Dân Việt

Trụ sở bỏ hoang sau sáp nhập huyện, xã (bài cuối): Hướng dẫn đã có, vẫn chậm triển khai

Lam Anh-Văn Hoàng 12/06/2021 06:00 GMT+7
Sau khi tiếp nhận phản ánh của Báo NTNN, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình làm đầu mối trao đổi thông tin với chúng tôi. Bước đầu, tỉnh Hòa Bình đã có những giải pháp là bán đấu giá hoặc chuyển công năng của các công sở đang để không...

Phê duyệt phương án bán đất và tài sản trên đất

Lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình cho biết: "Trụ sở UBND huyện, Huyện ủy, Phòng Tài chính đã được sắp xếp theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Phương án xử lý sắp xếp điều chuyển hoặc bán chuyển nhượng tạo nguồn xây khu hành chính tập trung của tỉnh, xử lý theo lộ trình 2021-2025".

Ông Hoàng Văn Lộc - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Toàn bộ trụ sở tại các xã, huyện sáp nhập (gồm 106 xã, phường, thị trấn) - sau khi sáp nhập còn lại 47 xã, phường, thị trấn. Có 37 cơ sở nhà đất là trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn, phòng ban dôi dư sau khi sáp nhập, đề xuất phương án xử lý".

Trụ sở bỏ hoang sau sáp nhập huyện, xã (bài cuối): Hướng dẫn đã có, vẫn chậm triển khai - Ảnh 1.

Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã Trường Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, nằm trong danh sách bán đấu giá. (Ảnh: L.A)

Được biết, đến cuối tháng 5/2021 Bộ Tài chính chưa nhận được phản ánh của các địa phương về vướng mắc phát sinh khi thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ giao liên quan đến việc bàn giao, tiếp nhận tài sản, cơ sở vật chất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Phương án sử dụng 29 cơ sở nhà đất là trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và các phòng ban dôi dư sau khi sáp nhập được các đơn vị đề xuất phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 8 cơ sở đề xuất phương án điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng.

Đối với phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình cho biết: Đối với 29 cơ sở nhà đất (trong đó 10 cơ sở nhà đất là trụ sở UBND xã, phường, thị trấn sau khi sáp nhập) đang tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo 167 của tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp. 19 cơ sở nhà đất đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Hiện các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các trình tự thủ tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, trình UBND tỉnh quyết định bán tài sản theo quy định.

Đối với phương án điều chuyển 8 cơ sở nhà đất, hiện đang làm các trình tự thủ tục điều chuyển tài sản theo quy định tại Nghị định số 151/2017.

Theo lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình, đối với các trụ sở sau khi sắp xếp dôi dư, không có nhu cầu sử dụng, trên cơ sở đề xuất của UBND các huyện, thành phố, Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của tỉnh có trách nhiệm tham mưu, báo cáo UBND tỉnh quyết định phương án xử lý cụ thể đối với từng công trình, trụ sở. Điều chuyển cho cơ quan, đơn vị có nhu cầu; bán tài sản trên đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp cải tạo trụ sở làm việc và tăng thu ngân sách nhà nước.

Thông tin từ Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình cho biết sẽ điều chuyển 8 trụ sở UBND cấp xã ở các huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy, Cao Phong, Lương Sơn sau sáp nhập, chia tách về đất diện tích khuôn viên gần 30.300m2, giá trị hơn 6,7 tỷ đồng đồng; về nhà gồm gần 6.400m2 diện tích xây dựng, nguyên giá 26,7 tỷ đồng, giá trị còn lại là 41,4 tỷ đồng.

Đồng thời bán tài sản là trụ sở 29 UBND xã, phường, thị trấn ở các huyện Lạc Thủy, Yên Thủy, Lương Sơn, Tân Lạc và TP.Hòa Bình. Tổng về đất có diện tích khuôn viên là 124.000m2, trị giá gần 101 tỷ đồng; về nhà có tổng diện tích sàn xây dựng là 25.017m2, nguyên giá gần 99 tỷ đồng, giá trị còn lại gần 43 tỷ đồng.

Hướng dẫn của Bộ Tài chính

Trụ sở bỏ hoang sau sáp nhập huyện, xã (bài cuối): Hướng dẫn đã có, vẫn chậm triển khai - Ảnh 3.

Sau khi chuyển đến trụ sở mới, hành lang của Phòng Nội vụ huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) đầy rác. (Ảnh: L.A)

Ngày 27/5/2021, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 5560 hướng dẫn sử dụng tài sản tại đơn vị hành chính cấp huyện, xã thực hiện sắp xếp, sáp nhập. Bộ Tài chính cho biết, tại Điều 41, Điều 42, Điều 43 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành (Nghị định số 151/2017, Nghị định số 167/2017) đã quy đinh cụ thể các hình thức xử lý tài sản công (trong đó có nhà, đất) của các cơ quan nhà nước khi có thay đổi về tổ chức, thay đổi chức năng, nhiệm vụ; thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục lập phương án, phê duyệt phương án, quyết định xử lý và tổ chức thực hiện việc xử lý theo từng hình thức. Các bộ, ngành, địa phương, trong đó có các địa phương có đơn vị hành chính cấp huyện, xã được sắp xếp, sáp nhập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã và đang thực hiện theo các quy định vừa nêu.

Tại điểm b khoản 7 mục III kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong gia đoạn 2019 - 2021 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 32 ngày 14/5/2019 của Chính phủ) giao UBND cấp tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo các nội dung: "Rà soát, xây dựng phương án tiếp nhận, bàn giao, sử dụng các trụ sở làm việc, tài sản, cơ sở vật chất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi sắp xếp, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát tài sản, đất đai khi đưa vào khai thác, sử dụng".

Như vậy, pháp luật về quản lý, sử dụng đã quy định các nội dung liên quan đến việc sắp xếp, xử lý tài sản công khi có sự thay đổi về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ làm cơ sở để UBND cấp tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện theo Nghị quyết số 32 ngày 14/5/2019 của Chính phủ.