“Rót tiền” đầu tư cổ phiếu, đại gia Sài Gòn Nguyễn Cao Trí kiếm tiền tỷ “siêu tốc”

N.Minh Thứ ba, ngày 06/07/2021 14:26 PM (GMT+7)
Ước chi khoảng 11 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu Saigonbank, sau 10 ngày giá trị lô cổ phiếu này của đại gia Sài Gòn Nguyễn Cao Trí đã tăng thêm 12,6% - cao hơn mức lãi suất tiết kiệm nhận được 1 năm trên thị trường hiện nay.
Bình luận 0

Theo thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ông Nguyễn Cao Trí – Thành viên HĐQT Saigonbank đã mua 579.199 cổ phiếu SGB. Trước đó, ông không nắm giữ cổ phiếu của Saigonbank.

"Rót tiền" mua cổ phiếu Saigonbank, đại gia Sài Gòn Nguyễn Cao Trí kiếm tiền tỷ "siêu tốc"

Giao dịch này được thực hiện chỉ trong ngày 25/6. Ước tính theo mức giá 19.000 đồng/cp kết phiên hôm đó, ông Nguyễn Cao Trí đã chi ra khoảng hơn 11 tỷ đồng để mua vào số cổ phiếu trên.

Tính đến thời điểm hiện tại, SGB đang giao dịch quanh mức 21.400 đồng/cp. Như vậy, giá trị của số cổ phiếu đang nắm giữ đã tăng 12,6%, tương ứng tăng khoảng 1,3 tỷ đồng sau 10 ngày – cao hơn nhiều so với mức lãi suất tiết kiệm nhận được trong vòng 1 năm nếu gửi tiết kiệm.

Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất là 8,2%/năm, 10 ngày chỉ nhận về được khoảng 25 triệu đồng lãi suất tiền gửi.

“Rót tiền” đầu tư cổ phiếu, đại gia Sài Gòn Nguyễn Cao Trí kiếm tiền tỷ “siêu tốc” - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu SGB của Saigonbank. (Nguồn: Vietstock)

Ông Nguyễn Cao Trí (SN 1970) ngoài là thành viên HĐQT Saigonbank còn là một gương mặt quen thuộc trong giới đại gia Sài Gòn. Ông hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của CTCP Tập đoàn Capella (Capella Holdings).

Tiền thân là Công ty TNHH Căn hộ Bến Thành. Sau 2 năm kể từ khi thành lập, công ty chính thức được cổ phần hóa với tên gọi mới là: Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Bến Thành (tên giao dịch/thương mại viết tắt là Ben Thanh Land); đồng thời chức năng hoạt động của Công ty cũng được mở rộng sang nhiều lĩnh vực.

Theo giới thiệu của Tập đoàn này, Capella Holdings với chức năng kinh doanh chính là phát triển hệ thống ẩm thực và giải trí (F&B Hospitality), hiện Công ty đang sở hữu các thương hiệu nổi tiếng gồm: Chill Sky Bar, Air 360 Sky Bar; Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới Riverside Palace, Claris Palace, Capella Park View, Capella Gallery Hall; hệ thống nhà hàng San Fo Lou (Hoa), Sorae (Nhật), Dì Mai (Việt).

Ngoài phát triển hệ thống F&B, Capella Holdings còn tham gia mở rộng kinh doanh trong ngành Bất động sản với cao ốc The One Saigon, ngành bán lẻ tiêu dùng, y tế, giáo dục, nông nghiệp kỹ thuật cao, … và nhiều lĩnh vực khác để trở thành một tập đoàn phát triển đa ngành.

“Rót tiền” đầu tư cổ phiếu, đại gia Sài Gòn Nguyễn Cao Trí kiếm tiền tỷ “siêu tốc” - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Cao Trí và thành viên Hội đồng quản trị Capella Holdings. (Ảnh: Capella Holdings).

Ông Nguyễn Cao Trí còn được biết đến là nhân vật đứng sau nữ đại gia 27 tuổi Đào Ngọc Bảo Phương "thâu tóm" 2 tòa lâu đài của Khaisilk.

Hai tòa lâu đài này tọa lạc ở vị trí đắc địa thuộc nhóm đất vàng của khu Phú Mỹ Hưng, tại số 2 – 6 Phan Văn Chương, quận 7 (TP HCM) và là hai biểu tượng đình đám một thời của Hoàng Khải tại Sài Gòn.

Hai tòa lâu đài này trị giá gần 30 triệu USD, trong đó TajmaSago Castle – Hotel Resort tọa lạc bên bờ hồ Bán Nguyệt từng được Khaisilk công bố trị giá 15 triệu USD. Còn nhà hàng Cham Charm có kiến trúc cổ mang dáng dấp đền Angkok Wat, là một trong những nhà hàng đẹp nhất thuộc chuỗi các nhà hàng triệu đô của doanh nhân Hoàng Khải, chi phí xây dựng từng được doanh nghiệp này công bố là 11 triệu USD.

Saigonbank có gì hấp dẫn nhà đầu tư?

Về Saigonbank, đây là ngân hàng nhỏ, được thành lập từ năm 1987. Sự ra đời của ngân hàng lúc đó nằm trong chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM và đến hiện tại Thành ủy TP.HCM vẫn đang là cổ đông có tỷ lệ sở hữu cao nhất tại ngân hàng.

Cơ cấu sở hữu của Saigonbank hiện nay rất cô đặc, không có hình bóng chi phối của các ông chủ tư nhân như các ngân hàng nhỏ khác.

Tại thời điểm 29/5/2020, Saigonbank có gần 2.200 cổ đông bao gồm cả cá nhân và tổ chức.

Trong đó, riêng 4 cổ đông lớn chiếm hơn 65% vốn điều lệ bao gồm Văn phòng Thành ủy TP HCM, Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hoa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 18,18%; 16,35%; 14,08% và 16,64%.

“Rót tiền” đầu tư cổ phiếu, đại gia Sài Gòn Nguyễn Cao Trí kiếm tiền tỷ “siêu tốc” - Ảnh 3.

Điểm "hấp dẫn" của Saigonbank nằm ở khối bất động sản đang sở hữu. (Ảnh: SGB)

Trong vài năm trở lại đây, nhà băng này chứng kiến làn sóng thoái vốn của cổ đông. Đơn cử như tháng 11/2017, Vietcombank cũng đã bán đấu giá thành công 13,2 triệu cổ phần Saigonbank (4,28%) với giá đấu thành công bình quân 20.100 đồng/cp.

Tháng 4/2019, VietinBank đã thoái toàn bộ vốn tại Saigonbank khi đấu giá thành công 15,1 triệu cổ phiếu SGB, tương đương 4,91% vốn điều lệ, với giá khởi điểm 20.100 đồng/cp.

Vào cuối năm 2019, CTCP Điện tử Biên Hòa (Belco) đã bán đấu giá toàn bộ gần 1,5 triệu cp SGB với giá khởi điểm là 20.204 đồng/cp nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Điểm khác biệt được cho là "hấp dẫn" của Saigonbank, theo người trong ngành nằm ở khối bất động sản khá lớn mà ngân hàng này sở hữu như: Khách sạn Riverside Hotel trên đường Tôn Đức Thắng; Hội sở chính của Saigonbank tại số 2C - Phó Đức Chính (quận 1, TP.HCM) cũng là khu đất vàng; tòa nhà nằm trên đường Châu Văn Liêm (quận 5, TP.HCM) với 2 mặt tiền; ngôi nhà ở 40 - Nguyễn Thái Bình (quận 1, TP.HCM) cùng nhiều khối bất động sản lớn khác ở quận 7 (TP.HCM), Lào Cai, Đắc Lắk…

Đây cũng là lý do giải thích vì sao các đợt thoái vốn Saigonbank qua đấu giá công khai của những cổ đông tổ chức như Vietcombank, Vietinbank lại luôn thành công ở mức giá gấp đôi so với giá khởi điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem