Dân Việt

Quảng Trị: Cả làng làm nghề “thích nắng, sợ mưa”

Ngọc Vũ - Bình Minh 16/06/2021 05:45 GMT+7
Mùa hè ở Quảng Trị nắng nóng, gió Lào thổi rát mặt, ai nấy đều than vãn. Nhưng với những người làm nghề hấp sấy, phơi cá ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh lại là niềm vui bởi nhờ vậy công việc của họ thuận lợi.

Nắng càng gắt càng thích

Đầu tháng 6, nắng nóng kèm gió Lào thổi mạnh khiến nhiệt độ ở tỉnh Quảng Trị lên tới 40 độ C, nhiều lúc hơn. Nắng đến nỗi người ta không cần bếp, chỉ cần mang chảo phơi nắng rồi đổ dầu rán trứng. Có thanh niên vừa rán trứng theo cách đó vừa bảo rằng, nắng thế này có không ai dám đến Quảng Trị.

Nắng nóng ai cũng kêu than, nhưng người dân ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) lại rất thích thú. Bởi nắng càng to họ càng dễ hấp sấy, phơi cá.

Về những ngôi làng gần 20 năm làm nghề “thích nắng, sợ mưa” - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại cơ sở hấp sấy cá của anh Nguyễn Văn Mầu, thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đang vớt cá ra sau 20 phút ướp muối. Ảnh: Ngọc Vũ chụp ngày 2/6/2021.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Mầu, chị Võ Thị Hồng (trú thôn Xuân Tiến, Gio Việt) làm nghề hấp sấy, phơi cá hơn 10 năm nay. Trong ngôi nhà khang trang trị giá hơn 2 tỷ đồng của mình, anh Mầu cho biết, nhờ làm nghề hấp, phơi cá mà gia đình anh và nhiều hộ dân khác có cuộc sống khấm khá.

Theo anh Mầu, nghề hấp, phơi cá diễn ra từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm. Tháng 2 đến tháng 4 là mùa cá cơm, tháng 5 đến 8 mùa cá nục.

Năm nay, mỗi tháng cơ sở anh Mầu hoạt động 20 ngày (10 ngày còn lại có trăng, ngư dân không đi biển - PV), mỗi ngày cơ sở của anh Mầu hấp, phơi hơn 3 tấn cá nục.

Về những ngôi làng gần 20 năm làm nghề “thích nắng, sợ mưa” - Ảnh 2.

Công nhân cho cá lên vỉ, chuẩn bị đưa vào lò hấp. Ảnh: Ngọc Vũ chụp ngày 2/6/2021.

Để làm được nghề này phải có kỹ thuật và kinh nghiệm. Sau khi thu mua cá tươi từ các tàu cá mang về cơ sở, công nhân của anh Mầu sẽ rửa sạch, đem ướp muối khoảng 20 phút rồi rửa lại, đem hấp chín, phơi khô, đống thùng xuất khẩu nước ngoài.

Bà Hoàng Thị Thương, chủ một cơ sở hấp, phơi cá ở thôn Xuân Lộc (Gio Việt) với gần 15 năm kinh nghiệm cho biết, làm nghề này vất vả nhất là lúc phơi cá, giữa cái nắng rát mặt. Mỗi mẻ cả, nếu nắng to phải mất 2-3 ngày phơi mới khô, còn nắng nhỏ thì lâu hơn.

Về những ngôi làng gần 20 năm làm nghề “thích nắng, sợ mưa” - Ảnh 3.

Công nhân làm việc tại cơ sở hấp sấy cá của anh Nguyễn Văn Mầu, thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt đang đưa cá đã chín ra khỏi lò hấp. Ảnh: Ngọc Vũ, chụp ngày 2/6/2021.

Tuy nhiên, nắng dù nóng đến đâu vẫn tốt hơn mưa. Bởi, nếu cá đang phơi mà gặp mưa ướt sẽ bị hỏng, phải bán với giá rẻ chỉ còn 1/10 so với ban đầu. Vì vậy, những làng làm nghề hấp cá còn được gọi đùa là làng thích nắng, làng sợ mưa.

"Mùa hè thường mưa dông bất ngờ. Nhiều khi đang ăn cơm, mây mưa kéo đến, mọi người phải bỏ bữa đi bưng cá vào, chạy hộc hơi, tức ngực. Dù biết vất vả nhưng đây là nghề truyền thống, thu nhập ổn định nên nhiều người vẫn bám trụ" – bà Thương chia sẻ.

Tạo việc làm, tạo thu nhập

Hiện nay, tại xã Gio Việt có gần 20 cơ sở hấp, phơi cá. Tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương.

Hơn 15 năm nay, bà Nguyễn Thị Phương (50 tuổi, trú xã Gio Việt) làm thuê trong lò hấp, phơi cá. Bà Phương cho biết, các cơ sở hấp sấy, phơi cá đã tạo việc làm, giúp phụ nữ vùng biển có thu nhập. Trước đây, họ không biết làm gì dù thời gian nhàn rỗi nhiều.

Về những ngôi làng gần 20 năm làm nghề “thích nắng, sợ mưa” - Ảnh 4.

Cá sau khi hấp chín được đem phơi. Trời càng nắng, cá càng nhanh khô. Ảnh: Ngọc Vũ chụp ngày 2/6/2021.

Là người lớn tuổi, bà Phương được ưu tiên ngồi trong khu vực mái che, phụ trách việc rải cá lên vỉ lưới để cánh thanh niên trẻ khoẻ, chịu nắng tốt mang đi phơi.

Làm theo năng lực, nhận tiền theo sản lượng, trung bình mỗi công nhân ở các cơ sở hấp sấy, phơi cá kiếm được 200.000 đồng – 300.000 đồng.

Với loại cá khô mặn (ướp nhiều muối - PV) cần huy động lực lượng lao động lớn để bẻ đầu, tách xương cá… Vào mùa hè, công việc này thu hút nhiều học sinh tham gia. Nhờ vậy, các em có tiền phụ giúp gia đình và chuẩn bị cho năm học mới. Để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, họ nhận cá về nhà, chia thành nhiều nhóm nhỏ làm việc, không tập trung đông như trước đây.

Về những ngôi làng gần 20 năm làm nghề “thích nắng, sợ mưa” - Ảnh 5.

Bà Trần Thị Hy và cháu gái của mình là Nguyễn Thị Phương Uyên nhận cá khô về nhà bẻ đầu, tách xương. Mỗi ngày, họ kiếm được khoảng 200.000 đồng/người. Ảnh: Ngọc Vũ chụp ngày 2/6/2021.

Dù ở tuổi 78, bà Trần Thị Hy và cháu gái của mình là Nguyễn Thị Phương Uyên (17 tuổi), trú thôn Hoàng Hà, xã Gio Việt vẫn có thu nhập đều, mỗi ngày 200.000 đồng nhờ việc bẻ đầu, tách xương cá cho chủ một cơ sở.

"Việc bẻ đầu, tách xương cá nhẹ nhàng, phù hợp với người lớn tuổi như tôi. Nhờ vậy, tôi vẫn kiếm được tiền, đỡ làm phiền con cháu" – bà Huy chia sẻ.

Ông Lê Ánh Hùng – Chủ tịch UBND xã Gio Việt cho biết, nghề hấp sấy, phơi cá xuất khẩu là nghề truyền thống ở xã, đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương. Nghề này là hạt nhân cho sự phát triển của nghề đánh bắt thuỷ hải sản, buôn bán… Chính quyền xã sẽ luôn quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để nghề này phát triển.

Ông Hùng cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19, hai năm nay việc xuất khẩu cá khô hấp sấy gặp khó khăn. Vì vậy, người dân, chính quyền địa phương mong Chính phủ, cơ quan Bộ, ngành liên quan tìm cách giúp dân về đầu ra, nhất là quá trình thông thương.

Clip: Quá trình hấp, sấy, phơi cá ở các làng nghề tại xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Clip Ngọc Vũ ghi ngày 2/6/2021.