Với các loại bệnh khác nhau, tùy theo cách sử dụng thì rau má thường được người dân dùng ăn sống, luộc, nấu canh, bởi công dụng tuyệt vời của rau má nên rau được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Để cung ứng đủ sản lượng rau tới tay người tiêu dùng trong tự nhiên rất khó, chính vì vậy một số hộ dân đã phát triển trồng cây rau má tại hộ đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Hộ bà Thạch Thị Thương, ấp Bưng Cốc, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) nhờ trồng rau má mà gia đình bà có nguồn thu nhập tốt.
Bà Thương bộc bạch: “Nếu như thời điểm nắng nóng cùng kỳ năm trước vườn rau má sẽ bị rụi lá hết do thiếu nước, nhưng mấy tháng nắng vừa qua vườn rau của gia đình vẫn luôn xanh tốt, thu hoạch đều đều là nhờ vào hệ thống tưới nước phun tự động được ngành chuyên môn hỗ trợ.
Nhờ vậy, trong mấy tháng nắng tôi vẫn có đủ số lượng rau cung ứng cho một số khách hàng bán buôn tại chợ và các quán kinh doanh nước giải khát.
Rau má tôi trồng được lấy giống rau trong tự nhiên nên rau vẫn y như loại rau má mọc dại, chứ không phải như rau má loại cọng lớn (rau má chợ) nên khách hàng rất thích sử dụng rau má do nhà tôi trồng; vì vậy, lượng rau thu hoạch bao nhiêu cũng được khách hàng mua hết bấy nhiêu.
Do hương vị rau má thơm ngon, có vị đặc trưng của rau dại, cùng với đó rau trồng theo quy trình VietGAP, an toàn sức khỏe người tiêu dùng nên giá bán rau cũng tốt hơn so với rau má chợ cọng to”.
Bà Thương cho biết thêm, bà bắt đầu trồng rau má từ năm 2018, do nhà ít đất sản xuất nên chủ yếu tận dụng đất quanh nhà, có bao nhiêu thì trồng các loại rau màu bấy nhiêu, trước tiên là dùng cho bữa ăn hàng ngày đỡ tốn tiền chợ.
Tiếp đến là bà Thương có dư bán kiếm thêm thu nhập; ban đầu với diện tích chỉ hơn 600 m2 bà trồng quanh nhà các loại bầu, bí, mướp...
Mỗi thứ một ít và thu hoạch không nhiều, kèm theo đó bà lớn tuổi nên việc chăm sóc các loại màu trên không xuể, bởi sâu hại cắn phá và không đủ sức tưới nước.
Trong lần làm cỏ cho đám rẫy của người quen, thấy đám rau má mọc dại tốt, nên bà nảy ra ý định trồng thử rau má và bà cải tạo toàn bộ diện tích trồng màu quanh nhà để trồng cây rau má.
Ban đầu bà Thương chỉ trồng vài bụi rau, khoảng 8 tháng sau rau má phát triển khắp khu vườn nhà diện tích 600 m2 và bắt đầu cho thu hoạch 3 lần/tháng.
Mỗi đợt bà Thương cắt rau má được 20 kg - 25 kg, cắt đến đâu khách hàng đặt mua đến đó, giá bán bình quân 20.000 đồng - 35.000 đồng/kg, đã cho bà thu nhập hơn 2,6 triệu đồng/tháng”.
“So với nhiều loại rau màu khác thì rau má là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư trồng rau không đáng kể, chỉ cần bỏ công làm đất và tìm cây rau má ngoài tự nhiên đem về trồng.
Bên cạnh đó, rau má là loại rau dại có sức đề kháng tốt với các loại sâu gây hại, nên rau hiếm bị dịch bệnh hay côn trùng tấn công.
Chính vì vậy, trong suốt mấy năm trồng rau má, tôi chỉ trồng rau theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, chỉ dùng phân hữu cơ bón cho vườn rau và một số loại thuốc vi sinh phun dưỡng gốc cho rau phát triển tốt.
Cái hay của việc trồng rau má là trồng chỉ một lần là có thể thu hoạch lá kéo dài trong nhiều năm. Qua gần 3 năm trồng, vườn rau của tôi chưa trồng lại đợt mới, rau vẫn xanh tốt, chắc chắn sẽ cho thu hoạch lá trong vài năm tới” - bà Thương thông tin thêm.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú - Lý Thanh cho biết: “Mô hình trồng rau má của hộ bà Thương là một trong những mô hình trồng màu đem lại nguồn thu nhập tốt tại hộ, bởi đây là loài rau dại nhưng với tư duy nhạy bén, bà Thương đã phát triển trồng rất thành công. Bước đầu Hội khuyến khích hộ giữ vững mô hình và sẽ giới thiệu đến hội viên nông dân trên địa bàn xã về mô hình hiệu quả này, để hội viên nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi nhằm áp dụng mô hình phù hợp với điều kiện thực tế tại hộ, góp phần tăng thu nhập cho gia đình”.
Từ lâu rau má được xem là loại rau mọc dại ven đường, nhất là vào các tháng mùa mưa, rau má sinh sôi nảy nở khắp mọi nơi, trong các khu vườn cây ăn trái, trên các bờ kênh ruộng lúa. Theo Đông y, rau má có tác dụng giải nhiệt, hạ sốt, mát gan, chữa các bệnh về đường tiêu hóa, hỗ trợ hệ tuần hoàn, thanh lọc cơ thể…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.