Nhà bà Hoàng Thị Mỵ (thôn Khuổi Lè, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) hôm nay đón khách đường xa. Khách là những thanh niên còn khá trẻ nhưng đều có chung niềm yêu thích đối với Lượn Cọi - một thể hát giao duyên độc đáo của đồng bào Tày ở huyện Pác Nặm.
Bà Mỵ hôm nay tiếp khách bằng những câu Cọi, tuổi đã gần 60 nhưng giọng Cọi của bà vẫn mượt mà như thiếu nữ 18 khiến khách chìm đắm trong từng câu Cọi. Chén trà trên tay nguội ngắt từ bao giờ mà khách vẫn chưa nhớ đặt lên môi.
Dứt câu Cọi, bà Mỵ bồi hồi nhớ những lần có nam thanh, nữ tú lên bản. Bà bảo, các anh chị trong bản đi Cọi, bà cũng đi theo, hồi đó, những cuộc Cọi thường kéo dài đến sáng.
Clip: Huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) bảo tồn Lượn Cọi-một thể hát giao duyên độc đáo của dân tộc Tày
Phong trào Lượn Cọi khi ấy rất tốt, tuy không biết chữ nhưng các anh chị trong bản hát rất giỏi. Hồi những năm 80, 81 của thế kỷ trước, cứ có trai gái vào làng là lại Cọi thâu đêm suốt sáng.
"Tôi còn nhớ có cuộc Cọi kéo dài 3 đêm. Đến đêm thứ 3 thì có một cặp đôi vì say Cọi mà đến với nhau, thành vợ, thành chồng. Lượn Cọi cũng được duy trì khá tốt từ ngày đó cho đến mãi tận bây giờ", bà Mỵ kể.
Theo bà Mỵ, những năm gần đây, Lượn Cọi cũng có chút ít mai một, tuy nhiên việc giữ gìn, bảo tồn đã kịp thời được chú trọng, khơi dậy lại. Bà Mỵ cũng đã phối hợp với cán bộ văn hóa xã hội, mở lớp dạy Lượn Cọi cho các cháu nhỏ.
Bà Mỵ cho biết, các thôn trong xã có rất nhiều người đăng ký để học Lượn Cọi, tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên việc dạy chưa thực hiện được theo kế hoạch.
Cũng theo bà Mỵ, nhờ được sự quan tâm của Đảng, chính quyền địa phương trong việc khơi gợi, bảo tồn, phát huy giá trị của thể hát Lượn Cọi mà bà mới biết được các cụ cao niên ở xã đang còn giữ trong mình cả một "kho báu" khổng lồ về thể hát độc đáo này.
"Đặc điểm của Lượn Cọi là thể hát dùng để đối đáp, giao duyên, trên cơ sở làn điệu Cọi, người lượn có thể ứng đối các nội dung nhờ khả năng vận dụng linh hoạt ngôn từ, sao cho phù hợp với hoàn cảnh cuộc Cọi", bà Mỵ cho biết thêm.
Nhấp chén trà, bà Mỵ lấy hơi ngân tiếp một câu Cọi, giọng Cọi của bà thật trong như nước suối, ngọt như mật ong rừng, cứ vậy mà lan lan trong gió. Những thanh âm khi trầm, khi bổng, khi lại thủ thỉ, thì thầm như nhả, như nuốt đến ngọt môi.
Lúc này người hát và giọng Cọi chừng đã hòa làm một, chẳng mấy chốc ngôi nhà đã chật ních tiếng Cọi, cả khu rừng đâu cũng mang mang thứ thanh âm mượt mà ấy. Đôi chim ngoài hiên cũng phấn khích xòe cánh mà hót theo.
Không biết đã lượn bao nhiêu câu Cọi, cũng chẳng nhớ đã ngồi bao lâu mà chén trà trên tay khách vẫn còn nguyên, máy điện thoại thì đã nóng ran vì ghi âm, quay hình. Tiếng Cọi đã dứt khá lâu mà khách vẫn còn háo hức ngồi đợi, chưa muốn đứng dậy ra về.
Anh Mã Văn Hoàng (con trai bà Hoàng Thị Mỵ) cho biết: "Tôi đã nghe Cọi từ thời còn mẫu giáo, chủ yếu được nghe từ người lớn trong gia đình. Tôi cũng rất đam mê và mong muốn bảo tồn, phát huy thể hát độc đáo này".
Anh Hoàng được kế thừa giọng hát truyền cảm, ngọt ngào từ người mẹ của mình. Lớn lên anh theo học chuyên ngành thanh nhạc và trở thành cán bộ của Trung tâm Văn hóa, thể thao và Truyền thông huyện Pác Nặm.
Là người Kinh, đến từ Hà Nội, lần đầu được nghe Lượn Cọi, anh Vũ Hoàng Giang bày tỏ: "Tôi khá bất ngờ khi biết có những cuộc Cọi kéo dài đến 3 đêm. Giọng Cọi cũng rất lạ, mềm mại, tình tứ và ý nhị".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Pác Nặm cho biết, Lượn Cọi của người Tày huyện Pác Nặm là di sản văn hóa đã được truyền đời từ rất lâu.
Theo ông Tuấn, đến thời điểm hiện tại, Lượn Cọi của huyện Pác Nặm đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đặc biệt chỉ có trên địa bàn huyện Pác Nặm.
Với di sản này, huyện Pác Nặm cũng đã có hướng tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cho các địa phương có Lượn Cọi bảo tồn, phát huy giá trị để phục vụ cho phát triển du lịch và hoạt động văn hóa cộng đồng tại địa phương.
"Trong thời gian tới, huyện Pác Nặm cũng sẽ xúc tiến chỉ đạo các địa phương tiếp tục thành lập các câu lạc bộ, huy động các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy cho thế hệ trẻ, nhằm phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa của Lượn Cọi", ông Tuấn thông tin thêm.