Bình Định: Túc tắc, thong thả nuôi thứ lợn đen toàn tập, ăn tạp nham, lớn con nào lái "khiêng" đi con đó

Thứ sáu, ngày 02/07/2021 19:01 PM (GMT+7)
Với mô hình nuôi heo rừng, ông Nguyễn Văn Chánh, 62 tuổi, Chi hội phó Chi hội nông dân ở xóm 1, thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành, là một điển hình trong phong trào thi đua phát triển kinh tế ở huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định).
Bình luận 0

Sau nhiều thời gian trăn trở về việc làm gì để tăng thêm thu nhập cho gia đình, năm 2017 vợ chồng ông quyết định đầu tư hơn 20 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua heo rừng giống về nuôi.

Từ 4 con heo rừng giống ban đầu mua từ huyện Vân Canh vào năm 2017 thì đến nay trong trại heo của ông đã có 35 con. 

Bình Định: Túc tắc, thong thả nuôi thứ lợn đen toàn tập, ăn tạp nham, lớn con nào lái "khiêng" đi con đó - Ảnh 1.

Một góc trại nuôi heo rừng của vợ chồng ông Chánh, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ảnh: X.V

Trong số heo rừng của ông Chánh đang nuôi có 15 con heo rừng lứa, 16 con heo rừng con và 4 con heo rừng giống. 

Ông Chánh chia sẻ: Trong việc nuôi heo rừng khâu xây dựng chuồng trại rất quan trọng. Trại heo rừng của tôi rộng 300 m2, được chia làm 2 khu riêng biệt. Heo con sau khi nuôi được 2 tháng tuổi được tách lứa từ khu heo giống qua khu heo lứa. 

Ngoài ra, theo ông Chánh, đối với chuồng nuôi heo nái phải chắn gió và che mưa thật kỹ.

Ngoài ra, để việc nuôi heo rừng đạt hiệu quả ổn định, trên nền trại ông Chánh còn đổ một lớp cát, phía trên là trấu, cứ 10 ngày ông lại rải vôi một lần quanh khu vực nhằm sát khuẩn, hạn chế mùi hôi, ngăn ngừa dịch bệnh.

Ông Chánh chia sẻ thêm: Heo rừng rất dễ nuôi do mức độ ăn tạp của nó rất cao, nó có thể ăn được nhiều thứ mà mình không hình dung được đâu, ví dụ là chuối cây, lục bình… Nhờ đó mình có thể giảm khá nhiều phần chi phí thức ăn. 

Hơn nữa, theo ông Chánh, heo rừng có khả năng kháng bệnh rất cao. Với heo thịt bình thường sau khoảng 3 tháng nuôi có thể đạt trọng lượng từ 70 - 80 kg/con. Trong khi đó, heo rừng nuôi từ 9 - 10 tháng đến xuất chuồng cũng chỉ đạt trọng lượng từ 30 - 35 kg/con. 

"Cứ nuôi túc tắc thong thả như thế, mỗi năm trung bình tôi có thu nhập khoảng 100 triệu đồng...", ông Chánh tự tin nói.

Mặc dù công việc sản xuất, chăn nuôi của gia đình rất bận rộn, nhưng ông Chánh luôn tích cực tham gia các hoạt động của thôn, xóm, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do chính quyền và hội nông dân các cấp tổ chức để trau dồi kiến thức, áp dụng hiệu quả vào thực tế.

Ông Nguyễn Văn Phi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thành (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) , nhận xét: Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, ông Nguyễn Văn Chánh luôn nhiệt tình với công việc, điều rất đáng quý là ông ấy không hề giấu nghề, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho mọi người. 

"Trong vai trò là cán bộ hội, ông nhiệt tình giúp đỡ cho các hội viên trong chi hội làm hồ sơ, thực hiện các thủ tục để mau chóng tiếp cận các nguồn vốn vay, đặc biệt là vốn được ưu đãi về lãi suất. Qua đó, nhiều người có thêm vốn sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình...", ông Nguyễn Văn Phi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thành (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).



Xuân Vinh (Báo Bình Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem