Bắc Kạn: Lão nhà văn tự nhận mình là "thất học" và tâm huyết bảo vệ, phát triển tiếng Tày

Lam Chi Thứ sáu, ngày 14/05/2021 06:03 AM (GMT+7)
Là người con dân tộc Tày, nhà văn Nông Viết Toại (Bản Áng, phường Đức Xuân, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) luôn đau đáu làm sao để bảo tồn, phát huy giá trị ngôn ngữ, tiếng nói của tộc người mình. Ông xót xa khi tiếng Tày đang dần mai một.
Bình luận 0

Clip: Nhà văn Nông Viết Toại và cách "bảo vệ" ngôn ngữ Tày.

Nỗi niềm lão nhà văn với tiếng Tày

Ở Bản Áng, phường Đức Xuân của TP Bắc Kạn, không ai không biết và nể phục nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nông Viết Toại bởi sự hiểu biết sâu rộng của ông về văn hóa Tày.

Nhà văn Nông Viết Toại (SN 1926, tại xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn), là em trai ruột nhà thơ Nông Quốc Chấn - Hiệu trưởng đầu tiên của trường Viết văn Nguyễn Du, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa.

Ông là người đã góp phần đặt những "viên gạch" đầu tiên cho nền văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Cách nhà văn "bảo vệ" ngôn ngữ Tày - Ảnh 1.

Nhà văn Nông Viết Toại khi nói về sự tinh tế của tiếng Tày.

Ngôi nhà tin hin bốn bề gió lộng, bao bọc xung quanh là rừng cây ngăn ngắt như nỗi lòng của một thiền nhân, nhà văn Nông Viết Toại chọn cho mình nơi dừng chân, nào khác các bậc túc nho xưa chọn nơi ẩn mình chốn thâm sơn cùng cốc.

Khi chúng tôi đến, ông đang lụi cụi khom mình chuyển những gộc củi cuối cùng chất lên xe rùa. Tuổi 95, mắt tuy có mờ nhưng ông còn rất nhanh nhẹn và minh mẫn. Ngoài những lúc đọc sách, nghe đài, nhà văn Nông Viết Toại thường quần đùi, áo phông lên rừng kiếm củi. Ông bảo, lao động giúp mình có thêm sức khỏe mà chống chọi với những bệnh tuổi già.

Nhấp chén trà mạn, nhà văn chậm rãi đưa cái nhìn hướng ra ngoài bậu cửa. "Tiếng Tày phong phú và tinh tế lắm, tiếc là…", bỏ lửng câu nói rồi ông khẽ thở dài.

Cách nhà văn "bảo vệ" ngôn ngữ Tày - Ảnh 3.

Nhà văn giới thiệu về một trong số những cuốn sách được viết bằng tiếng Tày của mình.

Trong câu chuyện của mình, ông nói nhiều về sự độc đáo của ngôn ngữ Tày với những làn điệu hát Sli, Lượn, Phong Slư, đặc biệt là lối nói dân gian Tày: Phuối Pác, Phuối rọi.

"Phần lớn những thể loại ca xướng dân gian của tộc người Tày đều rất linh hoạt, phản ánh sự nhanh nhạy về tư duy ngôn ngữ đối đáp trong sinh hoạt thường nhật. Tiếng Tày được những người già, các sơn nam, sơn nữ vận dụng rất linh hoạt thông qua các thể tài văn học dân gian", nhà văn Nông Viết Toại chia sẻ.

Là người từng có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc, được sáng tạo bằng chính tiếng Tày, ông cũng là người từng tham gia biên soạn cuốn từ điển Tày - Việt xuất bản năm 2014, nhà văn Nông Viết Toại luôn đau đáu trước sự mai một của ngôn ngữ Tày hiện nay.

Ông cho biết, tiếng Tày đang bị mai một và sử dụng thiếu chính xác ở ngay cả chính những cơ quan truyền thông. Theo ông Nông Viết Toại, hiện nay, chương trình tiếng dân tộc của Đài địa phương đang phát âm theo kiểu người Kinh nói tiếng Tày.

Cách nhà văn "bảo vệ" ngôn ngữ Tày - Ảnh 4.

Hai cuốn sách gần đây nhất mới được xuất bản bằng tiếng Tày (phiên âm latinh) của nhà văn Nông Viết Toại.

Ông bảo, rất nhiều từ dùng chưa đúng, dẫn đến làm sai nội dung thông tin. Ông ví dụ như từ "NHOÒNG", nghĩa gốc của từ này là "TẠI", biểu đạt việc đổ lỗi, tuy nhiên Đài địa phương lại dùng theo nghĩa hàm ơn. Cụ thể như cụm từ "NHOÒNG BẢC HỒ", đài địa phương dùng để biểu đạt cho nghĩa "NHỜ BÁC HỒ", tuy nhiên, nếu dịch đúng sẽ là "TẠI BÁC HỒ".

Nhà văn Nông Viết Toại đã nhiều lần đề cập vấn đề này trong các hội thảo khoa học liên quan đến văn hóa bản địa, trực tiếp trao đổi với lãnh đạo các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, ông cho biết, tình trạng trên vẫn chưa được quan tâm, khắc phục.

Tự nhận mình "thất học"

Từng kinh qua nhiều chức vụ trong ngành văn hóa, nghỉ hưu khi đang là Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Việt Bắc, tuy nhiên, nhà văn Nông Viết Toại lại luôn tự nhận mình là người "thất học".

Bởi theo nhà văn Nông Viết Toại, ông chỉ được học đến lớp 4 chương trình bậc tiểu học của Pháp; còn lại là tự đọc, tự nghiên cứu. Gia tài một đời của ông chỉ có sách và sách.

Tuổi cao, mắt mờ, ông phải đọc sách bằng kính lúp mà cháu trai của ông là ông Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam mua tặng. 

Tuy nhiên ông than, gần đây kính lúp cũng đã không còn tác dụng nữa, đành phải nghe đài thôi. Nghe nhiều, càng xót xa nhiều khi tiếng Tày được sử dụng thiếu chính xác trong các chương trình.

Cách nhà văn "bảo vệ" ngôn ngữ Tày - Ảnh 5.

Trong nhà ông đụng đâu cũng sách, có thể nói, ông là người đọc thiên kinh vạn quyển.

Nhà ông chật, chạm đâu cũng sách, chiếc giường nhỏ được ông kê ngay cạnh giá sách có đến vài nghìn cuốn, từ triết học, văn hóa dân gian đến những tác phẩm văn học kinh điển. Trong đó có không ít những tác phẩm được ông viết, sáng tác bằng tiếng Tày.

Những tác phẩm của ông được viết bằng tiếng Tày phải kể đến bài thơ "Lập xuân", được các nghệ sĩ đưa vào trình diễn theo làn điệu hát Then. Bài hát đã trở thành hiện tượng và nổi tiếng khắp vùng Việt Bắc cho đến tận ngày nay.

Rồi tập truyện vừa "Boỏng tàng tập éo" (Khúc đường ngoặt) được ông viết khi tham gia Mặt trận Việt Minh, bị lộ rồi trốn chạy sự truy lùng của giặc Pháp. Và gần đây nhất là cuốn từ điển Tày – Việt do Nhà Xuất bản Đại học Thái Nguyên xuất bản, phát hành và tập truyện "Boỏng tàng tập éo" (Khúc đường ngoặt) tái bản 2020.

Theo nhà văn Nông Viết Toại, để bảo tồn, phát huy tốt nhất tiếng Tày không gì khác chính là sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật bằng tiếng Tày. Hiện nay việc sáng tác bằng tiếng Tày tại địa phương đang rất ít.

Việc sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật bằng tiếng Tày chỉ đếm được trên đầu ngón tay, như nhà thơ Dương Thuấn, Dương Khâu Luông, nhà văn Hoàng Chiến Thắng, tác giả Ma Phương Tân, Nông Thị Tô Hường.

"Nếu không quan tâm, mấy mươi năm nữa, có lẽ tiếng Tày chỉ còn lại trong các thước phim tư liệu, nhắc lại trong một vài cuốn sách nghiên cứu về văn hóa Tày và… biến mất hoàn toàn trong đời sống", nhà văn Nông Viết Toại thở dài.

Là người sáng tác bằng tiếng Tày, nhà thơ Dương Khâu Luông, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn cho biết, lực lượng sáng tác bằng tiếng dân tộc thiểu số, trong đó có tiếng Tày tại Bắc Kạn hiện nay rất hiếm.

"Chúng tôi thường xuyên tìm kiếm với hy vọng phát hiện để bồi dưỡng hằng năm, tuy nhiên thực sự khó như "đãi cát tìm vàng". Việc thành bại chủ yếu vẫn là ở người viết có nhiệt tâm, nhiệt thành và đau đáu với ngôn ngữ Tày hay không", nhà thơ Dương Khâu Luông cho biết thêm.

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn đánh giá cao nỗ lực "bảo vệ" ngôn ngữ Tày của nhà văn Nông Viết Toại. Ông hy vọng sẽ có nhiều người hơn nữa cùng chung tay để tiếng Tày không bị mai một.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem