Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn tổ chức cho người lao động lưu trú ngay tại nơi làm việc để bảo đảm an toàn và ổn định hoạt động sản xuất lâu dài ngay trước cả khi thành phố triển khai Chỉ thị 16.
Kịch bản vừa chống dịch vừa sản xuất, sẵn sàng ứng biến trong mọi tình huống đã được nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đồng thời "kích hoạt".
Một trong những DN sớm triển khai mô hình "cắm trại" ngay tại nơi làm việc cho công nhân, lao động là Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan).
Theo đó, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân thành phố trong tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng, phức tạp, doanh nghiệp này đã quyết định thực tổ chức cắm trại tập trung tại đơn vị từ ngày 24/6 với hơn 1.500 lao động, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan cho hay, chế độ cắm trại sản xuất là giải pháp cuối cùng nhằm thực hiện mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất" mà công ty có thể làm lúc này.
Để đảm bảo vừa sản xuất vừa an toàn dịch bệnh, Vissan đã tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho toàn thể người lao động đang làm việc định kỳ 1 tuần 1 lần. Bên cạnh việc xét nghiệm thường xuyên, đại bộ phận người lao động Vissan đều đã tiêm phòng Covid -19 mũi đầu.
"Để tạo điều kiện sức khỏe cho lao động, cũng như khống chế dịch bệnh không lây lan gây gián đoạn sản xuất, khu ăn ở, sinh hoạt dã chiến đã được bố trí ngay tại nơi làm việc. Đồng thời, công ty lo toàn bộ chi phí ăn uống, sinh hoạt cho người lao động ở lại nhà máy trong những ngày này", ông An chia sẻ thêm.
Tương tự, Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng đã cho công nhân cách ly từ trước khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16.
Cách ly được hiểu ở đây là doanh nghiệp bố trí nơi ở, làm việc của người lao động tại nhà máy tách, biệt bên ngoài tránh đưa mầm bệnh vào, gây gián đoạn sản xuất.
Để hơn 700 công nhân có thể sinh hoạt tại nơi làm việc trong thời gian 2-3 tuần, công ty đã mua sắm vật dụng cần thiết. Công nhân được bố trí nơi ở, khu vệ sinh, tắm giặt, phơi quần áo... trong khu văn phòng còn trống được trang bị đầy đủ tiện nghi, kết nối wifi.
Tại Công ty CP Thiết bị nhà bếp Vina (Khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Phú) – doanh nghiệp hiện đang thực hiện phương án "3 tại chỗ" khi ăn ngủ, sinh hoạt, làm việc tại nhà máy.
Theo đó, công ty này đã mở 80 nhà vệ sinh, lắp 70 vòi nước, mua hơn 800 chiếc chiếu, mấy ngàn móc áo, lắp thêm quạt ở nhà xưởng, thuốc xịt muỗi, dung dịch sát khuẩn... Nhà xưởng được dọn dẹp. Mỗi công nhân có 3 - 4m2 để ngủ và sinh hoạt. Giờ ra ca, giờ ăn được sắp xếp giãn cách đảm bảo không tập trung đông người. Nhờ đó, gần 800 công nhân ổn định sinh hoạt và làm việc bình thường.
Trong khi đó, tại Khu công nghệ cao TP.HCM, nhiều doanh nghiệp tại đây cũng đã chuẩn bị phương án duy trì sản xuất khi thuê khách sạn cho người lao động đến lưu trú.
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam cho biết, nhiều lao động của doanh nghiệp này, trong đó có công nhân tại Đồng Nai, Bình Dương..., đã được doanh nghiệp bố trí lưu trú tại khách sạn để đảm bảo không đứt gãy sản xuất.
Bà Lê Thị Bích Loan, Phó Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, ngoài Nidec Việt Nam, các doanh nghiệp FDI như Intel, Schneider và một số doanh nghiệp khác cũng đã thuê khách sạn gần Khu công nghệ cao cho người lao động ăn ở.
"Phần lớn số người được ăn ở tại khách sạn là nhân sự quan trọng, làm việc trong các quy trình chính, cần thiết phải tham gia trong dây chuyền sản xuất", bà Loan cho biết thêm.
Đại diện Ban quản lý các Khu chế xuất – Khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cũng cho hay, đơn vị này đang phối hợp ngành chức năng kiểm tra điều kiện tổ chức nơi ở tập trung tại 38 doanh nghiệp thuộc Hepza đăng ký thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất. Nếu đạt yêu cầu, các nhà máy sẽ triển khai phương án "cắm trại" ngay tại nơi sản xuất cho công nhân, lao động.
Tuy nhiên, theo đại diện Hepza, các nhà máy phải đáp ứng điều kiện như được cơ quan chức năng đánh giá nguy cơ lây nhiễm thấp; nơi ở tách biệt khu vực sản xuất; lối ra vào thuận tiện, có hệ thống camera giám sát. Khu vực cách ly tạm thời cần có điểm khai báo y tế, kiểm dịch; khu vực cung cấp lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu; điểm khử khuẩn phương tiện, hàng hóa, rửa tay với dung dịch sát khuẩn.
Bên cạnh đó, khu vực lưu trú tập trung cần tách biệt với khu vực sản xuất. Mặt bằng nơi tạm trú cần có hàng rào xung quanh, đảm bảo ở đầu hướng gió...
Đặc biệt, tất cả lao động phải có kết quả xét nghiệm nCov âm tính mới được vào nơi lưu trú tạm, không được rời khỏi nhà máy trong suốt thời gian thực hiện phương án…
Bên cạnh sự tích cực, chủ động của các doanh nghiệp trong thực hiện "mục tiêu kép", ghi nhận trong ngày đầu thành phố triển khai giãn cách theo Chỉ thị 16, nhiều đơn vị cũng triển khai các giải pháp, sáng kiến phòng chống dịch rất hiệu quả.
Tại Co.opmart Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), người dân muốn mua hàng được sắp xếp chỗ ngồi giãn cách, làm thủ tục khai báo y tế trước khi vào mua sắm. Nhân viên siêu thị sẽ mang theo bảng danh mục các sản phẩm thực phẩm, nhu yếu phẩm đang ưu tiên bán cho khách xem và chọn thực phẩm cần mua. Nhanh sau đó, tất cả những món cần mua được nhân viên siêu thị ghi nhận, khách mua chỉ việc kiểm tra lại 1 lượt rồi tiến ra quầy tính tiền, rời khỏi khu vực mua sắm.
"Lần đầu tiên tôi đi mua hàng mà chỉ ngồi im một chỗ lướt báo đọc tin tức, có nhân viên siêu thị lựa chọn sản phẩm hết cho mình, xong xuôi chỉ tính tiền đi về", chị Nguyễn Ngọc Trần Anh, một khách mua hàng không giấu vẻ ngạc nhiên và hài lòng bởi cách làm việc này được tổ chức khá khoa học và an toàn.
Theo chia sẻ của đại diện Sài Gòn Co.op, đây là hình thức phục vụ hoàn toàn mới do một số siêu thị thuộc hệ thống Co.opmart đề xuất thí điểm và tổ chức thực hiện. Hiện có 7 siêu thị tham gia và bắt đầu thực hiện mô hình "Pick & Ship" mới này gồm có Co.opmart Nguyễn Bình (Nhà Bè), Co.opmart Vĩnh Lộc B (Bình Chánh), Co.opmart SCA Hoàng Văn Thụ (Tân Bình), Co.opmart Hùng Vương (quận 5), Co.opmart Đỗ Văn Dậy (Hóc Môn), Co.opmart Tô Ký (quận 12), Co.opmart SCA Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp), triển khai và được khách hàng đánh giá cao về độ an toàn.
Theo cách này, khách hàng đến mua sắm tại siêu thị không thể tiếp xúc trực tiếp với nhau như khi mua sắm tự do trước đây và luôn giữ khoảng cách với nhau theo bố trí của siêu thị. Hơn nữa, cách giãn cách này cũng giúp hạn chế gần như tuyệt đối tụ tập đông người tại các quầy thu ngân.
"Ước tính, giải pháp này giúp hạn chế 80 - 90% nguy cơ lây chéo giữa các khách cùng đi siêu thị vì khách không thể tiếp xúc nhau", đại diện Sài Gòn Co.op nêu.
Ngoài ra, Sài Gòn Co.op hiện đang phối hợp với các bên thứ 3 như Grab, Now... để thêm kênh mua hàng cho khách hàng ngay tại nhà. Đặc biệt, Co.opmart và Co.opXtra còn tăng giờ phục vụ, từ 6 giờ sáng đến tận 24 giờ đêm để phục vụ nhu cầu của người dân trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.