Hầu đồng, một hình thức văn hóa -tín ngưỡng góp phần tạo nên di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đã từng có thời gian bị coi là mê tín dị đoan cũng có lý do cả chủ quan và khách quan. 

Về chủ quan, loại hình nghệ thuật này đã từng bị lợi dụng cho việc bói toán hay các hoạt động mê muội khác. Mặt khác, công bằng là cũng đã có lúc chúng ta có cái nhìn thiên lệch, khắt khe và thiếu sự gạn lọc về hiện tượng văn hóa - tín ngưỡng này.

Từ năm 2016, “Tín ngưỡng thờ mẫu” đã trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tuy có nhiều hình thức, nhiều "giá" hầu khác nhau, nhưng hầu Trần triều là một trong những hình thức đặc sắc, mang đậm dấu ấn cổ xưa nhất.

Hệ thống hầu Trần triều - Tinh thần bất khuất của người Việt

Những trích đoạn trong một giá hầu Trần triều. Hầu đồng Trần Triều gắn liền với huyền tích về Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – vị tướng trong lịch sử Việt Nam được Thánh hóa.

Hệ thống thờ tự Trần Triều bao gồm: Vương phụ - Vương Mẫu, Vương phi Phu nhân,  Tứ vị Vương Tử, Nhị vị Thánh Cô và Lục Bộ Đức Thánh Ông ( tức 6 vị tướng theo hầu Đức Ông Trần Quốc Tuấn )…

Nhà Trần không thuộc hệ thống thờ Tứ Phủ, mà có lối thờ tự riêng và phép tắc riêng. Tuy nhiên có điểm chung là Thần Chủ của cả hai bên đều thuộc dòng Thiên Tiên, giáng phàm để cứu dân độ thế, phạt ác trừ tà; và đều dùng hình thức thăng đồng để thỉnh chư vị Thần linh.

Muốn hầu được Trần Triều, theo quan niệm dân gian, thì trước hết thanh đồng phải có "căn", ăn lộc nhà Trần mới được đội lệnh hầu đồng. Trong huyền tích cũng cho rằng, các nghi thức hầu đồng này cực kỳ linh thiêng, có sự kết nối năng lượng vô hình từ chính các vị Thánh được thỉnh về thượng đồng.

img
img
img

Những nghi thức cổ xưa làm nên giá hầu Trần triều đặc sắc

Nét đặc sắc khi hầu nhà Trần là phép lên đai thượng, xiên lình, lấy dấu mặn. Đức ông khi thượng đồng xiên lình hai tai và hai lình quân; Tứ vị vương tử ngự đồng lên đai thượng, xiên lình; Vương cô đệ nhị về đồng mang theo cờ kiếm, lấy dấu mặn, Đức ông về chứng.

img
img
img
img

Nghi thức xiên lình trong giá hầu Trần triều.

Dấu mặn dùng để chữa bệnh, trị tà, chữa điên, trấn yểm....theo quan niệm dân gian, thường là trấn yểm cho Đền to phủ lớn, trấn những vùng long mạch lớn, nếu dùng máu Thánh để trấn thì khó mà phá được. Phép lên đai thượng, xiên lình, lấy dấu mặn thường chỉ những người "căn cao nặng" mới hầu được, vì khi lên đai thượng hai người đứng hai bên kéo dây thít chặt vào cổ, mắt ngầu đỏ lộn tròng, mặt hổ phù, nhiều người không phải căn cao mà lên đai thượng chết ngay trên sập hầu.

img
img
img

 

 

Hiện nay có nhiều quan điểm cho rằng chỉ Đức ông Đệ Tam mới lên đai thượng vì giống gông xiềng khi bị oan, tuy vậy ý nghĩa thực sự của lên đai thượng là khi lên đai thượng mặt của người hầu sẽ thành mặt hổ phù thể hiện sự uy linh, thần oai của Thánh, vì vậy không chỉ Đức ông Đệ Tam mà Tứ vị Vương Tử khi ngự đồng làm việc đều lên đai thượng, xiên lình. Xiên lình là hình thức của Sa man giáo, ở Việt Nam xiên lình tượng trưng cho những hiện tượng siêu nhiên, thần thông của bề trên.

img
img
img

"Thánh Ông có lệnh truyền ra

Các quan thủy bộ cùng là chư dinh

Hô vang trấn động Nam thành

Đánh Đông dẹp Bắc tung hoành mọi nơi"

Cho tới hiện nay, hệ thống thờ tự Trần Triều vẫn trải rộng khắp miền Bắc như ở đền Kiếp Bạc, đền Bảo Lộc, đền Cổ Trạch, đền Trần Thương, đền A Sào…


( Bài viết sử dụng hình ảnh của thanh đồng Phủ Thụy- thủ nhang đền Nam Thiên Tứ Thánh (Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) 

Thực hiện: Phạm Quốc Dũng

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem