Đơn Dương là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng, nơi đây cuộc sống của người dân đang dần đổi thay, phát triển. Tuy nhiên, nghề truyền thống làm nhẫn bạc của người dân tộc Churu vẫn giữ được cái hồn ở vùng đất cao nguyên Di Linh.
Video: Nghệ nhân đời thứ 6 nghề làm nhẫn bạc (nhẫn cưới) của người Churu (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) kể về nghề làm nhẫn bạc của mình. Thực hiện: Văn Long.
Gặp nghệ nhân Ya Tuất khi ông vẫn đang cặm cụi sửa chiếc máy nổ của gia đình tại sân sau, chúng tôi bất ngờ với sự "đa tài" của nghệ nhân này.
Được cán bộ Phòng Văn hóa huyện Đơn Dương hẹn trước và dẫn đi nên nghệ nhân Ya Tuất đã chuẩn bị sẵn những dụng cụ để "phô diễn" với những vị khác phần khó nhất của nghề làm nhẫn bạc.
"Nghề làm nhẫn bạc này khó nhất là công đoạn làm khuôn nhẫn. Giai đoạn này đòi hỏi người nghệ nhân phải tỉ mỉ, cẩn thận. Các chi tiết khuôn nhẫn được làm từ sáp ong. Chiếc nhẫn có đẹp, có sắc sảo đúng với cái tên như mắt sâu, mắt mía, bông lúa, mặt trời...thì phụ thuộc hết vào công đoạn làm khuôn này", nghệ nhân Ya Tuất chia sẻ.
Nhẫn bạc (nhẫn cưới) được xem là vật đính ước linh thiêng giữa người con gái và con trai theo quan niệm của dân tộc Churu.
Người Churu sống theo chế độ mẫu hệ. Vì thế, người con gái khi đến tuổi 15 – 16 là có quyền "bắt chồng".
Khi người con gái chọn được người ưng ý, về thưa với bố mẹ nhờ người mai mối, cùng với ông cậu hoặc người chị cả đem lễ vật đến nhà trai làm lễ xem mắt. Nếu nhà trai bằng lòng thì hai bên quy định ngày giờ cưới hỏi.
Bà Ma Wel, vợ nghệ nhân Ya Tuất chia sẻ: "Trong lễ cưới của người Churu, nhẫn bạc là thứ không thể thiếu. Khi nhà gái đến bắt chồng là phải tặng nhẫn bạc, vòng cườm, khăn cho các thành viên trong dòng họ nhà trai. Số lượng nhẫn, vòng và khăn phụ thuộc vào nhà trai, ít nhất cũng phải 50 chiếc nhẫn bạc, vòng cườm và khăn".
Nghệ nhân Ya Tuất sau khi đã chuẩn bị các loại đồ nghề của mình thì bày ra chiếc bàn nhựa rồi ngồi ngay trước nhà, vừa làm, vừa kể với phóng viên.
Ông học được nghề làm nhẫn bạc này của ông cậu từ năm 15 tuổi, sau 4 năm thì ông đã làm nhẫn thành thạo.
Cho đến nay, ông là truyền nhân đời thứ 6 của nghề làm nhẫn bạc trong cộng đồng dân tộc Churu tại Đơn Dương.
Nhẫn bạc của người Churu gồm hai loại, nhẫn trống và nhẫn mái. Nhẫn trống là dành cho nam, nhẫn mái là dành cho nữ.
"Nguyên liệu không thể thiếu khi làm nhẫn bạc đó là sáp ong. Sáp ong được chọn phần dẻo, tinh khiết nhất của tổ ong để nấu chảy rồi đúc thành các ống với đường kính khác nhau để làm khuôn nhẫn phù hợp với tay mỗi người. Như tôi đã nói, đây là công đoạn quyết định sự thành công và vẻ đẹp của chiếc nhẫn khi đổ bạc", nghệ nhân Ya Tuất chia sẻ.
Nghề làm nhẫn bạc của người Churu đã là đề tài để các nhà báo, nhà văn "nói đủ thứ chuyện". Thế nhưng, hỗn hợp để người nghệ nhân lấy làm vỏ bọc cho chiếc nhẫn của mình mới là điều đặc biệt. Tạo sự tò mò cho người muốn tìm hiểu gốc rễ của nghề truyền thống này.
Sau khi những khuôn nhẫn được làm bằng sáp ong hoàn thành, nghệ nhân Ya Tuất phải gắn từ 2 đến 3 chiếc vào miệng một chiếc phễu nhỏ làm bằng lá dứa rừng. Sau đó nhúng chúng vào hỗn hợp gồm đất sét, phân trâu và nước đã được trộn đều và ngâm kỹ rồi đem phơi nắng.
Công đoạn này được thực hiện 3 đến 4 lần để tạo được một lớp vỏ bọc bên ngoài khuôn nhẫn bằng sáp ong.
Trước khi đổ bạc, những chiếc khuôn nhẫn được hơ trên bếp than hồng cho sáp ong tan chảy. Tiếp theo là đổ bạc nấu chảy vào miệng phễu bằng lá dứa đã làm trước đó.
"Cuối cùng, khuôn được nhúng vào bát nước lạnh, lớp vỏ bên ngoài tan ra, chiếc nhẫn bạc cơ bản đã hoàn thành. Công đoạn hoàn thiện, "làm đẹp" cho nhẫn sẽ được tôi thực hiện tại khu vực riêng của mình", nghệ nhân Ya Tuất nói rõ từng công đoạn cho phóng viên nghe.
Bà Ma Wel, người đã cùng nghệ nhân Ya Tuất trải qua nhiều thăng trầm của nghề làm nhẫn bạc chia sẻ thêm, hỗn hợp để bọc khuôn nhẫn bằng sáp ong phải là phân con trâu đực khoảng 4 tuổi.
Đất sét cũng được lấy ở một chỗ bí mật trong rừng. Hơn nữa, khi nổi lửa để nấu bạc, đổ nhẫn thì phải làm lúc nửa đêm. Theo quan niệm của người Churu đây là thời điểm thiêng liêng nhất.
Đặc biệt, theo cách làm của gia đình nghệ nhân Ya Tuất, trước khi nổi lửa đổ bạc vào khuôn nhẫn cưới, phải thực hiện nghi lễ "tẩy uế", khấn xin Yàng và các vị thần linh phù hộ cho mẻ đúc diễn ra suôn sẻ.
Chính vì thế, chiếc nhẫn bạc đối với người Churu rất linh thiêng và quan trọng bên cạnh vòng cườm và khăn.
Tâm sự với phóng viên, nghệ nhân Ya Tuất chia sẻ, trước đây chính quyền địa phương cũng hỗ trợ để ông dạy nghề làm nhẫn bạc cho 12 học viên. Tuy nhiên, khi thi "tốt nghiệp" thì chỉ có 3 người học trò vượt qua kỳ thi. Hiện nay, 3 người học trò này vẫn thường xuyên qua hỗ trợ nghệ nhân Ya Tuất mỗi khi nhiều người đặt nhẫn cưới.
Nghệ nhân Ya Tuất khẳng định: "Đối với buôn làng dân tộc Churu chúng tôi, không thể bỏ được nghề truyền thống này đâu. Con trai tôi giờ cũng đã học nghề làm nhẫn bạc của cha, sau này sẽ tiếp nối. Mặc dù ở các tiệm vàng họ làm nhẫn cưới đẹp, sắc sảo hơn chúng tôi rất nhiều lần nhưng bà con trong làng đâu có thích. Bà con chỉ muốn dùng nhẫn bạc do chính người Churu làm để thực hiện các nghi thức trong lễ cưới, hỏi".
Hiện nay, với mỗi lượng bạc, nghệ nhân Ya Tuất sẽ làm được 10 chiếc nhẫn cưới. Tùy độ tinh xảo mà những chiếc nhẫn sẽ có giá trị khác nhau. Trung bình, mỗi tháng nghệ nhân người Churu này bán ra hơn 100 chiếc nhẫn cưới.
Vào thời điểm cuối năm số lượng nhẫn bạc sẽ tăng lên do các cặp tình nhân tổ chức đám hỏi, đám cưới nhiều.
Chia tay nghệ nhân Ya Tuất, phóng viên vẫn không khỏi băn khoăn bởi nghề này ở địa phương chỉ có mình ông làm. Liệu nghề này có trụ được bao lâu trong thời hiện đại, nhịp sống ngày càng nhanh. Nhưng, nhớ đến câu nói chắc nịch "Đối với buôn làng chúng tôi, không thể bỏ được nghề làm nhẫn bạc truyền thống này đâu" thì phóng viên cũng cảm thấy vui vì nghề làm nhẫn bạc truyền thống của dân tộc Churu vẫn được lưu truyền, phát triển.