Thời gian gần đây, hàng loạt các dự án bất động sản như: khu đô thị Mê Linh New City, Đại Thịnh, Minh Giang 1,2,3, Mê Linh Vista City, Mê Linh Cienco5, Hà Phong, Diamond Park… đang được rao bán rầm rộ trên thị trường. Tuy nhiên, đa số các dự án trên đều trong tình trạng nằm "bất động" hàng chục năm qua đều không triển khai được hoặc chưa có hạ tầng hay đang triển khai hạ tầng dang dở.
Theo khảo sát của Dân Việt, thông tin "sốt đất" ở Mê Linh gần đây chủ yếu là do môi giới và đầu cơ lợi dụng những thông tin chưa chính thức về quy hoạch để thu hút nhà đầu tư, để thổi giá. Một số khu vực ở Mê Linh, điển hình như xã Tiền Phong đang chuẩn bị đón nhiều "ông lớn" bất động sản vào đầu tư nên giá đất liên tục được thổi giá.
Cụ thể, giá đất nền của một số dự án ở xã Tiền Phong từ 10 - 22 triệu đồng/m2, nay có nơi được thổi lên 20 - 38 triệu đồng/m2. Cá biệt, có dự án đang trong tình trạng bỏ hoang, cỏ mọc ngang đầu người vẫn được rao bán với giá từ 17-25 triệu đồng/m2.
Thế nhưng, nhiều người dân xã Tiền Phong cho biết, mức tăng hiện nay chủ yếu do mua đi bán lại giữa các nhà đầu tư, không có hiện tượng nóng "sốt" như đồn thổi. Người mua đất nền phân lô trong dự án đều phải giá khoản tiền chênh khá lớn so với hợp đồng mua bán.
"Thị trường đất nền ở khu vực xã Tiền Phong từ tháng 4 đến giờ vẫn trầm lắng chứ không hề sốt lại như đồn thổi. Thậm chí, giá đất thổ cư còn có chiều hướng đi xuống và ít người mua hơn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh", ông Nguyễn Văn Hoà – người dân xã Tiền Phong nói.
Liên quan tới các giao dịch đất đai trên địa bàn huyện Mê Linh từ đầu năm đến nay, trao đổi với PV, bà Hoàng Thị Bích – Phó giám đốc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội huyện Mê Linh cho biết, trên địa bàn huyện Mê Linh, giao dịch bất động sản vẫn diễn ra bình thường, so với thời điểm trước thì hiện không có gì nổi trội hơn.
Cụ thể, lượng giao dịch chủ yếu là giao dịch nhỏ lẻ ở khu dân cư, phần lớn là các giao dịch thừa kế, tặng cho của các gia đình, không có nhiều trường hợp chuyển nhượng.
"Những hồ sơ liên quan đến các giao dịch trên địa bàn huyện Mê Linh gửi qua bộ phận một cửa cũng không có nhiều. Mỗi ngày chi nhánh văn phòng tiếp nhận khoảng trên dưới 100 hồ sơ đất đai trên địa bàn huyện Mê Linh, số lượng này cũng tương đương như trước đây. Trong đó, các khu vực thị trấn Quang Minh, thị trấn Chi Đông, xã Tiền Phong... là những nơi có lượng hồ sơ về đất đai nhiều hơn các xã khác", bà Bích cho hay.
Liên quan tới thông tin "sốt đất" trở lại, ông Ngô Minh Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, huyện Mê Linh khẳng định, hai tháng trở lại đây tình trạng giao dịch bất động sản trên địa bàn im ắng, không có tình trạng sốt đất như đồn thổi.
"Vào những tháng đầu năm 2021 thị trường bất động sản trên địa bàn cũng khá nhộn nhịp nhưng hai tháng trở lại đây không có giao dịch nào. Không có xe ô tô về nườm nượp như trước đây nữa", ông Cường nói.
Ngoài ra, trong nội dung trao đổi với PV Dân Việt, cán bộ địa chính xã Tiền Phong cũng cho biết, hiện trên địa bàn xã chỉ có 1-2 dự án đủ điều kiện để chuyển nhượng theo quy định. Còn đa số các dự án nhà ở, khu đô thị khác trên địa bàn đang được giao dịch "chui" khi dự án chưa được xây dựng hạ tầng hoàn thiện, chưa đủ các điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định. Trong đó, chủ đầu tư "lách luật" bằng việc, ký các hợp đồng góp vốn, ký quỹ…
Trên thực tế, nhiều văn phòng môi giới "mọc" san sát nhau trong nhiều dự án khu đô thị chưa xong hạ tầng, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng. Đáng chú ý các hoạt động môi giới, tư vấn… các sản phẩm bất động sản chưa đủ điều kiện chuyển nhượng lại diễn ra công khai.
Được biết, vào đầu tháng 6/2021, UBND huyện Mê Linh có văn bản yêu cầu tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn huyện.
UBND huyện yêu cầu Phòng Quản lý đô thị chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương trong việc thực hiện công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng…, nhằm minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội vào tháng 3/2021, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, qua kiểm tra, rà soát, hiện nay, trên địa bàn huyện có 60 dự án. Trong đó, có 47 dự án đô thị và 13 dự án khác được giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất chậm triển khai, với tổng diện tích 2.140ha.
Trong tổng số 47 dự án đô thị đầu tư có 11 dự án không phải điều chỉnh quy hoạch được tiếp tục triển khai ngay; 32 dự án phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 2 dự án mới phê duyệt nhiệm vụ, chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết; 1 dự án nằm trong quy hoạch mặt nước, Chủ đầu tư đã dừng triển khai dự án (Viettrasimex). Đến nay, UBND TP đã điều chỉnh quy hoạch được 15 dự án, còn lại 17 dự án chưa được điều chỉnh quy hoạch.
Qua rà soát, tổng số 60 dự án chậm triển khai đều đã hết hạn đầu tư và phải thực hiện công tác điều chỉnh. Đến nay, UBND TP đã điều chỉnh chủ trương đầu tư được 7 dự án; còn 53 dự án chưa được điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư.