Sơn La: Cây sa mu ngàn năm tuổi uy nghi-"báu vật trấn bản" của đồng bào các dân tộc ở thung lũng cổ tích
Sơn La: Cây sa mu ngàn năm tuổi uy nghi-"báu vật trấn bản" của đồng bào các dân tộc ở thung lũng cổ tích
Tuệ Linh
Thứ sáu, ngày 21/05/2021 05:45 AM (GMT+7)
Dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc địa phận bản Nà Tâu (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) có một cây sa mu khổng lồ, ước chừng cả nghìn năm tuổi. Cây sa mu cổ thụ đứng sừng sững toả bóng che mát cả một vùng. Người dân thung lũng cổ tích Ngọc Chiến gọi đây là “thần cây”.
Clip: Cận cảnh cây sa mu cổ thụ nghìn năm tuổi-"Mộc linh, thần cây" của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Kinh...ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Mỗi năm dân bản xã Mường Chiến đều dâng lễ cúng "Mộc linh) với mong muốn cầu cho mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc, mọi việc hanh thông...
Đã là người Tây Bắc thì ai cũng đã từng nghe về giai thoại cây sa mu khổng lồ nghìn năm tuổi ở bản Nà Tâu, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, lần này chúng tôi quyết tâm đến miền quê cổ tích Ngọc Chiến để khám phá những điều kỳ bí về cây sa mu nghìn năm tuổi.
Xã Ngọc Chiến nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, có cả ngàn hộ dân sinh sống với nhiều dân tộc anh em: Thái Trắng, Thái đen, Mông, Kinh...
Nà Tâu là một trong những bản lớn, trung tâm của xã Ngọc Chiến, nơi "mộc linh sa mu" đang tồn tại. Đứng từ xa nhìn, cây sa mu nghìn năm tuổi mà nhiều người hay truyền tai nhau nằm ngay cạnh sân vận động và nhà văn hoá bản Nà Tâu.
Tiến lại gần, mới thấy được độ "khủng" của cây sa mu. Chu vi thân cây rộng gần chục mét, cao trên 50 mét, tán lá rộng xum xuê toả bóng che mát cả sân vận động. Dưới gốc cây khổng lồ có ngôi miếu thờ nhỏ nhưng lượng chân hương rất lớn, chứng tỏ nơi đây thường xuyên có người qua lại thắp hương bày tỏ tâm nguyện, mong ước với thần cây.
Do đã hẹn trước với ông Tòng Văn Hải, bản Nà Tâu – người được bà con trong bản giao trọng trách trông coi cây sa mu nghìn năm tuổi nên chúng tôi chỉ mất vài phút chờ đợi, ông Hải đã phi xe tới.
Chỉ tay vào thân cây sa mu khổng lồ đứng sừng sững như cái cột chống trời, ông Hải bảo: Đây chính là "thần cây" mà người ta hay kể. Cây này là niềm tự hào của nguười dân Ngọc Chiến chúng tôi. Dù ở gần hay đi làm ăn xa, mỗi khi nhà có công to, việc lớn, chúng tôi đều hướng về cây đại thụ này mà khấn lên những điều ước của mình.
Chúng tôi hỏi tại sao lại gọi cây sa mu là "thần cây", ông Hải suy nghĩ một lúc lâu rồi kể: Thế hệ tôi sinh sau đẻ muộn nên chỉ nghe các cụ kể lại rằng đây là "thần cây".
"Thần cây" này không chỉ nhiều tuổi mà còn rất linh ứng với những mong ước của dân bản. Trước đây khi hàng chục lớp thanh niên trai tráng trong bản lên đường đánh giặc Pháp, Mỹ đều đến thắp hương xin "thần cây" bảo vệ. Sau khi chiến tranh kết thúc, ai nấy cũng đều sống sót trở về đoàn tụ với gia đình... Ơn cái phúc mà thần cây ban cho, cứ mỗi năm, người dân bản Nà Tâu lại tổ chức cúng cho "thần cây" 2 lần...", ông Hải quả quyết.
"Thời điểm dân bản Nà Tâu cúng "Mộc linh sa mu" là vào ngày mồng 7 Tết và lễ mừng cơm mới. Cứ mỗi lần cúng xong là mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, trâu bò đầy nhà.
Tất nhiên khi cúng xong cũng phải chăm chỉ lao động sản xuất, chứ không phải cứ ngồi nhà chơi là có có của ăn, của để đâu. "Thần cây" chỉ tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho dân bản làm ăn thuận lợi...", ông Hải tiết lộ.
Ông Hải cho biết thêm: "Cây sa mu này rất thiêng. Trước đây, bố tôi rào lại gốc cây không cho người dân thờ cúng. Ngay sau đó, bố tôi bị câm không nói được. Anh em trong gia đình đưa bố xuống bệnh viện chữa nhiều nhưng không khỏi. Sau khi đưa bố về đến nhà, con cháu dỡ bỏ hàng rào và quay lại thờ "thần cây" thì bố tôi lại khỏi bệnh...".
Còn theo già bản Nà Tâu Cà Văn Pỏm (93 tuổi) thì bao đời nay người dân Ngọc Chiến nói chung và người dân Nà Tâu nói riêng đều coi cây sa mu nghìn năm tuổi này là thần linh, là tâm hồn, là tượng đài sống, là báu vật trấn bản, trấn mường...
"Vì mỗi khi thờ cúng "thần cây" xong không chỉ mang lại mùa màng bội thu cho bà con mà tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt. Người dân bản Nà Tâu, xã Ngọc Chiến biết bảo ban nhau cho con cái đi học; đoàn kết giúp nhau thi đua lao động sản xuất, xoá đói giảm nghèo; hiến đất xây dựng nông thôn mới; trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng…", ông Pỏm tâm sự.
"Nhờ đó, vùng quê nông thôn ngày một ấm non, bình yên, người dân thêm yêu quê hương, một lòng tin theo Đảng, Bác Hồ. Chúng tôi không nghe theo lời kẻ xấu, không theo đạo Vàng Chứ, đạo Chúa trời", ông Pỏm khẳng định vậy.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lò Văn Pháng, nguyên Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến cho biết: Cây sa mu nghìn năm tuổi ở bản Nà Tâu được người dân Ngọc Chiến rất quý. Mỗi khi đi làm ăn xa, người dân đều tìm đến cây để xin "lộc" với mong muốn có sức khoẻ tốt và may mắn. Cũng vì cái phúc mà thần cây đem lại cho dân bản nên người Ngọc Chiến rất yêu rừng, yêu miền quê mình sinh ra.
Theo ông Pháng, tuy Ngọc Chiến là xã còn nghèo, xã vùng cao, vùng sâu nhưng con người Ngọc Chiến rất đoàn kết yêu thương nhau và quyết tâm bảo vệ rừng; không nghe lời kẻ xấu du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy.
"Nhờ đó, đến nay môi trường, cảnh quan ở Ngọc Chiến luôn mát mẻ, trong lành; làng bản xanh, sạch, đẹp. Việc giữ rừng, trồng rừng, giữ môi trường tự nhiên sạch đẹp đã mở ra cho Ngọc Chiến chúng tôi một nghề sống mới, đó là du lịch sinh thái. Và đương nhiên cây sa mu nghìn năm tuổi ở bản Nà Tâu là một điểm đến khám phá ưa thích của nhiều du khách...", ông Pháng khẳng định.
Thông tin với chúng tôi, ông Pháng cho biết thêm: Trong những năm qua, người dân Ngọc Chiến đã cùng nhau trồng mới được hàng nghìn ha rừng.
Trồng rừng là bảo vệ môi trường, vừa phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vừa để làm du lịch cộng đồng. Điều ấy chính là lòng yêu nước, đặt trọn niềm tin theo Đảng của người dân Ngọc Chiến.
"Mọi người đến đây đều cảm nhận được tâm hồn trong sáng, mến khách của con người Ngọc Chiến. Chúng tôi sẽ quyết tâm trồng thêm rừng, đồng thời giữ vững diện tích rừng hiện có không chỉ để cho hôm nay mà còn để cho tương lai sau này con cháu làm du lịch...", ông Pháng chia sẻ.
Hiện nay, cây sa mu linh thiêng nghìn năm tuổi ở bản Nà Tâu, xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đã trở thành nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của bà con đồng bào Thái, Mông, Kinh... Bên cạnh đó cây sa mu còn là địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến vùng đất được ví là thung lũng cổ tích Ngọc Chiến – nơi được xem như "Đà Lạt" thứ 2 của vùng Tây Bắc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.