Dân Việt

Giá mít trượt dốc, chủ vườn đau đớn làm điều này

Trần Đáng 29/05/2021 19:39 GMT+7
Sau thời gian trượt dốc, giá mít hiện còn 5.000 đồng/kg, chủ vườn phải lột múi mít bán chạy chợ.

Anh Huỳnh Trung Chánh (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) trồng 1ha mít Thái siêu sớm. Đây là vụ thu hoạch mít Thái đầu tiên của anh. Tuy nhiên, việc giá mít trên thị trường rớt thảm hại khiến anh khá thất vọng.

Giá mít còn 500 đồng/kg, chủ vườn đau đớn làm điều này  - Ảnh 1.

Giá mít rớt thảm hại khiến nông dân trồng mít ở ĐBSCL thất vọng.

Giá mít rớt thê thảm

"Hiện, giá mít Thái loại 1 thương lái mua tại vườn là 11.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để mít đạt giá này rất khó", anh Chánh cho biết.

Theo anh Chánh, vụ mít này, thương lái thường "đạp" mít xuống hàng dạt. Giá mít dạt khoảng 1.000 đồng/kg.

"Tôi tính sau vụ này sẽ mở rộng diện tích trồng mít Thái lên thêm 1ha. Nhưng với tình hình giá mít như này phải xem lại", anh Chánh thổ lộ.

Ước tính, vụ mít này, anh Chánh thu hoạch 6 – 8 tấn mít.

Ông Mai Nguyễn Nam Phương, chủ vựa thu mua trái cây ở xã Tân Bình (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết, nông dân trồng mít Thái đang điêu đứng vì giá mít thấp thê thảm.

"Tôi đang thu mua mít cho một công ty. Thật ra cũng chỉ mua cầm chừng cho nông dân vì công ty thiếu đầu ra", ông Phương cho biết.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Vina XO (Tiền Giang) cho biết, hiện giá mít Thái loại 1 công ty đang thu mua 5.000 – 6.000 đồng/kg. Mít dạt có giá khoảng 2.000 đồng/kg.

Mỗi ngày, Công ty TNHH Vina XO mua vào khoảng 5 tấn mít Thái.

Giá mít còn 500 đồng/kg, chủ vườn đau đớn làm điều này  - Ảnh 2.

Ông Sum thu hoạch mít bán dù giá mít đang rớt thảm hại.

Tại Đồng Nai, tình hình tiêu thụ và giá mít cũng xám xịt. Ở khu vực Đông Nam bộ này nông dân chủ yếu trồng mít lá bàng. Vì thế, giá mít luôn thấp hơn giá mít Thái siêu sớm tại miền Tây Nam bộ.  

Ông Nguyễn Sum (TP.Long Khánh) có 2ha đất trồng mít, chủ yếu là mít Thái lá bàng.

Theo ông Sum, 3 tháng qua, giá mít liên tục rớt từ 5.000 đồng/kg, 2.000 đồng/kg. Và hiện nay mít loại 1, 2, 3 thương lái mua 1.000 đồng/kg. Mít sấy có 500 đồng/kg.

"Với giá mít này, nông dân thua lỗ nặng", ông Sum than thở.

Cùng cảnh ngộ, ông Nông Quý An, một nông dân trồng mít ngồi bần thần. Vườn mít của ông An đang hái bán dở dang với giá chạm đất.

Do thương lái mua mít quá rẻ, ông An đành kêu gọi con cháu cắt mít già ủ chín rồi lột múi bán kiếm thêm thu nhập. 

"Vườn có khoảng 100 gốc mít. Mọi năm có giá thì bán mít được khoảng chục triệu đồng. Đợt này, giá mít rớt sâu quá, tiền bán mít không đủ sinh hoạt gia đình", ông An buồn thiu.

Giá mít bất định 

Anh Điều Văn Thành, thương lái chuyên thu mua mít khu vực xã Bảo Quang (TP.Long Khánh, Đồng Nai) cho biết, hiện anh đang mua mít với giá 1.000 đồng/kg. Mít lột có giá 500 đồng/kg.

Theo anh Thành, nguyên nhân giá mít giảm sâu là do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Giá mít còn 500 đồng/kg, chủ vườn đau đớn làm điều này  - Ảnh 3.

Nông dân Lê Văn Tâm (xã Long khánh, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) thất thần khi nghe giá mít xuống thấp kỷ lục.

Hơn nữa, thời điểm này đang vào mùa thu hoạch nhiều loại trái cây, nên thị trường tiêu thụ mít cũng chậm lại.

Một nguyên nhân nữa là diện tích cây trồng này liên tục tăng trong thời gian qua. 

Hiện nay, không chỉ mít mà nhiều loại trái cây đặc sản của Long Khánh, như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bơ… đang bước vào vụ thu hoạch.

Trước diễn biến phức tạp  của dịch bệnh Covid-19, nông dân không khỏi lo lắng vì không biết đến khi thu hoạch rộ, giá các loại trái cây này liệu có rớt giá.

Ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) nhận xét, trái mít có nhiều lợi thế hơn hẳn các mặt hàng trái cây tươi khác vì đã được đưa vào chế biến.

Mít sấy hiện đang là sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp. Tiềm năng xuất khẩu của sản phẩm chế biến từ mít còn rất lớn, được cả thị trường trong nước và xuất khẩu ưa chuộng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến cần có nguồn nguyên liệu chất lượng tốt với giá ổn định.

Nhà nước nên đưa cây trồng này vào quy hoạch để phát triển diện tích đúng với nhu cầu thị trường.

"Nông dân trồng mít nên chuyển hướng sản xuất an toàn, tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến để có đầu ra ổn định, bền vững", ông Hưng chia sẻ.

Giá mít còn 500 đồng/kg, chủ vườn đau đớn làm điều này  - Ảnh 4.

Hỗ trợ nông dân khi giá mít thấp, Công ty XO vẫn thu mua mít cho nông dân. Ảnh.Trong xưởng chế biến trái cây của Công ty XO.

Theo ông Khoa, giá mít rơi thê thảm là do thị trường Trung Quốc hạn chế nhập khẩu.

Ngoài ra, còn có việc thiếu container rỗng để doanh nghiệp thuê đóng hàng xuất sang Trung Quốc.

Ông Khoa cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát, giá cả trái cây trong nước, trong đó có giá mít, thời gian tới rất bất định.

"Bản thân tôi cũng không đoán định được thời gian tới giá mít sẽ như thế nào", ông Khoa phân vân.