Ông Chiêu cho biết chi phí sản xuất mãng cầu rất lớn vì nhiều công đoạn phải làm bằng thủ công từ tỉa cành, lặt lá, loại bỏ trái hư, bao trái,... đến thu hoạch. Để hạn chế rệp sáp, ruồi vàng tấn công, nông dân phải dùng bao sinh học bọc trái lại. Nhưng đây là việc thủ công nên giá thành cao.
“Giá cả thị trường luôn biến động bất ổn, đó là lý do nhiều thương lái khi mua lại vườn của nông dân, dù biết dùng phân, thuốc nhiều là không tốt nhưng vẫn phải làm để tăng tối đa năng suất và thu lợi nhuận”- ông Chiêu kể.
VSATTP vẫn là thách thức lớn để nông sản Việt cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Ảnh: Nguyên Vỹ
Chi phí phân thuốc chiếm tỷ lệ rất lớn trong giá thành để phòng trừ rệp sáp, ruồi vàng, bệnh chết cây. Trung bình, 1ha mãng cầu cần bón 30 – 40 triệu đồng tiền phân, nhiều nhất là trong giai đoạn lớn trái. Rồi muốn cho trái đẹp, có màu hồng cũng phải kết hợp nhiều thứ từ phân, thuốc BVTV đến kỹ thuật. Trái đẹp thì bán giá mới cao, trái lớn mà “xanh lẹt” thì khách cũng ít lựa, trái lớn phải nở gai lớn cũng có thuốc nở gai.
“Chi phí lớn, kỹ thuật cao mà giá thị trường không ổn định đang ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của mãng cầu và nhiều loại trái cây của Việt Nam”- ông Chiêu nhận xét.
Hiện nay, thách thức lớn nhất của nông sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế vẫn là rào cản VSATTP với tất cả nông sản. Thống kê từ Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) cho thấy, từ tháng 1.2015 - 6.2016 có 17 trường hợp hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu sang các nước EU phát hiện dư lượng của 9 loại hóa chất BVTV vượt mức quy định như carbendazim, hexaconazole, diafenthiuron...
Tương tự, đối với gạo, mới đây, đại diện Cục Chế biến thương mại nông - lâm - thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) ước tính, có khoảng 10.000 tấn gạo của 16 doanh nghiệp Việt Nam đã bị phía Mỹ trả về trong 4 năm qua. Nguyên nhân do gạo Việt Nam bị tồn dư các chất có trong các loại thuốc BVTV.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.