Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích thả nuôi tôm toàn tỉnh Sóc Trăng hơn 28.000ha, trong đó tỷ lệ tôm thiệt hại chiếm 3,2% diện tích thả nuôi.
Với diện tích thả nuôi tôm đạt và vượt kế hoạch đề ra, cùng với đó là sản lượng tôm đạt tốt, thiệt hại chiếm tỷ lệ thấp cho thấy vụ tôm trong 6 tháng đầu năm thành công lớn, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho cơ sở, doanh nghiệp và hộ dân nuôi tôm nước lợ.
Nếu như trước đây, hầu hết hộ nuôi tôm đều nuôi theo phương thức truyền thống (nuôi tôm ao đất) thì vài năm trở lại đây, hộ nuôi tôm đã chuyển đổi nuôi tôm bằng ao lót bạt, nuôi tôm bể nổi. \
Chính nhờ việc chuyển đổi phương thức nuôi đã góp phần tăng sản lượng tôm nuôi sau thu hoạch, bởi dịch bệnh trong ao nuôi lót bạt, ao nổi được kiểm soát tốt.
Ghé tham quan mô hình nuôi tôm lót bạt 2, 3 giai đoạn của ông Ngô Công Luận, xã Hòa Tú 2 (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), chúng tôi được ông nhiệt tình đưa đi xem ao nuôi tôm lót bạt đã thả giống được hơn 20 ngày tuổi.
Ông Luận bộc bạch: “Tôi có tổng diện tích nuôi tôm 4ha nhưng thực tế diện tích dành nuôi tôm chỉ 5.600m2, phần diện tích còn lại là làm các ao lắng lọc nước để nuôi tôm. Trong tháng vừa qua, tôi thu hoạch được hơn 1,8 tấn tôm nuôi nước lợ, với diện tích 600m2/2 ao nuôi, trừ chi phí lợi nhuận trên 80 triệu đồng...".
Hiện tại, các ao nuôi sau thu hoạch xong tiếp tục được cải tạo cùng với các ao nuôi khác, ông Luận đã thả giống đồng loạt toàn bộ diện tích nuôi. Theo dự đoán chắc chắn mùa vụ tôm năm 2021 tiếp tục thắng lợi, bởi thời tiết đầu vụ thả nuôi thuận lợi nên tôm tăng trưởng tốt...
Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam có diện tích trang trại nuôi đặt tại xã Liêu Tú (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), trong nhiều năm qua công nghệ nuôi tôm hiện đại rất thành công và đạt sản lượng tôm nuôi tăng theo từng năm.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam Võ Văn Phục chia sẻ: “Công ty có gần 240 ao nuôi tôm, trong vụ đầu năm 2021 sản lượng tôm thu hoạch gần 2.000 tấn và hiện tại công ty đã thả nuôi tiếp vụ thứ hai, hiện tôm tăng trưởng tốt.
Theo tôi, một trong những thành công của vụ nuôi tôm là công ty đã đầu tư công nghệ nuôi khoa học cùng với đó là thời tiết thuận lợi, nước biển lấy vào ao nuôi trung tính không nóng không lạnh, đặc biệt là trình độ, năng lực của người quản lý cũng rất quan trọng trong việc góp phần vào thành công của vụ nuôi tôm…”.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quách Thị Thanh Bình cho biết: “Theo ghi nhận, đầu vụ nuôi tôm năm 2021, lượng mưa tương đối lớn nhưng kết thúc nhanh nên ít ảnh hưởng đến ao nuôi và hướng gió phù hợp cho tôm nuôi phát triển.
Để vụ nuôi tôm thành công hơn nữa trong những tháng còn lại của năm, đơn vị triển khai một số giải pháp như: Rà soát quy hoạch để bố trí lại sản xuất vùng chuyên tôm, vùng nào sản xuất chuyên lúa, vùng nào tôm - lúa, vùng nuôi tôm hữu cơ, vùng nuôi tôm công nghệ cao để có giải pháp kịp thời cho từng mô hình, từng loại hình nuôi cụ thể, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, vừa bảo vệ sản xuất bền vững thích ứng biến đổi khí hậu cũng như kết nối thị trường...".
Tỉnh Sóc Trăng chú trọng tập trung lại sản xuất bằng cách tập trung hộ dân nuôi tôm nhỏ lẻ vào các tổ hợp tác, hợp tác xã; tạo mối liên kết về kỹ thuật cũng như tài chính về quản lý tổ hợp tác, hợp tác xã giống như mô hình doanh nghiệp thu nhỏ.
Về tổ chức sản xuất theo bà Thanh Bình thì cần thúc đẩy tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp liên kết đầu vào, đầu ra; tăng cường chuyển giao các mô hình hiệu quả đã được học tập ở các doanh nghiệp, trang trại tỉnh bạn.
Đồng thời, Chi cục Thủy sản sẽ tham mưu cho ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ các viện, trường, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp thu những thông tin khoa học kỹ thuật mới, quy định mới truyền tải đến người dân, để hộ dân áp dụng hiệu quả, kịp thời trong việc nuôi tôm.
"Ngoài ra, đơn vị sẽ liên hệ nhà khoa học có giải pháp tốt hơn về quản lý dịch bệnh, để kiểm soát tốt dịch bệnh, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất. Chú trọng nhân rộng mô hình nuôi tôm theo quy trình VietGAP, ASC tùy theo nhu cầu thị trường bởi đây là ngành hàng sản xuất phục vụ xuất khẩu nên phải sản xuất đáp ứng theo nhu cầu thị trường nhập khẩu cần…”, bà Quách Thị Thanh Bình cho biết.