Bình thản chờ giãn cách theo chỉ thị 16, DN quyết tâm “cắt cơn đau” để phục hồi

Quốc Hải Thứ năm, ngày 08/07/2021 20:26 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19 kéo dài hơn 1 năm qua khiến đại đa số các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vì vậy, trước quyết định giãn cách theo chỉ thị 16 để “cắt cơn đau” một lần cho dứt, các DN khá bình thản và cho biết sẽ không ngừng nỗ lực, sáng tạo, gói ghém để bảo toàn, chờ hồi phục.
Bình luận 0

10 ngày nay, chế độ "cắm trại" đã được triển khai ở Vissan. Theo đó, một phần kho hàng của Vissan được cải tạo thành chỗ ở tạm thời cho công nhân, lao động công ty.

Doanh nghiệp bình thản chờ giãn cách theo chỉ thị 16, quyết tâm “cắt cơn đau” để phục hồi - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp đang chuẩn bị các giải pháp sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thực hiện chỉ thị 16 (Ảnh: Phân bón Bình Điền).

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho hay chế độ "cắm trại" sản xuất là giải pháp cuối cùng nhằm thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống dịch vừa bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất mà công ty có thể làm lúc này.

Linh hoạt ứng khó với dịch

"Công ty khuyến khích tất cả các bộ phận, bao gồm ban tổng giám đốc, nhân viên hành chính, nhân sự và đặc biệt là công nhân không ra khỏi phạm vi các xưởng sản xuất trong thời gian này nhằm kiểm soát rủi ro phát sinh ca mắc Covid-19 trong nhà máy. Khu ăn ở, sinh hoạt dã chiến đã được bố trí, công ty lo toàn bộ chi phí ăn uống, sinh hoạt cho người lao động ở lại nhà máy trong những ngày này", ông An cho biết thêm.

Cũng có chế độ làm việc giãn cách từ nhiều tháng trước, nhiều DN như Thaco, Nutifood, DPM, LDG Group… cũng không mấy ngạc nhiên và hoàn toàn ủng hộ việc "mạnh tay" của thành phố trong việc áp dụng chỉ thị 16, sớm khống chế đại dịch Covid-19.

Đại diện Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), cho hay, trước khi có chỉ thị mới (chỉ thị 16), từ nhiều tháng nay, DPM đã duy trì một đội ngũ tối thiểu làm việc tại văn phòng, để hạn chế tình trạng lây lan của dịch bệnh, đảm bảo các công tác phòng chống dịch.

Tại nhà máy của DN này, ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng cho biết, từ ngày 31/5, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, quyết định vận hành nhà máy theo chế độ Level 2 được ban hành.

Sau khi thông báo đến toàn thể CBCNV, chế độ vận hành đặc biệt này được áp dụng ngay từ ngày 1/6 cho đến nay. Theo đó, hầu hết CBCNV khối hành chính sẽ làm việc online tại nhà. Đối với CBCNV khối vận hành sản xuất, phân ca theo hình thức 2 ca 4 kíp (mỗi kíp 40 người). Tức 1 kíp làm việc, 1 kíp nghỉ ngơi và thực hiện cách ly ngay tại hội trường nhà máy trong thời gian chờ đổi ca, còn 2 kíp được chia ra cách ly tại khách sạn ở TX Phú Mỹ và ở tại TP Vũng Tàu để đảm bảo giãn cách, giảm rủi ro trong phòng dịch.

Doanh nghiệp bình thản chờ giãn cách theo chỉ thị 16, quyết tâm “cắt cơn đau” để phục hồi - Ảnh 2.

Nhân viên nhà máy Đạm Phú Mỹ được bố trí ăn, ngủ tại văn phòng nhà máy để phòng chống dịch (Ảnh: Phân bón Đạm Phú Mỹ)

Tương tự, ông Nguyễn Minh Khang, TGĐ LDG Group, cũng cho hay, trước tình hình thành phố áp chỉ thị 16 để đối phó với đại dịch đang lan rộng, điều trước tiên là doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ và thông cảm với quyết định cần kíp này để cuộc sống và hoạt động kinh doanh sớm được trở lại bình thường.

Về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh khá phức tạp hiện nay, để đảm bảo an toàn và cộng tác cùng với chính quyền để phòng chống đại dịch, doanh nghiệp đã thay đổi và chuẩn bị kịch bản làm việc đảm bảo tối ưu nhất các yêu cầu về phòng chống dịch Covid – 19. Trong đó, công ty đã dừng hoàn toàn việc giao dịch trực tiếp mà thông qua hình thức trao đổi trực tuyến.

Cụ thể, đối với hoạt động kinh doanh, công ty phối hợp với đơn vị phân phối tổ chức các hoạt động giới thiệu sản phẩm qua phương thức trực tuyến (livestream) và tư vấn qua ứng dụng mạng xã hội. Dù hiệu quả không bằng với hoạt động tư vấn truyền thông nhưng đảm bảo lượng giao dịch tương đối. 

Đặc biệt, công ty đã chuẩn bị sẵn ứng dụng xem nhà mẫu thực tế ảo để khách hàng có thể tham gian nhà mẫu mà không cần đến trực tiếp. Thêm vào đó, mọi trao đổi với khách hàng đều thông qua ứng dụng mạng xã hội.

"Chúng tôi cắt cử nhân viên luân phiên trực hệ thống trả lời cho khách hàng xuyên suốt từ hoạt động Fanpage trên Facebook, ứng dụng mạng xã hội khác và phản hồi kịp thời cho khách hàng", ông Nguyễn Minh Khang, TGĐ LDG Group chia sẻ.

Ngoài ra, công ty còn mua tài khoản Zoom để có thể kết nối họp trực tuyến với mọi phòng ban để có thể làm việc từ xa và không gián đoạn hoạt động của công ty.

Đánh giá trong hơn 1 tháng dịch vừa qua, ông Khang cho biết thêm, nhờ triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch, tuy giao dịch có giảm nhưng hiệu quả làm việc được đảm bảo và duy trì hoạt động kinh doanh của công ty khá tốt.

"Vừa qua, chúng tôi cũng đã tiến hành tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua hình thức trực tuyến. Đó là một trong những hình thức làm việc mới mà chúng tôi thay đổi để thích nghi với tình hình hiện tại", ông Khang đúc kết.

Thích ứng để tồn tại, vươn lên

Với các DN lớn, dịch Covid-19 dù ảnh hưởng nhiều nhưng vẫn chưa tới bài toán "sống còn", nhưng với các DN nhỏ, DN startup… thì đòi hỏi phải có hướng đi riêng để tồn tại trong đại dịch.

Ông Lê Quyết Tâm, Tổng giám đốc Công ty CP trà cà phê An Nhiên (ANNI Coffee), cho hay, hiện việc bán hàng của ANNI Coffee có khó khăn một chút, nguyên nhân là vì DN đang hạn chế nhân sự đến công ty làm việc để đảm bảo công tác giãn cách; kế đến là lượng hàng khách hàng đặt online sẽ tăng khiến cước vận chuyển tăng theo. Nhiều khi giao hàng trúng khách hàng trong khu giãn cách, phong tỏa thì không giao được, sẽ bất tiện mà mất chi phí này.

Tuy nhiên, theo ông Tâm, nhờ áp dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh kênh bán hàng online… từ khi bắt đầu dịch đến nay nên kết quả kinh doanh cũng không sụt giảm nhiều.

"Trong tình hình hiện nay, khi TP triển khai chỉ thị 16, chúng tôi sẽ duy trì một hai nhân viên ở kho để quản lý hàng. Còn lại nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh thì sẽ làm việc ở nhà. Các bạn này sẽ nhận đơn hàng, làm content, quản lý sàn, các trang website… và khi có đơn hàng thì chuyển vào hệ thống để bộ phận kho và giao hàng sẽ xử lý", ông Tâm nói thêm.

Doanh nghiệp bình thản chờ giãn cách theo chỉ thị 16, quyết tâm “cắt cơn đau” để phục hồi - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra ATTP tại cửa hàng Vissan, TP.HCM (Ảnh: Nguyên Vỹ)

Cũng xác định "sống chung với dịch" ít nhất đến giữa năm 2022, The Coffee House với hệ thống 178 quán cà phê trên cả nước đang nỗ lực để tồn tại.

"Trong đợt dịch lần 4 này, khoảng 2/3 cửa hàng của chúng tôi phải đóng cửa. Nhiều nhân viên và shipper của chúng tôi phải tự theo dõi hoặc cách ly do sinh hoạt hoặc ở trong các khu phong tỏa; một số khác về quê tránh dịch dẫn đến việc thiếu hụt nhân sự làm việc, giao hàng, hệ thống phải điều động những nhân sự còn lại để tiếp tục phục vụ khách hàng" - đại diện The Coffee House thông tin.

Để tìm cơ hội trong bối cảnh dịch phức tạp, DN này đã triển khai nhiều ý tưởng mới như dịch vụ pick up (đến nhận nước), khách đặt và thanh toán trước qua app (ứng dụng) đến lấy trong vòng 1 phút, chương trình shipper nội bộ… The Coffee House cũng tạo ra gói subscription (bán hàng theo đăng ký), phục vụ cà phê theo thói quen của các khách hàng phải làm việc, học tập ở nhà… (toàn bộ đều freeship).

Dịch Covid-19 kéo dài khiến mọi hoạt động kinh tế - xã hội bị đình trệ. Tính chung 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho biết cả nước có 70.200 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem