Từ 0h hôm nay, ngày 9/7, TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày để phòng chống dịch Covid-19. Trước và sau khi lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16 được đưa ra, người dân đã dồn về các chợ, siêu thị để mua hàng do tâm lý lo lắng nguồn cung sẽ thiếu.
4.000 - 5.000 tấn rau củ, thịt cá về mỗi ngày
So với các lần giãn cách trước, tâm lý người dân TP.HCM đợt này có phần lo lắng hơn do cả 3 chợ đầu mối tại TP là chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức - nơi cung ứng khoảng 70% hàng hóa các loại cho TP đều đang tạm ngưng hoạt động. Song song đó, hơn một nửa số chợ truyền thống tại TP.HCM cũng đang tạm đóng để phòng dịch.
Trước tâm lý hoang mang này, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Bùi Tá Hoàng Vũ, khẳng định 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động không có nghĩa là hàng hóa sẽ không được về TP.HCM, mà chỉ là thay đổi cách mua bán. Từ trước đến nay, hàng từ các tỉnh sẽ tập trung về chợ đầu mối sau đó phân phối về các chợ truyền thống thì hiện nay, hàng sẽ được đưa trực tiếp về chợ truyền thống và các điểm bán lẻ tại TP.HCM.
Ông Vũ khẳng định các thương nhân, thương lái thay vì trao đổi, mua bán trực tiếp sẽ chuyển sang giao dịch qua thương mại điện tử, điện thoại. Kể từ khi chợ đầu mối Hóc Môn ngưng hoạt động hôm 28/6, nhiều thương nhân cũng áp dụng phương thức này, hàng hóa cơ bản vẫn thông suốt.
Hôm qua, ngày 8/7, ngày đầu tiên cả ba chợ đầu mối đều ngưng hoạt động nhưng các thương nhân đã linh động đưa hàng về TP.HCM. Tổng lượng hàng hóa về TP khoảng 2.100 tấn thông qua tập kết xung quanh chợ, kênh điện thoại, giao hàng trực tiếp. Nhóm thịt gia súc khoảng 300 tấn; thủy hải sản 50 tấn; rau củ quả, trái cây 1.750 tấn, riêng lò giết mổ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) cung ứng khoảng 1.916 con heo/đêm, tương đương 144 tấn.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã giao Sở Công Thương tổ chức các tiểu thương và thương nhân tại 3 chợ đầu mối tổ chức tiếp nhận hàng hóa thông qua các điểm trung gian, trung bình một ngày đêm tiếp nhận khoảng 4.000 - 5.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống.
Đây cũng là sản lượng trung bình khoảng một tuần trở lại đây của các chợ đầu mối, kể từ khi chợ đầu mối Hóc Môn ngưng hoạt động. Như vậy, về cơ bản việc các chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động nhưng hàng hóa vẫn sẽ về TP.HCM.
Khẩn trương thiết lập vùng đệm nhận hàng
UBND TP.HCM cũng đã có công văn khẩn gửi các Sở ngành chức năng, địa phương về tiếp tục tăng cường các giải pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo cung cầu hàng hoá lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Sở Công Thương TP.HCM được yêu cầu kết nối các tỉnh thành, đề nghị hỗ trợ thông tin đến thương lái, thực hiện giao dịch trực tuyến và tổ chức đưa hàng hóa trực tiếp từ vùng nguyên liệu đến chợ truyền thống, các điểm bán lẻ trên địa bàn thành phố, đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa thông suốt, không ùn ứ.
Phối hợp UBND TP.Thủ Đức, quận 8, huyện Hóc Môn, các công ty quản lý chợ đầu mối triển khai phương án điều tiết hàng hóa; hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa, lương thực thực phẩm, với các tiểu thương tại các chợ truyền thống.
Song song đó, rà soát, tìm kiếm các vị trí đất trống gần chợ đầu mối, chợ truyền thống để tổ chức địa điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng, chống dịch.
Các quận huyện giáp ranh các tỉnh thông qua nghiên cứu, chuẩn bị phương án hỗ trợ hoạt động vận chuyển hàng hóa liên tỉnh trong trường hợp các tỉnh áp dụng chủ trương cách ly người đến từ Thành phố, thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, tổ chức khử khuẩn phương tiện, thay đổi tài xế… bàn giao phương tiện để tiếp tục vận chuyển, lưu thông hàng hóa được hoạt động trở lại khi đảm bảo điều kiện theo quy định.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM - Võ Khánh Hưng cho biết, 4 tỉnh giáp ranh TP.HCM là Tây Ninh, Long An, Đồng Nai và Bình Dương đã thành lập các chốt kiểm soát, yêu cầu tài xế trình giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 trong vòng 3 hoặc 5 ngày mỗi khi đi qua. Sở đang bàn bạc và thống nhất với các đơn vị liên quan về thời gian có hiệu lực của giấy xét nghiệm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tài xế vận chuyển hàng hóa.
Đảm bảo không thiếu
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại, chủ lực là các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh…
Đồng thời, gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 - 150.000 tấn/tháng, kích hoạt chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng đủ hàng và đúng giá cho người dân.
Phát huy năng lực cung ứng của các kênh phân phối hiện đại và truyền thống; gia tăng các giải pháp mua sắm trực tuyến của 17 siêu thị, hệ thống phân phối lớn; tổ chức các điểm bán bổ trợ, đi chợ thay cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, không sử dụng được điện thoại để đặt hàng, mua sắm trực tuyến.
Theo thống kê của ngành công thương, hiện TP.HCM có 106 siêu thị, 124 chợ truyền thống đang hoạt động, hơn 2.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và 28.000 điểm bán hàng của các địa phương.
Để tạo thuận lợi cho người dân mua sắm trong những ngày giãn cách xã hội, mới đây, Sở Công Thương cũng đã công bố danh sách 2.833 điểm bán hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm trên toàn TP, cập nhật theo từng quận huyện, phường xã và thông tin liên lạc để đặt hàng trực tuyến các điểm bán này.
"Với năng lực dự trữ và cung ứng của các hệ thống phân phối, các doanh nghiệp bình ổn thị trường, TP đủ lượng hàng cung ứng và các điểm bán phân phối hàng hóa, đảm bảo duy trì ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Lãnh đạo TP.HCM cũng đề nghị người dân không tập trung đông người mua sắm tích trữ hàng hóa, không đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch mà hãy cùng đồng hành trách nhiệm với TP để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.