Là địa phương có lợi thế về khí hậu, đất đai, nguồn nhân lực và hệ sinh thái đa dạng (vùng có độ cao dưới 500m, vùng có độ cao từ 500-800m và vùng có độ cao từ 800-1.500m) nên Lâm Đồng được xem là vùng đất "vàng" để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp. Đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Thực tế cho thấy, hiện nay, tại Lâm Đồng, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 180 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, diện tích sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao đạt từ 400-500 triệu đồng/ha/năm, sản xuất hoa đạt 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Chính vì thế, Lâm Đồng đã là địa điểm để các nhà đầu tư mạnh tay "chi tiền" vào các dự án sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay, thực trạng giá thuê đất nông nghiệp ở mức cao đã khiến các nhà đầu tư nông nghiệp ngày càng khó tiếp cận vùng đất này. Ông Nguyễn Duy Đa - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Viên Sơn, một trong những doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất và xuất khẩu nông sản ở Lâm Đồng cho biết, việc thuê đất ở Lâm Đồng là một vấn đề khó khăn đối với doanh nghiệp.
Quan trọng nhất là giá thuê đất nông nghiệp lại cao hơn nhiều lần so với nơi khác. Nếu thuê 1ha đất nông nghiệp ở các tỉnh như Đăk Nông, Đăk Lăk mức giá chỉ ở 20-30 triệu đồng/năm. Thế nhưng, tại Lâm Đồng thấp nhất cũng lên đến 60-80 triệu đồng/năm".
Trong khi đó, anh Phan Văn Trầm (quê Nghệ An) một cá nhân thuê đất tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho hay, anh thuê đất nông nghiệp tại huyện Lạc Dương đã 3 năm nay để trồng hoa hồng. Tuy nhiên, hiện nay giá đất đang ở mức 100 triệu đồng/ha/năm. Đây là con số khá cao đối với các cá nhân muốn thuê đất để làm nông nghiệp. Nếu giá hoa, nông sản tốt thì không sao, nhưng nếu giá xuống thấp hoặc do dịch Covid-19 không bán được thì nguy cơ lỗ vốn là rất cao.
Theo ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, địa phương đã thu hút được 103 dự án FDI (vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 533 triệu USD. Trong đó, có 77 doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 267 triệu USD.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng hiện cũng có khoảng 1.425 doanh nghiệp, cơ sở trong nước đầu tư vào nông nghiệp. Việc này đã góp phần tác động tích cực đến cơ cấu ngành nông nghiệp. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần vào lan tỏa, tác động mạnh đến nhận thức, giúp người nông dân mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế.
Không chỉ có giá thuê đất tăng cao, hiện nay việc diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp cũng đang làm khó các nhà đầu tư. Quỹ đất nhà nước không có nhiều nên các doanh nghiệp phải thuê của người dân để mở nhà xưởng, trang trại. Tuy nhiên, diện tích đất của người dân lại khó phù hợp được với tính toán cũng như đáp ứng nhu cầu sản xuất ở quy mô lớn.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng thừa nhận rằng, giá thuê đất ở địa phương đang là trở ngại lớn trong việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Lý giải cho việc giá cao hơn các địa phương trong vùng Tây Nguyên, ông Châu cho rằng do sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả nên giá trị sử dụng đất cũng vì thế mà tăng lên.
Cũng theo ông Châu, mặc dù tỉnh đã quy hoạch nhiều khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung nhưng theo cơ chế sử dụng đất hiện nay thì các doanh nghiệp phải tự thỏa thuận đền bù với người dân. Giá đất nông nghiệp cao, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án cũng tăng lên nên việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp bị chậm lại, nhất là thu hút các doanh nghiệp FDI.
Thời gian vừa qua, tỉnh Lâm Đồng có định hướng khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp liên kết với các hộ dân theo hình thức nông dân góp đất với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư. Hoặc theo hình thức doanh nghiệp thuê đất của nông dân và sử dụng lao động của các hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện các cơ chế, chính sách, ưu đãi. Các vấn đề như cải cách hành chính, thủ tục luôn được chú trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Tỉnh Lâm Đồng cũng tổ chức mỗi năm 2 kỳ gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư tại địa phương.