Chủ 500 tàu du lịch Quảng Ninh và cú sốc với ngân hàng chưa hồi kết
Chủ 500 tàu du lịch Quảng Ninh và cú sốc với ngân hàng chưa hồi kết
Nguyễn Quý
Thứ tư, ngày 16/06/2021 14:00 PM (GMT+7)
Kết thúc cuộc đối thoại với 22 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, chủ 500 tàu du lịch vẫn ngơ ngác, thấp thỏm với món nợ khổng lồ, chưa tìm ra lối thoát.
Trước đó, ngày 15/6, tại TP.Hạ Long, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch có liên quan tới lĩnh vực ngân hàng, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hội nghị có sự tham gia của 22 ngân hàng thương mại, cùng đại diện Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh và hơn 200 chủ tàu kinh doanh du lịch trên tuyến vịnh Hạ Long – Bái Tử Long.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, gánh nặng trả gốc, lãi ngân hàng trên vai, không có nguồn thu mà vẫn phải chi các khoản phí bến cảng, bảo vệ, bảo trì tàu, tiền lương và các khoản bảo hiểm cho thuyền viên… khiến hầu hết chủ tàu bị kiệt quệ.
Ông Đào Mạnh Lượng - Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng rộng khắp, trong đó có nhiều ngành nghề phải gánh chịu hậu quả tàn khốc. Tuy nhiên, đối với những chủ tàu, thì đây quả là đòn đánh chí mạng.
Nếu như đầu tư 1 khách sạn, dịch bệnh kéo đến, ông chủ chỉ cần tắt điện và thuê bảo vệ. Nhưng đầu tư 1 con tàu du lịch thì không phải vậy. Hàng loạt các khoản phí vẫn phải chi cho 1 con tàu nằm bờ, trong đó gánh nặng lớn nhất là tiền gốc lãi cho khoản vay ở các ngân hàng để đóng tàu.
"Thực sự đã có rất nhiều giọt nước mắt rơi, tại đây (hội nghị - PV) cũng như trong những buổi gặp gỡ của Chi hội. Nhưng khóc rồi thì vẫn phải đứng dậy và tìm cách trả nợ. Vấn đề của chúng ta (Chính phủ, ngành, địa phương) là tìm ra giải pháp cụ thể" – ông Lượng nói.
Giải pháp mà ông Bùi Đức Long, đại diện Công ty Hưng Hải Hạ Long và Sealife Group, đưa ra là: Đối với khoản vay ngắn hạn, kiến nghị chuyển đổi thành khoản vay trung hạn.
Đối với các khoản vay trung hạn, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài và chưa có dấu hiệu giảm, ngân hàng tạm dừng thu các khoản gốc, lãi vay đến hạn thanh toán của tất cả khoản vay trong thời gian dịch Covid-19 và sau 12 tháng kể từ khi Thủ tướng chính phủ công bố hết dịch Covid-19.
Đối với khoản tín dụng phục vụ cho phục hồi sản xuất kinh doanh, sau khi Thủ tướng chính phủ công bố hết dịch, công ty cần một nguồn tiền để tái khởi động nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19, ngân hàng cấp cho công ty 1 khoản tín chấp ưu đãi, đơn giản trong cơ chế giải ngân.
Đối với lãi suất vay, trước và sau 1 năm kể từ khi Thủ tướng chính phủ công bố hết dịch Covid-19, ngân hàng cần ban hành chính sách giảm lãi suất cho các khoản đã vay về mức tối đa.
Đối với nhóm nợ, ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ của công ty đã được phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước thời điểm 31/5 2021.
Ông Phạm Thanh Chiến, chủ một hãng tàu kinh doanh dịch vụ nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, cho biết, hiện tại, công ty ông đang sở hữu 2 tàu ngủ đêm. Một tàu quy mô 46 phòng ngủ với tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng, dư nợ vay ngân hàng hiện tại 68 tỷ đồng. Một tàu quy mô 30 phòng ngủ, tổng vốn đầu tư 45 tỷ đồng, dư nợ vay ngân hàng hiện tại 20 tỷ đồng.
Ông Chiến kiến nghị, đối với món vay hoàn thiện tàu dở dang giải ngân sau ngày 23/1/2020 đến thời gian sau 3 tháng Chính chủ tuyên bố hết dịch sẽ được cơ cấu giống các món đã vay và giải ngân trước đó.
Ông Chiến cũng xin được cơ cấu món vay lưu động, giảm lãi vay cho các khoản vay của doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông cũng xin được cơ cấu trong thời điểm dịch Covid 19 diễn ra và được cơ cấu thêm 2 năm từ thời điểm Chính phủ tuyên bố hết dịch đối với các khoản vay của tàu đang hoạt động và tàu đang hoàn thiện dở dang.
Đồng thời, xin được gia hạn hợp đồng tín dụng thêm 3 năm so với hợp đồng ban đầu, gốc và lãi cơ cấu sẽ được chuyển trả đều vào 3 năm gia hạn hợp đồng tín dụng.
Hầu hết các ý kiến, kiến nghị khác xoay quanh những bất cập, cần sửa đổi của Thông tư 01 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Ngân hàng kêu: Khó
Ông Ngô Trí Quang, Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, nêu quan điểm: "Nếu khách hàng có tiền để hoạt động thì sẽ có nguồn thu để trả cho ngân hàng. Ở góc độ ngân hàng, chúng tôi phải đánh giá phân tích, nếu như hoạt động kinh doanh của khách hàng mà không có phương án, không có nguồn thu, thì đương nhiên chúng tôi rất khó để cho vay. Thứ hai nữa là, ở góc độ chi nhánh, chúng tôi không đủ thẩm quyền phê duyệt cho vay được, nên là rất khó cho chúng tôi".
Trả lời câu hỏi của PV Dân Việt liên quan tới kiến nghị của các chủ tàu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Đoan, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, nói: "Tại hội nghị này có 2 nội dung tôi phải giải quyết. Thứ nhất là giao cho các chi nhánh ngân hàng TMCP giải quyết các kiến nghị theo thẩm quyền. Thứ hai, những vấn đề không thuộc thẩm quyền thì phải đề nghị với cấp trên".
Kết thúc hội nghị, nhiều chủ tàu tỏ ra rất băn khoăn khi chưa tìm được lối thoát rõ ràng.
Tuy nhiên, họ vẫn kỳ vọng vào sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, các ngân hàng thương mại liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng của địch Covid-19.
Các chủ tàu đều mong được tiếp thêm sức lực để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó có nguồn thu để tiếp tục thanh toán các khoản vay của các ngân hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.