Trung tuần tháng 7, PV Dân Việt tìm gặp ông Nguyễn Tiến Nên, thành viên chi Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Ba Đồn – Quảng Trạch và Hội Di sản huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).
Ông Nguyễn Tiến Nên là người đã mất nhiều ngày điền dã, thực địa tìm mộ danh tướng Nguyễn Phạm Tuân -một trong những thủ lĩnh trong phong trào Cần Vương, người cầm ấn tín vua Hàm Nghi.
Clip: Ông Nguyễn Tiến Nên kể lại giây phút tìm được mộ phần danh tướng Nguyễn Phạm Tuân trên đất Quảng Bình.
Sau cuộc điện thoại hẹn gặp tại nhà ông Nên ở làng biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), PV Dân Việt liền chạy xe đến và được ông dẫn ra mộ phần của danh tướng Nguyễn Phạm Tuân nằm trong khuôn viên lăng mộ của dòng họ Nguyễn Phạm ở thôn Di Lộc, xã Quảng Tùng (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Trong khuôn viên lăng này, có rất nhiều mộ phần và được đặt theo hàng để thể hiện thứ bậc của người đã khuất. Mộ phần của danh tướng Nguyễn Phạm Tuân nằm hàng thứ 2 trong khuôn viên lăng, nằm song song là mộ của bà Lê Thị Tán (vợ của danh tướng Nguyễn Phạm Tuân).
Thắp xong nén hương lên các mộ phần trong khuôn viên lăng họ Nguyễn Phạm, ông Nguyễn Tiến Nên đứng bên mộ của danh tướng Nguyễn Phạm Tuân trò chuyện với PV.
Ông Nên cho biết, sinh đời ông Nguyễn Tú – một nhà nghiên cứu văn hóa ở tỉnh Quảng Bình, ông đã có công trình nghiên cứu về danh tướng Nguyễn Phạm Tuân.
Theo ông Nguyễn Tiến Nên, tài liệu này hiện nằm ở Sở Khoa học - Công nghệ và Bảo tàng tỉnh Quảng Bình, được các phương tiện thông tin đại chúng đưa lên mạng. Từ đó, nhiều người, nhiều nghành biết về danh tướng Nguyễn Phạm Tuân nhưng chỉ biết mộ phần nằm ở phía Đông xã Quảng Tùng (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
"Từ dữ liệu đó, anh em chi Hội VHNT Ba Đồn – Quảng Trạch băn khoăn, tại sao xác định được mộ danh tướng Nguyễn Phạm Tuân ở phía Đông xã Quảng Tùng nhưng chưa tìm được vị trí chính xác mộ cụ nằm ở đâu? Điều đó đã tạo động lực cho anh em chi Hội lên kế hoạch đi tìm mộ cụ", ông Nên nói.
Đầu năm 2021, anh em chi Hội VHNT Ba Đồn – Quảng Trạch xác định chương trình hoạt động trong năm nay phải điền dã, thực địa tìm được mộ danh tướng Nguyễn Phạm Tuân. Chi Hội đã giao cho ông Nguyễn Tiến Nên trực tiếp đi tìm.
Suốt mấy tháng trời, ông Nên dành thời gian điền dã ở xã Quảng Tùng (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Cùng với đó, ông đến nhờ cán bộ xã tìm hiểu các dòng tộc và dữ liệu đầu tiên được hé mở là dòng tộc Nguyễn Phạm ở thôn Di Lộc, xã Quảng Tùng (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).
Ông Nguyễn Tiến Nên, cho biết: "Sau khi tôi điền dã, thực hiện hàng chục cuộc phỏng vấn, ghi nhận, đối chiếu lịch sử. Trong một buổi chiều Chủ nhật trung tuần tháng 6, tôi cùng anh Lê Ngọc Sơn – Chủ tịch Hội Di sản huyện Quảng Trạch, hiện đang làm Phó trưởng Ban Dân vận huyện ủy Quảng Trạch và em Trịnh Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND xã Quảng Tùng, tìm đến nghĩa trang dòng họ Nguyễn Phạm trên Đồng Cát thôn Di Lộc xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình)".
"Đó là một buổi chiều nắng gắt, 3 anh em chúng tôi bước vào khu vực lăng mộ họ Nguyễn Phạm. Khi tôi bước chân đến ngôi mộ gần phía đầu lăng, có một sức hút gì đó níu chân tôi lại, không thể nhấc lên được. Lúc đó, trong đầu tôi có linh cảm khác lạ", ông Nên nhớ lại.
Ông Nên tiếp lời: "Khi tôi cúi xuống nhìn tấm bia, ánh nắng chiếu vào khiến tôi không đọc được chữ gì khắc trên đó. Tôi liền lấy điện thoại ra chụp tấm bia, rồi zoom xem từng nét chữ, cuối cùng đọc được chữ Nguyễn Phạm Tuân. Bên dưới dòng tên đó còn khắc 'Tử ngày vua Hàm Nghi', đây là cơ sở quan trọng nữa để khẳng định mộ phần danh tướng Nguyễn Phạm Tuân".
Sau khi xác định được mộ phần danh tướng Nguyễn Phạm Tuân. Ông Nguyễn Tiến Nên liền báo tin cho chi Hội VHNT Ba Đồn – Quảng Trạch và Huyện ủy, UBND huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình). Mọi người rất mừng, phấn khởi với việc tìm được mộ danh tướng Nguyễn Phạm Tuân.
Ông Nguyễn Xuân Đạt - Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch, cho biết:" Tìm thấy mộ phần danh tướng Nguyễn Phạm Tuân là một việc rất có ý nghĩa. Trước mắt, chúng tôi đang lên kế hoạch để UBND tỉnh xem xét đánh giá là di tích lịch sử cấp tỉnh và tiến tới đề nghị Trung ương xem xét là di tích lịch sử cấp Quốc gia như mộ lãnh binh Mai Lượng (Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình), Lê Trực (Hóa Tiến, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình)".
Theo ông Nguyễn Tiến Nên, danh tướng Nguyễn Phạm Tuân là người cầm ấn tín của vua Hàm Nghi, được nhà vua tin dùng phong Tán tương quân vụ quân thứ Quảng Bình (Trung ương Cần Vương Quảng Bình), ông chỉ đạo nhiều cánh quân, đánh vào thành Đồng Hới.
Đầu năm 1887, quân Pháp do đại úy Mutô (Mouteaux) cầm đầu, tổ chức hai đội biệt kích đánh vào căn cứ Yên Lương. Ông chống cự lại rất quyết liệt, nhưng bị trúng đạn ở ngực, bị giặc bắt giải về đồn Minh Cầm.
Sau những lần tra trấn không có kết quả, thực dân Pháp lại dùng tiền bạc và danh vọng dụ dỗ, mua chuộc ông. Tên đại úy Motô khuyên ông: "Ngài nên cố ăn uống cho chóng khỏi bệnh, nước đại Pháp sẽ hết sức trọng dụng ngài, mong ngài đừng sợ".
Nguyễn Phạm Tuân nổi giận thét lớn: "Tao bình sinh trọng cương trường, ghét đạo tặc, nói cho mày biết, con mà chết vì cha, tôi mà chết vì vua, có gì phải sợ".
Chúng hỏi về nơi ở của vua Hàm Nghi, Nguyễn Phạm Tuân nhất định không hé răng. Chúng mời Nguyễn Phạm Tuân uống trà, sau khi vờ uống hết chén trà, ông đập vỡ chén dùng mảnh sành cứa vào cổ tự vẫn sáng ngày 10/4/1887.
Không thực hiện được ý đồ, tên đại úy Motô tức tối hạ lệnh cắt thủ cấp của ông gửi lên thượng cấp đưa về Pháp, còn thân thể ông chúng cho ném xuống dòng sông Gianh và cấm người dân không được chôn cất.
Tuy nhiên, lãnh binh Cần Vương đã lén đưa thi thể ông đi chôn cất. Trên mộ ông khắc bia gỗ trong rừng sâu "Nguyễn Phạm Tuân. Tử ngày vua Hàm Nghi".
Theo ông Nên, các lãnh binh theo ông như Mai Lượng, Lê Mô Khởi, Lê Trực thì mộ phần được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Lần này tìm được mộ phần danh tướng Nguyễn Phạm Tuân là một mong mỏi của giới sử học, Hội Di sản bấy lâu nay và muốn mộ ông được công nhân là di tích lịch sử.
Được biết, tên của danh tướng Nguyễn Phạm Tuân được đặt tên một con đường từ phố Ông Ích Khiêm (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) đi vào. Tại thành phố Hồ Chí Minh, tên ông đặt tại một con đường thuộc quận 6. Tại Đà Nẵng, tên ông được đặt cho một con đường ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Tại Đồng Hới (Quảng Bình) tên ông được đặt ở phường Hải Đình.
Sau khi nắm thông tin tìm được mộ phần danh tướng Nguyễn Phạm Tuân, lãnh đạo huyện Quảng Trạch đã đi kiểm tra, xác minh thực địa và có Công văn số 803-CV/UBND gửi Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình, đề xuất "Khảo sát dấu hiệu di tích phần mộ danh tướng Nguyễn Phạm Tuân ở khu mộ gia tộc họ Nguyễn Phạm, xã Quảng Tùng, Quảng Trạch".
Ngày 9/7, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình phối hợp với UBND huyện Quảng Trạch, UBND xã Quảng Tùng và đại diện dòng họ Nguyễn Phạm tổ chức khảo sát thực địa nhằm có những đánh giá khoa học ban đầu về tính lịch sử, đi tới một kết luận có tính pháp lý, làm cơ sở lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích xứng đáng với công lao của danh tướng Nguyễn Phạm Tuân.