CP Natani, đơn hàng này là nỗ lực không ngừng nghỉ của nỗ lực chung tay vực dậy thương hiệu mãng cầu - loại trái cây đặc sản ở Tây Ninh.
Cũng cần nhắc lại, khi dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020, công ty này chỉ xuất khẩu được 300-500 kg/mỗi tuần sang Canada và một số nước Trung Đông.
Ông Nguyễn Thế Tân - Tổng Giám đốc Công ty Natani cho biết, con số 1 tấn hàng xuất khẩu càng có ý nghĩa hơn khi chỉ dẫn địa lý là tiêu chí chính yếu để phía đối tác chọn mua mãng cầu Bà Đen.
Từ năm 2011, mãng cầu Bà Đen được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Việc này tưởng sẽ mở ra cơ hội cho một trong những nông sản chủ lực của tỉnh.
Tuy nhiên phần lớn nông dân trồng theo phương pháp truyền thống. Công ty Natani cùng các nông dân trồng mãng cầu dưới chân núi Bà Đen phải nỗ lực tổ chức lại sản xuất.
Ông Trần Thanh Hiền ở xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu) kể, sâu bọ là nỗi ám ảnh với nông dân trồng mãng cầu. Thuốc bảo vệ thực vật mà phun ít thì không hiệu quả. Chất lượng, mẫu mã trái không đạt, bị thị trường quay lưng.
Phun xịt thuốc cho hiệu quả thì tốn công, tốn thuốc. Công sức, chi phí bỏ ra nhiều nhưng tiêu thụ mãng cầu chưa chắc hiệu quả vì giá cả bấp bênh. Việc lạm dụng phân, thuốc cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của đất, của người trồng lẫn người tiêu dùng.
Nhược điểm của trái mãng cầu là chín nhanh, rất khó bảo quản sau thu hoạch. Ông Hiền kể, các nhà vườn phải canh hái trái lúc còn xanh để có thể chở đi xa tiêu thụ. Việc bán được mãng cầu Bà Đen sang địa phương khác đã là vấn đề đau đầu, chưa nói gì đến xuất khẩu.
Thêm nữa, nếu mãng cầu chín đồng loạt dễ gặp cảnh thừa hàng, dội chợ, giá rớt, nhà vườn thua lỗ.
"Sống được từ vườn mãng cầu là không đơn giản. Đã có nhiều nông dân chán nản mà bỏ vườn", ông Hiền nói.
Nếu có phương án hợp tác sản xuất sạch và bao tiêu đầu ra với doanh nghiệp thì mới nhẹ gánh lo, nhà vườn bớt phần trăn trở. Đó cũng là lý do mà ông Hiền bắt tay liên kết trồng mãng cầu sạch với Công ty Natani suốt từ 2 năm qua.
Coi trọng chất lượng mãng cầu Bà Đen
Theo ThS. Vũ Văn Đoàn – Chuyên gia Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, chất lượng là yếu tố sống còn, duy trì sự tồn tại và phát triển của sản phẩm và thương hiệu.
Tuy nhiên, nhiều nông sản sau khi có nhãn hiệu cộng đồng (như: nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý) lại không duy trì được sự ổn định về chất lượng.
Trong đó, việc mở rộng sản xuất ồ ạt, không dựa trên các yếu tố quyết định đến chất lượng đặc thù của sản phẩm đã dẫn đến không ít bài học ngậm ngùi.
Có thể kể đến trường hợp của bưởi Đoan Hùng ở Phú Thọ. Sau thành công bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bưởi Đoan Hùng đã phát triển ồ ạt vùng trồng bằng việc đưa các giống bưởi lạ vào sản xuất. Hậu quả là chất lượng và uy tín của cả vùng sản phẩm suy giảm, người tiêu dùng quay lưng.
Ðến nay, Sở Khoa học Công nghệ Tây Ninh đã cấp 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý mãng cầu Bà Đen cho 3 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Tân, mãng cầu Bà Đen được Natani xuất khẩu thành công ra nước ngoài đã chứng minh cho nỗ lực đúng đắn của doanh nghiệp và nông dân. Thế nhưng, không phải nông dân nào cũng tham gia được vào chuỗi sản xuất mãng cầu Bà Đen của Natani.
Tiêu chí lựa chọn phải là những hộ trồng thuộc 8 xã quanh chân núi Bà Đen, trong danh sách được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Điều này rất quan trọng vì nếu mở rộng sản phẩm ra ngoài phạm vi 8 xã này, chất lượng trái mãng cầu sẽ thay đổi.
"Uy tín của thương hiệu mãng cầu Bà Đen sẽ bị ảnh hưởng", ông Tân nói.
Năm 2016, ông Huỳnh Biển Chiêu (TP.Tây Ninh) được cấp chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho hộ cá thể. Năm 2018, ông Chiêu mở rộng quy mô, thành lập Công ty TNHH Biển Chiêu để nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm.
Vùng nguyên liệu liên kết với nông dân trồng mãng cầu VietGap của công ty Biển Chiêu rộng 20 ha. Bình quân mỗi tháng, công ty cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn mãng cầu. Thị trường tiêu thụ trong cả nước và xuất khẩu đi Canada, Dubai...
Theo ông Chiêu, chỉ dẫn địa lý không chỉ là tiền đề xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương mà còn là điều kiện bắc buộc để nông sản được cấp phép xuất khẩu.
Nhưng để thương hiệu ngày càng phát triển, nông dân phải áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Doanh nghiệp cũng tham gia giám sát trong quá trình này để đảm bảo sản phẩm có chất lượng đồng nhất, ổn định.
Mãng cầu Bà Ðen khẳng định được chỗ đứng ở thị trường trong nước và xuất khẩu là thành quả phát huy trên nền tảng chỉ dẫn địa lý và nỗ lực của doanh nghiệp.
Ngoài ra, thương hiệu mãng cầu Bà Đen là tài sản của cộng đồng. Xây dựng thương hiệu cộng đồng cũng cần tính đến giải pháp kết nối hài hòa giữa cộng đồng và doanh nghiêp.
"Giải quyết được vấn đề lợi ích giữa thương hiệu chung với thương hiệu của doanh nghiệp là nút thắt quan trọng để mang lại sự thành công của các thương hiệu cộng đồng", ông Chiêu chia sẻ thêm.
Đồng ý quan điểm này, Ths. Vũ Văn Đoàn cho rằng, việc phân chia lợi nhuận không công bằng trong chuỗi giá trị cũng ảnh hưởng đến việc quản lý chất lượng.
"Nếu các tác nhân thương mại không chia sẻ đồng đều giá trị từ thương hiệu mà quên đi lợi ích của chính những người sản xuất, nông dân sẽ không quan tâm đến sản xuất các nông sản đặc sản mà chỉ chạy theo các sản phẩm thâm canh cao", ThS. Đoàn nói.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ