Sóc Trăng: Trồng mít Thái siêu sớm, gặp lúc giá mít rẻ chưa từng thấy, nông dân lỗ nặng

Thứ sáu, ngày 18/06/2021 06:00 AM (GMT+7)
Gần đây, nhiều hộ dân trồng mít siêu sớm ở tỉnh Sóc Trăng lo lắng khi giá mít giảm mạnh, thậm chí một số nhà vườn không tìm được thương lái thu mua.
Bình luận 0

Theo nhận định của nhiều nhà vườn, giá mít Thái giảm nguyên nhân phần lớn do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến việc khó xuất khẩu.

Trong khi đó, thị trường trong nước không thể tiêu thụ hết lượng mít lớn của các địa phương. Do vậy làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nhiều nhà vườn sản xuất mít siêu sớm.

Sóc Trăng: Trồng mít Thái siêu sớm, gặp lúc giá mít rẻ chưa từng thấy, nông dân lỗ nặng - Ảnh 1.

Giá mít siêu sớm giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: THÚY LIỄU.

Theo ông Nguyễn Văn Hai, xã Xuân Hòa (Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), ông có 800 gốc mít siêu sớm đang giai đoạn thu hoạch. 

Nếu như cùng kỳ thời điểm năm trước, giá mít được thương lái thu mua từ 15.000 - 40.000 đồng/kg (tùy thời điểm), từ cuối tháng 11 (âm lịch) năm 2020 đến tầm tháng 3 (âm lịch) năm 2021 giá mít vẫn còn ở mức cao từ 16.000 - 42.000 đồng/kg thì đến thời điểm hiện tại giá mít bắt đầu sụt giảm dần xuống còn 7.000 - 8.000 đồng/kg mít loại 1, từ 2.000 - 3.000 đồng/kg mít dạng xô. Với mức giá mít này, nhà vườn lỗ nặng.

Nếu như nhà vườn “thất thu” trong vụ mít này thì thương lái thu mua cũng gặp không ít khó khăn nhưng buộc lòng phải mua mít cầm chừng giữ mối với các nhà vườn để thu mua các vụ sau. 

Anh Trần Văn Lắm - thương lái thu mua mít xã Trinh Phú (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Khoảng 2 tuần nay giá mít Thái giảm sâu, buộc lòng chúng tôi phải mua mít của nhà vườn giảm giá xuống. Thực tế giá mít được mua xô tại vườn là 2.000 - 3.000 đồng/kg, thương lái chúng tôi chở đến vựa cân lại chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg...".

Theo anh Lắm, nếu tính chi phí vận chuyển và công lao động tới tận vườn thu hoạch trái thì lái cắt mít không có lời, thậm chí bị lỗ nếu trong quá trình vận chuyển mít bị dập. 

"Chính vì giá mít giảm mạnh nên nhiều thương lái mua mít ngưng thu mua, dẫn đến nhiều nhà vườn không tìm được nơi tiêu thụ mít…”, anh Lắm cho biết thêm.

Theo thống kê của ngành chuyên môn, diện tích trồng mít trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hơn 1.100ha. Mít thường được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, phục vụ thị trường xuất khẩu, bởi ngoài việc để chín tự nhiên dùng ăn tươi trực tiếp, mít còn được dùng làm sản phẩm mít sấy khô nên có thời điểm hút hàng, giá cao, đem lại nguồn thu nhập tốt cho nhà vườn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây do dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại một số nước nhập khẩu nên việc xuất khẩu gặp khó; đồng thời do lượng mít lớn nên việc tiêu thụ trên địa bàn tỉnh không nhiều dẫn đến cung vượt cầu, giá mít giảm mạnh.

Thúy Liễu (Báo Sóc Trăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem