Sóc Trăng: Nuôi cá trong ruộng lúa, ruộng sen kiểu 3 trong 1, chả phải cho ăn mà cá vẫn lớn

Thứ tư, ngày 19/05/2021 19:02 PM (GMT+7)
Gặp ông Cao Văn Bịch, ấp Tân Hòa, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) để tham quan mô hình canh tác lúa - cá - sen. Ông Bịch nhiệt tình dẫn chúng tôi ra ruộng lúa - sen rộng lớn với diện tích hơn 4ha.
Bình luận 0

Mỹ Tú (Sóc Trăng) được xem là một trong những địa phương có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, như: mô hình chuyển đổi mía sang trồng các loại cây ăn trái, rau màu; mô hình nuôi ba ba… trong số đó, bà con tại các vùng đất trũng rất quan tâm đến mô hình lúa - cá - sen kết hợp. Mô hình này đã đem lại nguồn thu nhập tốt...

Sóc Trăng: Nuôi cá trong ruộng lúa, ruộng sen kiểu 3 trong 1, chả phải cho ăn mà cá vẫn lớn - Ảnh 1.

Kết hợp thực hiện nhiều mô hình trong cùng diện tích đất, giúp nông dân tăng lợi nhuận kinh tế. Ông Cao Văn Bịch, ấp Tân Hòa, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) giới thiệu mô hình canh tác 3 trong 1 gồm lúa-cá-sen. Ảnh: THÚY LIỄU

Gặp ông Cao Văn Bịch, ấp Tân Hòa, xã Long Hưng để tham quan mô hình canh tác lúa - cá - sen, ông Bịch nhiệt tình dẫn chúng tôi ra ruộng lúa - sen rộng lớn với diện tích hơn 4ha. Diện tích đất được chia làm 2 phần, một phần trồng lúa ST24 theo hướng hữu cơ, phần còn lại trồng sen.

Ông Bịch tâm tình: “Hơn 13 năm gắn bó với cây lúa, cây sen và con cá nuôi trên đồng ruộng đã giúp cho gia đình tôi có cuộc sống ấm no, sung túc. Tôi chỉ sản xuất 1 vụ lúa Đông - Xuân hàng năm và khi thu hoạch xong vụ lúa tôi cải tạo đất trồng sen lấy gương trên toàn bộ diện tích đất lúa 46 công...".

Theo ông Bịch, với cây sen thời gian xuống giống cho đến thu hoạch gương khoảng 4 tháng và thời gian thu hoạch gương sen kéo dài tầm 3 tháng...

Ông Bịch thông tin thêm: “Bên cạnh cây sen, tận dụng nước trong ao sen, tôi thả nhiều loại cá xuống ao để cá ăn các loại rong rêu bám thân sen hay một số loài sinh vật nhỏ trong ao. Khi ruộng sen thu hoạch, cá được đưa xuống ao và lúc lúa sạ xong, cây lúa lớn hơn sẽ cho nước vào tràn ruộng, tiếp tục cho cá lên sống trong đất lúa...".

Theo ông Bịch, như vậy thời gian nuôi cá trong ruộng sen, ruộng lúa, tầm 8 tháng thu hoạch, lợi nhuận gần 50 triệu đồng. 

Đối với gương sen, thương lái tới tận ruộng thu mua từ 35.000 - 55.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/vụ. 

Ngoài bán gương sen ông Bịch còn bán giống sen, thu nhập tầm 70 triệu đồng/vụ. 

Riêng với cây lúa, cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/46 công/vụ. Hiện tại, để nâng cao chất lượng hạt lúa, ông được ngành chuyên môn hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất lúa ST24 theo hướng hữu cơ kết hợp trồng sen, nuôi cá, bước đầu cho năng suất tốt. 

Tới đây, ông Bịch sẽ duy trì mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hạt lúa sau thu hoạch…

Tìm hiểu mô hình ruộng lúa - cá - sen của ông Nguyễn Văn Dân, ấp Tân Hòa, xã Long Hưng (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng), ông Dân bộc bạch: “Tôi có 3ha sản xuất lúa 1 vụ/năm kết hợp trồng 1 vụ sen lấy gương. Tính đến thời điểm hiện tại, tôi thực hiện mô hình lúa - cá - sen hơn chục năm, nhưng với cây lúa thì tôi chỉ sản xuất lúa thường...".

Ông Dân chỉ vụ lúa Đông - Xuân, năm 2020 - 2021 được ngành chuyên môn hỗ trợ làm mô hình sản xuất lúa đặc sản ST24 theo hướng hữu cơ, bước đầu thấy năng suất lúa tốt. 

Theo tính toán 1 năm tổng thu nhập từ mô hình lúa - cá - sen, trừ chi phí lợi nhuận ông Dân đạt gần 300 triệu đồng. Tới đây, ông tiếp tục duy trì mô hình sản xuất lúa đặc sản ST24 cũng như duy trì tốt mô hình trồng sen, nuôi cá...

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng)-Võ Minh Quân cho biết: “Mô hình lúa - cá - sen tại 2 hộ ông Bịch và ông Dân được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ thực hiện đã góp phần tăng thu nhập tại hộ, đặc biệt đảm bảo môi trường khi áp dụng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ...".

"Do vậy, đơn vị sẽ nhân rộng mô hình lúa-cá-sen trên cho nông dân tại các xã vùng trũng để nâng cao thu nhập cho hộ dân trên cùng diện tích đất sản xuất. Đồng thời, đơn vị cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản phù hợp với đặc điểm thực tế các địa phương, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ”, ông Võ Minh Quân khẳng định.

Thúy Liễu (Báo Sóc Trăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem