Thống kê biểu lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng thời điểm hiện tại cho thấy, OCB đang là ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất lên tới 8,2%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng, 8,1%/năm kỳ hạn 12 tháng.
Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.
Theo sau ở vị trí thứ hai là Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) với mức lãi suất tiết kiệm cao nhất ghi nhận được là 7,4%/năm. Điều kiện nhận được mức lãi suất này là khoản tiết kiệm phải có số dư từ 30 tỷ đồng trở lên.
Trong trường hợp số tiền nhỏ hơn mức quy định, khách hàng chỉ được hưởng lãi suất là 6,6%/năm tại kỳ hạn 13 tháng.
Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ, kỳ hạn 12 tháng, mức tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên và khách hàng cam kết không được tất toán trước hạn được Techcombank ưu đãi mức lãi suất 7,1%/năm.
Một số ngân hàng cũng có mức lãi suất tiết kiệm cao như MSB với 7,0%/năm; LienVietPostBank với 6,99%/năm; HDBank với 6,95%/năm; Sacombank với 6,95%/năm, VietABank (6,9%/năm),…
NCB cũng đang có lãi suất cao nhất là 6,8%/năm áp dụng khoản tiền gửi 3 năm.
Hay tại Kienlongbank, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng sẽ có lãi suất 6,75%/năm.
Các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank tiếp tục có lãi suất tiết kiệm thấp nhất trên thị trường. Trong đó BIDV, VietinBank, Agribank cùng có lãi suất cao nhất là 5,6%/năm.
Riêng Vietcombank thời gian qua đã có động thái tăng lãi suất tại nhiều kỳ hạn gửi tiết kiệm. Song mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này vẫn ghi nhận được ở mức 5,5%/năm. Đồng thời đây cũng đang là mức lãi suất gửi tiết kiệm thấp nhất được khảo sát.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê trong 6 tháng đầu năm (tính đến 21/6), huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,13% trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47%. Cùng kỳ năm ngoái, huy động vốn tăng tới 4,35% trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ tăng 2,45%.
Diễn biến này cho thấy dòng tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng đã chậm lại thời gian qua, điều này làm gia tăng áp lực tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng thương mại.
Trên thực tế, trong nửa cuối tháng 6 và đầu tháng 7, biểu lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng 0,1-0,2 điểm % ở nhiều kỳ hạn.
Còn theo nhóm phân tích tại SSI, khi hệ thống ngân hàng bớt dồi dào tiền, đã xuất hiện "ông lớn" tăng lãi suất.
"Ông lớn" được SSI nhắc đến chính là Vietcombank. Ngân hàng này đã điều chỉnh tăng 0,2 điểm % đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng, lên mức tương đương 3 ngân hàng thương mại Nhà nước còn lại (VietinBank, BIDV, Agribank), sau khi duy trì mặt bằng thấp hơn suốt trong 5 tháng đầu năm.
Theo đó, lãi suất tiết kiệm tại Vietcombank kỳ hạn 1 và 2 tháng nhích lên 3,1%/năm; 3 tháng lên 3,4%/năm; 6 tháng là 4%/năm.
Trước đó một số ngân hàng tăng biểu lãi suất tiết kiệm hoặc thêm sản phẩm tiết kiệm mới có lãi suất cao hơn như SHB, BacABank, TPBank…
"Môi trường lãi suất thấp như hiện tại khiến chênh lệch tiền gửi – tín dụng sẽ chịu áp lực thu hẹp và chúng tôi giữ nguyên quan điểm lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng khoảng 0,5 điểm %, trong khi lãi suất cho vay vẫn sẽ ổn định trong nửa cuối năm 2021", nhóm phân tích tại SSI đưa ra dự báo.
Trong báo cáo chiến lược thị trường 6 tháng cuối năm 2021, Công ty chứng khoán VNDirect cũng kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ 0,25 - 0,3 điểm % trong nửa cuối năm do nhu cầu tín dụng tăng nhờ sự phục hồi của nền kinh tế; áp lực lạm phát cao hơn về cuối năm.
Đặc biệt, các ngân hàng thương mại cần duy trì mức lãi suất hấp dẫn để cạnh tranh huy động vốn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.