Đắk Lắk: Đình Lạc Giao-nơi ghi dấu ấn đầu tiên của người Việt trên đất Tây Nguyên

Ngọc Giàu - Xuân Mừng Thứ tư, ngày 19/05/2021 05:45 AM (GMT+7)
Tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) hiện nay có một ngôi đình độc đáo mang tên đình Lạc Giao. Đây là ngôi đình đầu tiên của người Việt trên mảnh đất Tây Nguyên do nhân dân làng Lạc Giao xây dựng vào năm 1928.
Bình luận 0

Đình Lạc Giao: Nơi ghi dấu ấn đầu tiên của người Việt trên đất Tây Nguyên - VIDEO: Ngọc Giàu

Đình Lạc Giao là làm nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và thờ Thần hoàng làng. Đình cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện cách mạng hào hùng, thể hiện lòng yêu nước sắt son của dân làng Lạc Giao.

Đình làng vốn là sản phẩm văn hóa của người Việt (Kinh) ở châu thổ Bắc Bộ. Sau này trong quá trình lịch sử, cùng với sự di dân của người Việt, đình làng đã được dịch chuyển lên phía Bắc (như đình Tân Trào - Tuyên Quang), vào Nam và lên cả vùng Tây Nguyên đại ngàn như đình Lạc Giao ở tỉnh Đắk Lắk.

Nguồn gốc ngôi đình Lạc Giao trên vùng đất Tây Nguyên

Đình Lạc Giao được khởi dựng vào năm 1928, vị trí nằm ở ngã tư giữa đường Phan Bội Châu và đường Điện Biên Phủ, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk hiện nay. 

Nguồn gốc của ngôi đình gắn với việc di dân của một nhóm người Việt từ làng Đại Cát (xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) do ông Phan Hộ và anh em của mình lên Buôn Ma Thuột vào cuối thập kỷ 20 thế kỷ trước để làm ăn buôn bán. 

Khi đặt chân lên đây, để có nơi sinh hoạt cộng đồng, ông Phan Hộ và người dân đã xây dựng một ngôi đình lấy tên là "Lạc Giao". 

Tên gọi Lạc Giao có ý nghĩa là lời giao ước an cư lập nghiệp của đồng bào Kinh với đồng bào bản địa cùng chung lưng đấu cật để xây dựng vùng đất mới này. 

Đình Lạc Giao: Nơi ghi dấu ấn đầu tiên của người Việt trên đất Tây Nguyên - Ảnh 3.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa tại đình Lạc Giao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Mỗi năm xuân thu nhị kỳ, dân làng Lạc Giao đều tới đây để tổ chức tế lễ, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu mong sức khỏe, làm ăn phát đạt và mọi sự thiện lành.

Đình Lạc Giao hiện tại là nơi thờ các vị Vua Hùng của dân tộc, thờ Đào Duy Từ (1572 – 1634), vị đại thần của chúa Nguyễn, có công mở mang, khai khẩn và xây dựng Đàng Trong thế kỷ thứ XVII và thờ cụ Phan Hộ,người có công khởi xướng thành lập làng Lạc Giao.

Biểu tượng của đoàn kết dân tộc

Thời kỷ khởi dựng, đình Lạc Giao được làm bằng chất liệu tranh, tre, nứa, lá với diện tích khoảng 700m2.  

Đình Lạc Giao phía Nam giáp đường Y Jut, phía Tây và phía Bắc giáp chợ Buôn Ma Thuột, phía Đông giáp đường Phan Bội Châu. Đình có 2 cửa mở ra đường Phan Bội Châu và Điện Biên Phủ.

Đình Lạc Giao: Nơi ghi dấu ấn đầu tiên của người Việt trên đất Tây Nguyên - Ảnh 4.

Khuôn viên ngôi đình Lạc Giao có nhiều cây cổ thụ tạo bóng mát

Năm 1932, đình được xây dựng lại kiên cố bằng gạch, mái lợp ngói đỏ, kiến trúc được thiết kế hình chữ môn (門) bao gồm tòa đại đình ở giữa thờ thành hoàng và những người có công với đất nước. 

Hai bên là nhà tảo mạc, bên tả (trái) thờ các linh nam, linh nữ. Bên hữu (phải) là nơi tiếp khách, trưng bày chứng tích lịch sử của Đình. 

Phía trước có cổng nghi môn đi vào. Sau cổng là bức bình phong có chạm khắc hổ phù, sau nữa là một lư hương lớn. Nhìn một cách tổng thể đình Lạc Giao có phong cách kiến trúc triều Nguyễn đầu thế kỷ XX, giống như một ngôi đình làng của người Việt ở châu thổ sông Hồng.

Đình Lạc Giao: Nơi ghi dấu ấn đầu tiên của người Việt trên đất Tây Nguyên - Ảnh 5.

Cây đa cổ thụ trong tỏa mát một khoảng sân đình Lạc Giao

Cùng thời điểm năm 1932, vua Bảo Đại đã ra chiếu sắc phong cho vị thành hoàng của Đình là Đào Duy Từ hàng Thượng đẳng thần. Việc sắc phong của vua Bảo Đại cho thành hoàng của đình Lạc Giao vừa là sự ghi công những người đã có công khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi, vừa là lời khẳng định ngầm của triều đình nhà Nguyễn rằng, vùng đất Tây Nguyên là "Hoàng triều cương thổ", đối với thực dân Pháp thời điểm đó. 

Trong những năm 1930 – 1945, giặc Pháp thành lập hàng loạt các nhà tù, trại giam ở Đông Dương, trong đó có nhà đày Buôn Ma Thuột. 

Những chiến sĩ cộng sản bị bắt vào đây đều phải chịu tra tấn dã man, bị lao động khổ sai, cộng với điều kiện sống quá tồi tệ, khắc nghiệt đã khiến họ mắc phải các căn bệnh sốt rét, kiết lỵ. 

Khi đó, đồng bào dân làng Lạc Giao đã tìm mọi cách giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng bằng cách vận động nhau góp tiền, gạo, mua thuốc chữa bệnh đưa cho các anh em tù cộng sản mỗi khi họ đi lao động khổ sai qua làng.

Thời điểm đó, đình Lạc Giao cũng là nơi ghi dấu quá trình hoạt động của dân làng Lạc Giao cưu mang, che chở, nuôi giấu những người con cách mạng, bảo vệ những cán bộ hoạt động ở thị xã Buôn Ma Thuột. 

Tiêu biểu như việc cả làng Lạc Giao đã bí mật góp trên 1.000 kg gạo để xây bia tưởng niệm những người tù cộng sản bị địch giết hại với dòng chữ: "Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ đã hy sinh ở Nhà đày Buôn Ma Thuột năm 1930 – 1945". 

Mặc cho bọn địch tìm mọi cách tra hỏi, định phá bỏ tấm bia nhưng dân làng vẫn kiên quyết bảo vệ cho đến ngày nay.

Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám lịch sử năm 1945, đình Lạc Giao là nơi hội họp và ra mắt của Ủy ban Cách mạng Lâm thời thị xã Buôn Ma Thuột. Nhiều người con của làng Lạc Giao đã trở thành những chiến sĩ vệ quốc đoàn, hoặc tham gia Chính quyền Cách mạng như đồng chí Hồ Bang, đồng chí Lê Văn Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Cách mạng Lâm thời thị xã Buôn Ma Thuột và rất nhiều đồng chí cán bộ cách mạng khác. 

Đình Lạc Giao: Nơi ghi dấu ấn đầu tiên của người Việt trên đất Tây Nguyên - Ảnh 7.

Lễ dâng hương tại đình Lạc Giao vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 hàng năm.

Mùa xuân năm 1975, Buôn Ma Thuột hoàn toàn giải phóng, tại Đình Lạc Giao, Ủy ban Quân quản thị xã làm lễ ra mắt tuyên bố chính quyền cách mạng về tay nhân dân. 

Năm 1990, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định số 168/QĐ-BVHTT, ngày 02/3/1990 xếp hạng Đình Lạc Giao là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Hằng năm, vào các dịp Xuân Thu nhị kỳ, tại Đình Lạc Giao dân làng đều tổ chức các lễ tế: Lễ Tế Xuân (17/01 âm lịch), Lễ Tế Thu (16/8 âm lịch), Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), Lễ tưởng niệm 100 chiến sĩ Nam tiến và đồng bào tử nạn tại Buôn Ma Thuột vào ngày 01/12/1945 (27/10 âm lịch). 

 Có thể nói Đình Lạc Giao chính là một di tích lịch sử văn hóa quý hiếm tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. 

Ngôi đình không chỉ phản ánh sự giao lưu văn hóa của người Kinh (Việt) với các tộc người anh em sống trên mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn mà còn là một chứng tích lịch sử của đồng bào ở đây một lòng vững tin và đi theo sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem