Với người theo đạo Thiên Chúa, Linh đạo là con đường thiêng liêng mà một người dân công giáo thực hiện để đi đến với Thiên Chúa. Mọi linh đạo đều họa lại con đường mà đức Giêsu nói: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy".
Lễ Phụng vụ Tháng Hoa. Video: Ngọc Châm
Nền tảng đầu tiên để trở thành một giáo dân là gia đình. Vợ chồng đại diện cho tình yêu thương của Thiên Chúa. Để đi đến hôn nhân, bí tích hôn phối phải được diễn ra theo đúng thủ tục và giao ước.
Theo sách Thánh Kinh, ngay từ khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa đã tạo dựng họ có nam có nữ và đặt giữa hai người một sức hấp dẫn lạ lùng để họ tìm đến, liên kết với nhau thành vợ chồng.
Theo quan điểm của đạo Thiên Chúa, sự tác hợp này là duy nhất và vĩnh viễn trong suốt cuộc đời mỗi người. Giáo luật công giáo quy định cụ thể về bí tích hôn phối từ điều 1055 đến điều 1065. Nghi thức hôn phối được cử hành trong thánh lễ có giáo dân tham dự, linh mục làm người chứng hôn.
Giáo lý hôn nhân là hành trang mà Giáo hội chuẩn bị cho đôi bạn trẻ bước vào đời sống gia đình với một kiến thức nhất định về đạo cũng như đời.
Thông thường thời gian học cho cả hai người đều là Ki-tô hữu khoảng 6 tháng, còn nếu là tân tòng (những người trở lại đạo) thời gian học sẽ lâu hơn.
Sau khi học hỏi giáo lý hôn nhân xong, nếu hai bên quyết định dứt khoát kết hôn, thì trình cho cha xứ bên nhà gái biết. Cha xứ sẽ làm lời rao hôn phối và rao trong ba Chúa nhật ở giáo xứ của mỗi bên.
Việc rao hôn phối tại mỗi xứ nhằm để cho mọi người trong cộng đoàn biết, thêm lời cầu nguyện và xem xét có gì ngăn trở thì giải quyết trước hoặc trình báo với cha xứ, đồng thời cũng để ấn định lễ cưới.
Sau khi đã hoàn thành khóa học giáo lý hôn nhân, hai người quyết định kết hôn với nhau.
Thánh lễ cử hành bằng các nghi thức phụng vụ đặc biệt, các bài đọc dành riêng, nghi thức hôn phối được bắt đầu sau bài Phúc âm và bài giảng, gồm ba phần:
Chủ tế lần lượt hỏi cô dâu và chú rể ba câu hỏi về sự tự do, về việc yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời và về việc đón nhận con cái.
Những câu hỏi này nhằm giúp đôi tân hôn chính thức xác nhận trước mặt mọi người rằng họ thực sự ý thức và trưởng thành khi quyết định kết hôn, nghĩa là có sự tự do để lấy nhau, chấp nhận ý nghĩa và mục đích của hôn nhân là yêu thương và chung thủy với nhau, sẵn sàng đón nhận và giáo dục con cái.
Đây là phần chủ yếu của bí tích Hôn phối. Đôi tân hôn sẽ trao đổi lời thề hứa nhận nhau làm vợ làm chồng và cam kết trung thành với nhau suốt đời.
Khi cả hai người đã đồng ý và hứa hẹn trước Chúa, người chứng giám sẽ tuyên bố hai người chính thức trở thành vợ chồng. Chú rể sẽ trao nhẫn và hôn cô dâu trước mặt mọi người như để công khai cuộc hôn nhân của họ với tất cả.
Chiếc nhẫn với hình vòng tròn được người Thiên Chúa coi là biểu tượng của sự trường tồn và vĩnh cửu. Chính vì vậy nhẫn là vật không thể thiếu và được chú rể trao cho cô dâu như lời hứa hẹn họ sẽ sống trọn đời bên nhau.
Tiếp đến, đôi tân hôn, hai người chứng và linh mục cùng ký tên vào Sổ Hôn phối. Sổ này được lưu trong văn khố của giáo xứ. Việc ký tên này cũng có thể được thực hiện sau thánh lễ.
Nghi thức Hôn phối kết thúc. Thánh lễ tiếp tục. Sau kinh Lạy Cha có một lời nguyện đặc biệt cầu cho đôi tân hôn.
Hội Thánh khẩn cầu Chúa ban đầy ân sủng và phúc lộc cho đôi tân hôn để bản thân họ được thánh thiện và hạnh phúc, gia đình họ được hòa thuận và bền vững.
Bên cạnh việc xây dựng một hệ thống luật lệ, lễ nghi, đạo Công giáo có rất nhiều ngày lễ quan trọng nhằm xây dựng và nuôi dưỡng đức tin cho tín đồ. Mỗi ngày lễ có ý nghĩa riêng và được thực hiện với những nghi lễ khác nhau.
Lễ trọng trong Công giáo là những ngày lễ bắt buộc các tín đồ phải tham dự như:Lễ Giáng sinh (Chúa Giêsu giáng xuống trần làm người); Lễ Phục sinh (Chúa Giêsu sống lại); Lễ Đức mẹ Maria hồn và xác bay lên trời; Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống; Lễ các Thánh.
Ngoài những lễ trọng, đạo Công giáo còn thực hiện nhiều nghi lễ khác mà giáo dân cần phải ghi nhớ và tham gia: Mùa chay; Lễ tro, Lễ lá, Lễ cầu nguyện cho các linh hồn.
Đặc biệt vào tháng 5 hằng năm, các giáo dân tổ chức nghi thức Phụng vụ Tháng Hoa. Tháng Hoa là tháng kính Đức Mẹ, các giáo dân cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia dâng lên mẹ những điệu múa, những bó hoa tươi thắm như thay lời cầu nguyện và lòng tôn kính.