Trụ sở bỏ hoang sau sáp nhập huyện, xã (bài 3): Lãng phí cả trí thức trẻ tâm huyết

Lam Anh - Văn Hoàng Thứ sáu, ngày 11/06/2021 06:00 AM (GMT+7)
Sau sáp nhập giảm 3 huyện và 38 xã, Cao Bằng trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về số lượng giảm UBND cấp xã và đứng đầu cả nước về giảm UBND cấp huyện.
Bình luận 0

Đồng nghĩa với việc đó là Cao Bằng dôi dư ra hàng trăm cán bộ cấp huyện, xã, nhiều người phải chấm dứt hợp đồng, trong đó có cả các trí thức trẻ của Đề án 500.

Hàng trăm cán bộ dôi dư sẽ đi về đâu?

Theo Đề án số 3652/ĐA-UBND của UBND tỉnh Cao Bằng về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thì việc này là phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển kinh tế - xã hội chung, đảm bảo khả năng quản lý của chính quyền cơ sở; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Tờ trình số 3650/TTr- UBND của UBND tỉnh Cao Bằng về việc trên gửi lên Chính phủ, số cán bộ dôi dư sau sắp xếp ở cấp huyện là 117 người, cấp xã dôi dư trong giai đoạn 2020 - 2024 là 744 người.

Trụ sở bỏ hoang sau sáp nhập huyện, xã (bài 3): Lãng phí cả trí thức trẻ tâm huyết - Ảnh 1.

Đội viên Nông Thị Thu Nguyệt là một trong 11 trí thức trẻ bị chấm dứt hợp đồng, cùng Chủ tịch UBND xã Cải Viên trao đổi với phóng viên. Ảnh: L.A

Theo bà Oanh 11 đội viên trí thức trẻ vừa phải chấm dứt hợp đồng đều là những cá nhân xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên do hiện nay sau sáp nhập, cán bộ ở Cao Bằng dôi dư lớn nên chưa thể ký hợp đồng với các đội viên trí thức trẻ.

Những người hoạt động không chuyên trách: Trong tổng số số 980 người thì bố trí tại 38 đơn vị hành chính mới gồm 430 người; giải quyết chế độ, chấm dứt hợp đồng đối với 550 người.

Điều đáng nói, trong số 550 người thuộc diện giải quyết chế độ, chấm dứt hợp đồng có 11 người là trí thức trẻ thuộc Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500) được triển khai tại 15 xã thuộc 6 huyện của tỉnh Cao Bằng (nay là 12 xã thuộc 5 huyện, do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã).

Chia sẻ với báo chí, chị Nông Thị Thu Nguyệt trước đây được phân công phụ trách văn hoá xã hội tại xã Vân An nay sáp nhập vào xã Cải Viên (huyện Hà Quảng) cho biết: "Đây là xã xa nhất, đi lại rất khó khăn, cuộc sống ở nơi vùng cao, heo hút khó khăn trăm bề, nhưng từng bước một em đã cố gắng nỗ lực và thực hiện tốt công việc được giao. Ngày 31/12/2020, em hết hợp đồng lao động và đến 20/4/2021, em được nhận 3 triệu đồng tiền phụ cấp 1 lần khi đề án kết thúc thí điểm".

Còn trí thức trẻ Đinh Thị Hồng Hạnh - phụ trách Văn phòng thống kê của UBND xã Lê Lợi, huyện Thạch An, bùi ngùi: "Khi được tuyển chọn và phân công đi xã vùng III Lê Lợi, em đã nỗ lực rất nhiều, trong 5 năm công tác, em luôn hoàn thành công việc được giao, được kết nạp Đảng. Đến ngày 30/6/2020 bị chấm dứt hợp đồng".

Kết quả xếp loại thực hiện nhiệm vụ từ năm 2015 đến 2019, có 11/13 đội viên được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đến nay, đã có 8 đội viên được kết nạp vào Đảng.

Tuy nhiên, cuối năm 2020, thực hiện quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý ở cơ sở để chuẩn bị nguồn nhân sự cho cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026, không có huyện nào lập kế hoạch dự kiến quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý ở cơ sở đối với đội viên trí thức trẻ. Đối với việc tuyển dụng thành công chức cấp huyện, cấp xã: Có 11/13 đội viên còn lại địa phương chưa có phương án bố trí do sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hiện nay cán bộ, công chức của địa phương đang dôi dư với số lượng lớn. Vậy là 11 trí thức trẻ sau 5 năm cống hiến đã bị chấm dứt hợp đồng.

Trả lời báo chí, bà Đồng Thị Kiều Oanh - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng cho biết, Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng rất lấy làm tiếc khi phải thực hiện chấm dứt hợp đồng với 11 đội viên trong Đề án 500.

Theo bà Oanh, các đội viên trí thức trẻ vừa phải chấm dứt hợp đồng đều là những cá nhân xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, do hiện nay sau sáp nhập cán bộ ở Cao Bằng dôi dư lớn nên chưa thể ký hợp đồng với các đội viên trí thức trẻ.

Giải quyết dứt điểm vào năm 2022

Trao đổi với PV Báo NTNN, ông Bế Cao Kiên - Chánh Văn phòng Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng cho biết: "Sau khi sáp nhập 38 xã vừa rồi tỉnh cũng có chấm dứt hợp đồng với những trường hợp đó (11 trường hợp trí thức trẻ thuộc Đề án 500 - PV). 11 người này thuộc đề án 500 trí thức trẻ của Bộ Nội vụ, đề án này bố trí vào làm cán bộ công chức cấp xã, đến năm 2020 là hết đề án, còn đề án sắp xếp sau sáp nhập các đơn vị hành chính của tỉnh Cao Bằng có khoảng mấy trăm cán bộ dôi dư đang trong giai đoạn sắp xếp".

Trao đổi với phóng viên về phương án sắp, bố trí cán bộ công chức cấp huyện, xã sau sắp xếp, ông Nguyễn Ánh Dương - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết: "Số lượng cán bộ, công chức được bố trí, sắp xếp đúng quy định và số dôi dư phải giải quyết các chính sách".

Trụ sở bỏ hoang sau sáp nhập huyện, xã (bài 3): Lãng phí cả trí thức trẻ tâm huyết - Ảnh 3.

Khi cánh cửa của một phòng làm việc của UBND xã bị đóng lại để không sau sáp nhập, cũng là lúc hàng chục trí thức trẻ ở Cao Bằng mất việc.

Thực trạng trên cả nước sau khi sắp xếp ở 45 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, số lượng cán bộ dôi dư cần được giải quyết trước năm 2022, đối với cấp huyện: Dự kiến tại các đơn vị hành chính cấp huyện mới hình thành sẽ bố trí số cán bộ, công chức đúng quy định là 1.062 người; số dôi dư là 428 người.

Đối với cấp xã: Dự kiến tại các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sẽ bố trí số cán bộ, công chức cấp xã đúng quy định là 10.043 người; số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 9.534 người; bố trí số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đúng quy định là 8.816 người; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 6.913 người.

Ông Dương cho biết phương án, hiện nay các địa phương đều cam kết và có phương án, lộ trình chi tiết giải quyết dứt điểm số cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư trước năm 2022.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vụ Chính quyền địa phương, trong quá trình triển khai thực hiện, việc giải quyết các chính sách đối với những người dôi dư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, khó bảo đảm hoàn thành trước năm 2022.

Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2021, các địa phương có phương án giải quyết dứt điểm được số cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư là 146 người; giải quyết được số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 7.006 người và giải quyết được số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 6.705 người.

Đối với số cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư còn lại đến nay các địa phương vẫn còn lúng túng, chưa có phương án giải quyết, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục đôn đốc, đồng hành và kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện để bảo đảm giải quyết dứt điểm trước năm 2022.

"Trường hợp các địa phương có khó khăn về các cơ chế, chính sách, về nguồn lực để giải quyết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định" - ông Dương nói. 

(Còn nữa)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem