Chúng tôi về Đồng Tháp – địa phương trọng điểm của vựa lúa ĐBSCL - vào thời điểm đầu vụ thu hoạch lúa hè thu 2021 và nhanh chóng nhận ra không khí trầm lắng đang bao trùm lên vùng quê lúa.
Thông thường, đầu vụ thu hoạch, lúa được giá hơn chính vụ, vậy mà giờ đây, chuyện lúa rớt giá diễn ra từ “vòng gởi xe” đã khiến nhiều lão nông tri điền cũng không khỏi bất ngờ.
“Giá lúa rớt nhanh quá. Chỉ sau 1 đêm, giá lúa giảm 400 đồng/kg”, ông Nguyễn Văn Diêm - người trồng lúa có tiếng ở thị trấn Thanh Bình (huyện Thanh Bình) mở đầu buổi trò chuyện bằng thông điệp buồn.
Theo ông Diêm, ban đầu, lái đồng ý mua với giá 5.300 - 5.500 đồng/kg lúa (tươi), nhưng qua hôm sau, viện cớ mưa làm ướt lúa, họ đột ngột hạ giá xuống còn 5.000 đồng/kg. Đây cũng là tình trạng chung đang diễn ra tại nhiều địa phương có diện tích lúa hè thu sớm ở Đồng Tháp.
Theo ghi nhận của ngành nông nghiệp, hiện giá lúa đang sụt so với cuối vụ đông xuân khoảng 700 đồng/kg.
Tuy nhiên, đáng lo hơn là đang manh nha nhiều dấu hiệu cho thấy giá lúa sẽ tiếp tục diễn biến tiêu cực trong thời gian tới, nhất là thời điểm chính vụ.
Ông Nguyễn Văn Kẹm - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình bày tỏ lo lắng: “Thông thường, khi xuống giống được khoảng 1 tháng, thương lái tìm đến chủ ruộng để đặt tiền cọc, nhưng đến nay, dù lúa đã trổ đòng, nhưng mọi chuyện vẫn trong im lặng đáng sợ”.
Đây là dấu hiệu cho thấy việc tiêu thụ lúa trong thời gian tới sẽ khó cả về sức mua lẫn giá cả. Theo các chuyên gia kinh tế, sẽ rất khó khôi phục lại giá lúa cao như vụ đông xuân. Nguyên nhân cơ bản là do giá gạo của hai cường quốc “đối thủ” của gạo Việt Nam là Ấn Độ và Thái Lan cũng giảm theo đà giảm giá của đồng tiền quốc gia họ...
Với kinh nghiệm “lão nông tri điền”, ông Diêm cho biết, giá lúa rớt đột ngột như hiện nay đã nhiến nhiều nông dân “đột tử”. Bởi đó không chỉ là sự hụt hẫng tâm lý sau khi vừa trải qua vụ lúa trúng giá, mà còn là sự đối mặt với nguy cơ thua lỗ và hơn thế nữa.
Theo ông Diêm, hầu hết giá các khâu chi phí đầu vào đều tăng, nhất là vật tư như phân bón, thuốc trừ sâu. Chỉ riêng mặt hàng phân bón, đã trở thành gánh nặng đối với người trồng lúa. Ngay sau khi kết thúc vụ lúa đông xuân, nhiều mặt hàng phân bón đều tăng thêm bình quân 200 ngàn đồng/bao (50kg).
Thậm chí với mặt hàng phân URE, mức tăng cao hơn. Cụ thể, theo ông Diêm, vụ đông xuân, 1bao chỉ nhỉnh hơn 300 ngàn đồng, giờ đã lên đến 550 ngàn đồng. Với giá lúa hiện nay và mức bón bình quân 50kg/công (1.000m2), thì mỗi công lúa bị “mất trắng” trên 40kg lúa.
“Với giá bán hiện nay, sau 3 tháng chăm sóc, nông dân chỉ huề vốn sản xuất, mất trắng công sức lao động. Còn nếu thuê đất thì coi như lỗ nặng”- ông Diêm chia sẻ....
Điều này được xem như giọt nước làm tràn chiếc ly bất trắc của bài toán lợi nhuận. Cụ thể, theo ông Kẹm, thông thường năng suất lúa hè thu không cao so với vụ đông xuân, nhưng năm nay lại càng giảm mạnh.
Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết nắng khắc nghiệt với nắng nóng xuất hiện trùng vào thời điểm cây lúa đang chuẩn bị thụ phấn, tạo hạt....
“Thông thường, cây lúa cần nền nhiệt độ 25-27 độ để thụ phấn tốt, nhưng trên thực tế vào cao điểm, nhiệt độ có khi lên đến trên 30 độ nên tỷ lệ lúa bị bất thụ khá cao, nghĩa là bị lép hạt, giảm năng suất”- ông Kẹm nhận định.
Thực tế thu hoạch tại các cánh đồng tại tỉnh Đồng Tháp cho thấy, năng suất lúa bình quân đầu vụ chỉ ở mức 5 tấn/ha. Bất lợi bủa vây, nhưng người trồng lúa vẫn cứ phải... dấn thân. “Cho dù giá vật tư tăng đến bao nhiêu thì nông dân chúng tôi cũng không có quyền nói không. Cứ đến mùa là phải xuống giống, sau đó phải bón phân, phun thuốc dù không biết khi thu hoạch bán cho ai, giá bao nhiêu...”.
Lời gan ruột của ông Diêm như khiến chúng tôi đắng đót trước thân phận đầy may rủi của những người làm ra hạt gạo nuôi sống hàng chục triệu người dân Việt và mang lại vị thế “cường quốc xuất khẩu gạo” cho đất nước.
Bởi đàng sau đó còn có câu chuyện yếm thế khác: Lúa sụt giá cỡ nào nông dân cũng phải bán “ngay và luôn”.
ThS.Nguyễn Phước Tuyên - chuyên gia nghiên cứu độc lập về nông nghiệp ở Đồng Tháp giải thích: “Tuy có thể bảo quản, lưu trữ lâu hơn so với nhiều loại hoa màu, nhưng gần như người trồng lúa rất khó có thể lưu trữ chờ thời cơ giá để bán. Bởi điều này đòi hỏi rất nhiều công sức và mặt bằng, và nhất là áp lực nhu cầu trả tiền mua sắm vật tư trước đó cũng như trang trải cuộc sống ... nên gần như rất ít có nông dân đủ điều kiện để trữ lúa lại chờ thời điểm bán với giá cao”.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến lúa hè thu rớt giá. Bên cạnh ảnh hưởng từ dịch COVID-19 khiến cho chi phí vận tải bị tăng và kéo dài ngày hơn, đồng tiền của hai quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu gạo là Ấn Độ và Thái Lan bị sụt giảm, khiến mặt bằng thị trường gạo thế giới bị kéo theo... đã trực tiếp “đè” giá xuống hơn mọi năm..., còn có yếu tố từ nạn chở củi “đốt” rừng.
Bởi ĐBSCL nói chung, Đồng Tháp nói riêng được xem như vựa lúa của thế giới, thế nhưng khi nơi đây đang bước vào thu hoạch với đa số nông dân đang rất cần bán lúa để trang trải chi phí... thì nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong nước lại nhập khẩu lúa, gạo từ bên ngoài vào.
Cụ thể hơn, ThS.Nguyễn Phước Tuyên cho biết, 5 tháng qua, Việt Nam đã nhập 1,6 triệu tấn lúa từ Campuchia và trên 300 ngàn tấn gạo từ Ấn Độ. Điều này có thể mang lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp do giá lúa gạo ngoại đang ở mức thấp.
Điển hình là gạo Ấn Độ rẻ bình quân 100 USD/tấn so với gạo cùng loại của Việt Nam do quốc gia này trúng mùa và đến thời điểm xả kho gạo dự trữ và nhất là được hưởng thuế suất 0% theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA).
Điều này đã trực tiếp dồn đẩy giá lúa trong nước vào “thế chân tường”. Bởi sau khi nhập về, số lúa gạo này được đấu trộn rồi gắn nhãn mác Việt để tiêu thụ trong nước và tham gia xuất khẩu. Cách làm này không chỉ khiến lúa gạo trong nước thua ngay trên sân nhà, mà còn gia tăng nguy cơ “đóng cửa” nhập khẩu đối với gạo Việt nếu bị quốc gia nhập khẩu truy xuất nguồn gốc.
Đó là chưa kể đến nguy cơ ảnh hưởng đến danh tiếng của chất lượng gạo Việt do phần lớn gạo Ấn Độ đã lưu trữ 2 năm, chất lượng, dinh dưỡng giảm... Và như thế, điều này còn có khả năng đốt cháy cả “rừng lúa gạo” vùng ĐBSCL mà trước hết là đốt cháy cả cuộc sống của những người gắn bó với cây lúa quê hương.
Thật ra không đợi đến vụ hè thu năm nay, mà từ nhiều năm qua, người trồng lúa ĐBSCL, Đồng Tháp nói riêng, thường xuyên đối mặt với khó khăn về lợi nhuận.
ThS.Nguyễn Phước Tuyên cho biết, kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy, sau 30 năm sản xuất ra lượng lúa xuất khẩu, ĐBSCL đã có 1,2 triệu người, chủ yếu là người trong độ tuổi lao động, phải bỏ ruộng quê đến các khu công nghiệp để làm việc.
Điều này, cho thấy lợi nhuận từ trồng lúa chưa đảm bảo được cuộc sống người trồng lúa. Và đó cũng là tình trạng chung của người trồng lúa ở Châu Á. Bởi theo các chuyên gia, lúa gạo là mặt hàng đặc biệt nhất trong nhóm nông sản khi mà giá cả và cả việc nhập - xuất khẩu lệ thuộc vào điều hành của chính sách quốc gia hơn là mặt bằng thị trường.
Mặt khác, sau cuộc “khủng hoảng thiếu” năm 2008, các quốc gia đã hạ quyết tâm hướng tới tự túc lúa gạo, càng khiến cho thị trường lúa gạo khó có khả năng tăng kịch trần. Vì thế, mỗi quốc gia đều có chính sách “bảo trợ” cho người trồng lúa riêng mình.
Theo ThS.Tuyên, vào thời điểm giá lúa ở Việt Nam đứng ở mức 4.200 đồng/kg, thì ở các nước khác ở mức cao gấp đôi, gấp 3 lần. Cụ thể, lúa ở Trung Quốc là 9.000 - 10.000 đồng; Nhật và Hàn Quốc tương đương 18.000 đồng/kg...
Đây như hồi chuông thúc đẩy việc trồng lúa trong nước cần có bước tiến theo tinh thần của nền nông nghiệp thông minh: Thông minh trong quy hoạch, trong sản xuất và tiêu thụ...
Theo đó, trước hết là cần thay đổi tư duy trồng lúa bằng mọi giá như thời gian qua, để tiến tới mục tiêu: chỉ nên trồng lúa ở những vùng dồi dào nước ngọt tự nhiên. Các vùng còn lại, bố trí giống cây, con bản địa...
Điều này không chỉ giảm được diện tích, sản lượng lúa, mà còn phát huy giá trị kinh tế từ việc tổ chức nuôi trồng giống cây, con đặc sản phù hợp môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn.
Để phát huy tối đa giá trị kinh tế, nên cơ cấu giống theo đặc tính sinh thái từng vùng - ThS.Tuyên đề xuất cụ thể: “Vùng nhiễm mặn, nên tập trung lúa đặc sản như Một bụi và các dòng ST24, ST25....
Vùng đất phù sa tập trung cho gạo thơm, gạo trắng và vùng nhiễm phèn chỉ nên tập trung trồng lúa năng suất cao”. Trong đó đặc biệt chú ý đến việc bố trí mùa vụ thích ứng thời tiết.
Cụ thể, theo ThS.Tuyên, chỉ tập trung trồng lúa thơm trong vụ đông xuân, vì trong vụ hè thu, nền nhiệt độ cao sẽ giảm mùi thơm đặc trưng của tất cả các giống lúa...
“Để hiện thực hóa cuộc cách mạng trồng lúa trong nền nông nghiệp thông minh, cần phải thực thi cuộc đổi mới triệt để.
Trong đó, trước hết và quan trọng nhất là phải thực hiện theo tinh thần quyết liệt của tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: Cán bộ không làm việc theo tư duy nhiệm kỳ, nông dân không sản xuất theo tư duy mùa vụ và doanh nghiệp không kinh doanh theo tư duy ăn sẵn”- xin mượn lời ThS.Nguyễn Phước Tuyên để kết thúc bài viết như một thông điệp lan: Khi và chỉ khi mọi người cùng nghĩ, cùng làm như thế thì lúa gạo Việt mới thoát khỏi cuộc gục ngã do tự giẫm đạp lên nhau trước khi “vươn ra biển lớn” để khẳng định và chiếm lĩnh.