Trụ sở bỏ hoang sau sáp nhập huyện, xã (bài 2): Bất cập phía sau một chủ trương đúng

Lam Anh - Văn Hoàng Thứ năm, ngày 10/06/2021 06:00 AM (GMT+7)
Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, ở một số địa phương, sau sáp nhập đang để không hàng trăm trụ sở, nơi làm việc gây lãng phí rất lớn. Ngoài ra còn rất nhiều câu chuyện phát sinh từ sự xáo trộn trên đang cần giải quyết khẩn cấp.
Bình luận 0

Vượt hơn 100km mỗi lần "báo cáo sếp"

Sau khi thực hiện đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại tỉnh Cao Bằng, nhiều trụ sở UBND, các phòng, ban và nơi làm việc của các đơn vị sự nghiệp đã bị rơi vào "quên lãng" và gây ra lãng phí đãng xót xa. Sáp nhập cũng khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn nhiều, các lĩnh vực, y tế, giáo dục, giao thông, buôn bán… bị ảnh hưởng không nhỏ.

Trong quá trình tìm hiểu của nhóm phóng viên Báo NTNN tại huyện Thông Nông (tỉnh Cao Bằng) sau sáp trước đây, một số cán bộ ở lại làm việc tại một Ban quản lý cho biết: "Sáp nhập, các "sếp" chuyển sang nơi làm việc mới, giờ muốn đến gặp sếp để trao đổi công việc phải đi 58km". Đó là tuyến đường gần nhất nối trung tâm huyện Thông Nông trước sáp nhập với trung tâm huyện Hà Quảng hiện nay.

Trụ sở bỏ hoang sau sáp nhập huyện, xã: Bất cập phía sau một chủ trương đúng - Ảnh 1.

Một số trụ sở, phòng, ban tại huyện Thông Nông sau khi sáp nhập giờ đang để không phơi mưa nắng. Ảnh: L.A

"Có những người con nhỏ, chồng là bộ đội công tác ở vùng sâu, vùng xa của huyện khác, họ phải ngủ trên khu làm việc mới cách vài chục cây số đường rừng kia, cuối tuần mới về".

Chị H chia sẻ

Là một trong hai cán bộ của Ban quản lý, chị T kể rằng, thời điểm nào nhiều việc cần giải quyết hoặc báo cáo lãnh đạo là mỗi tuần đi lại mấy lần bằng xe máy, cả đi và về hơn 100km, hôm nào lãnh đạo muốn trao đổi công việc sớm phải di chuyển từ tinh mơ gà gáy.

Còn chị H có con nhỏ nên xin ở lại huyện cũ làm việc, chị dự định khi nào con lớn, gửi trẻ được sẽ chuyển cả gia đình sang sinh sống gần trụ sở mới làm việc cho thuận tiện, và mời ông hoặc bà sang trông cháu.

Chị thở dài: "Có những người con nhỏ, chồng là bộ đội công tác ở vùng sâu, vùng xa của huyện khác, họ phải ngủ trên khu làm việc mới cách vài chục cây số đường rừng kia, cuối tuần mới về. Đi lại vất vả tiền lương chẳng đủ mua xăng, tháng được mấy triệu, chi tiền ăn, tiền nhà trọ nữa, lấy đâu ra tiền đề phòng lúc cha mẹ, con cái ốm đau bệnh tật".

Nhóm phóng viên đã trao đổi với nhiều người dân sinh sống, kinh doanh, buôn bán ở gần trung tâm huyện Thông Nông cũ, phần lớn họ chưa thật sự hài lòng khi sáp nhập toàn bộ huyện Thông Nông vào Hà Quảng. Có người tỏ ra thất vọng và bất bình.

Một người dân sinh sống ở gần Bệnh viện huyện Thông Nông trước sáp nhập, kể: "Nghe nói, Bệnh viện trung tâm huyện mới sẽ đặt ở trung tâm huyện Hà Quảng bây giờ, Bệnh viện huyện Thông Nông chuyển thành Trung tâm y tế dự phòng thì từ trên xã xuống đến đây rồi sang bên kia nữa, nếu đi cấp cứu thì đi dọc đường… bệnh nhân đã rơi vào tình trạng "khỏi đi viện luôn". Quá bất cập".

Chủ một cửa hàng tạp hóa ở đối diện Kho bạc Nhà nước huyện Thông Nông cũ nói với nhóm phóng viên: "Nhiều cán bộ có nhà ở huyện Thông Nông cũ, giờ chuyển sang trung tâm huyện Hà Quảng làm việc. Con đẻ ra sống ở một nơi, cha mẹ làm việc một nơi. Nhà ở huyện cũ rất xa khu làm việc mới, nhiều cán bộ phải đi thuê trọ".

"Vượt tuyến ra viện tỉnh còn gần hơn về huyện mới"

Tại huyện Trà Lĩnh (cũ), sau khi sáp nhập toàn bộ vào huyện Trùng Khánh, bi khúc sáp nhập cũng chẳng khác nhiều so với "đồng hương, đồng cảnh ngộ" Thông Nông.

Một người dân bán hàng trước cổng trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Trà Lĩnh buồn rầu chia sẻ: "Giờ đơn vị hành chính chuyển đi, vai trò tư cách về một cái huyện và cái huyện lỵ của Trùng Khánh chúng tôi hết rồi, muốn làm giấy tờ gì cũng phải đi sang đó mới làm được, mấy hôm trước đưa vợ đi đẻ phải vượt tuyến đưa thẳng ra Bệnh viện tỉnh cho gần hơn".

Một bác xe ôm nhiều năm "thường trực" ở cổng UBND huyện Trà Lĩnh cũ để đưa đón khách, phân tích: "Đi làm thủ tục giấy tờ xa nhưng vẫn phải chịu chứ, đường đi lại khó khăn vô cùng. Nếu đi đường bớt xấu thì phải qua huyện Quảng Hòa hết tầm 60km, còn đường gần hơn thì xấu lắm, cũng phải gần 40km. Đèo dốc núi đá lởm chởm. Từ đây sang đó giờ hết 400.000 đồng tiền xe ôm".

Đơn giản như một người dân chia đất cho con cháu, muốn làm sổ đỏ mà ở vùng xâu, xa nhất của huyện Trà Lĩnh cũ, nếu lên đến nơi mà giấy tờ không đủ, hoặc không làm được ngay phải quay về thì sẽ rất tốn thời gian và tiền bạc. "Giờ cơ quan cấp huyện chuyển sang bên kia có việc bắt buộc anh phải đi theo mà tiếp tục làm việc. Anh không đi anh thiệt. Rõ ràng là bà con khổ lắm sau sáp nhập, nhưng khổ cũng phải chịu chứ" - một người dân ở huyện Trùng Khánh nói.

Ở huyện Quảng Hòa (sáp nhập giữa Phục Hòa vào Quảng Uyên) khiến trung tâm huyện Phục Hòa sôi động ngày xưa giờ vắng tanh, chỉ ồn ào mỗi khi xe tải trọng lớn lên cửa khẩu Tà Lùng vút qua.

Bà Đặng Thị Liễu - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Quảng Hòa nói: "Các thủ tục làm việc của cấp huyện phải di chuyển ra huyện mới (sau sáp nhập) hết. Sáp nhập có chủ trương cả rồi".

Theo tìm hiểu của PV Báo NTNN, Đề án số 3652/ĐA-UBND của UBND tỉnh Cao Bằng về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã do ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng ký ngày 21/10/2019, ghi rõ: Khi thực hiện sẽ giảm 3 đơn vị hành chính cấp huyện, 38 đơn vị cấp xã.

Theo đánh giá của đơn vị thực hiện đề án, đây là việc phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển kinh tế - xã hội chung, đảm bảo khả năng quản lý của chính quyền cơ sở; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, với những hình ảnh "như vừa trải qua một cơn sóng gió tan hoang" của các trụ sở, nơi làm việc, cũng như những rắc rối phiền hà mà người dân phải gánh chịu như trong phóng sự này đã mô tả, thì: chúng ta nên làm gì để tránh xót xa, lãng phí cho vùng quê còn nhiều cam khó ấy?

(Còn nữa)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem