Dân Việt

Chuyện “nhặt” ở làng cổ xứ Đoài (kỳ II): Chặng đường tuổi thơ

Hà Nguyên Huyến 31/07/2021 06:30 GMT+7
Chẳng còn lại gì, chỉ có hoa cỏ nở trong im lặng và hoang vu. Theo thời gian, một số nhà dân đã xây dựng lấn ra mặt đường nhưng vẫn không giấu đi được sự heo hút ảm đạm.

Cây cầu Cộng và dòng sông Tích dường như nhỏ đi so với nhịp độ của đời sống đương đại. Nhìn dòng nước thao thiết chảy mà vẫn như thấy chuyện một thời đã qua…

Sắc màu tuổi nhỏ

Chẳng hiểu hôm đó sao tôi lại ngủ vào lưng lửng sáng, khi bố gọi dậy thì mẹ đã ngồi ngay trước mặt. Mẹ lật cái vỉ buồm (một dụng cụ đan bằng cói dùng để đạy trên miệng rổ, rá) thì những đĩa bánh trôi, bánh chay lộ ra… Tôi biết ngay hôm nay là tết "mồng ba, tháng ba"!

Mẹ đã đi bộ một thôi đường bốn cây số từ nhà đến đây. Đây là lần đầu tiên tôi nhận thấy bánh trôi, bánh chay tay mẹ làm ngon thế. Bột bánh chay nhuộm quả dành vàng như những cái lòng đỏ trứng gà, năm cái ở ngoài làm thành cánh hoa, cái ở giữa thành nhị hoa. Hoa nở trong lòng đĩa, hoa kết từ tay mẹ như một quá trình sinh thành viên mãn!

Sau tết "bánh trôi, bánh chay" cũng là lúc mùa hè bắt đầu, chẳng biết do thời tiết ấm lên hay vì thuốc thang mà tôi đã khỏi ho. Tôi không thể ngồi yên trong căn phòng vừa là nơi làm việc và cũng là nơi nghỉ của bố. Ngoài kia nắng lộng lẫy huy hoàng…

Chuyện “nhặt” ở làng cổ xứ Đoài (kỳ II): Chặng đường tuổi thơ - Ảnh 1.

Những người cựu chiến binh Mỹ đến Việt Nam và về làng Đường Lâm. Ảnh: N.H

Việc "nhảy dù xuống Sơn Tây" là đề tài cho nhiều sách báo (của ta và nước ngoài) bàn kỹ nhưng với riêng tôi, mãi mãi còn lại là những ám ảnh về chiến tranh! Chiến tranh không ở đâu xa, có thể xảy ra bất kỳ đâu trên đất nước này…

Cứ thế tôi rời khỏi cổng Trường Đảng, mỗi ngày xa thêm một ít, con đường vắng vẻ và những hấp dẫn của cỏ hoa, của châu chấu, của một thế giới đầy màu sắc dẫn tôi đi. Tôi đã đến một bờ rào dài tím ngắt hoa bìm bìm. Tôi nhớ mẹ và nhớ nhà da diết!

Ngày nào cũng thế, tôi cứ đến đây, bên một bờ hoa miên man tím. Đó là hoa bìm bìm leo trên một rào thép gai. Dây thép gai đan vuông và cao hơn tầm tay với của người lớn.

Tôi ghé mắt nhìn vào trong, không có gì, chỉ có một vườn mía rậm rạp nhưng không thấy người làm vườn. Cổng của khu vườn luôn đóng kín, có một con đường đất nhỏ hai bên trồng toàn nhãn, những cây nhãn vừa kịp khép tán che kín những ngôi nhà nhỏ. Đang mùa hoa nhãn tôi nghe rõ tiếng rù rì nặng nề của những cánh ong bay. Có một cái giếng, bờ giếng xây cao, thơi giếng lát rộng. Cái cần kéo nước bằng tre cứ lơ lửng nhô lên trên ngọn cây nhưng hình như không bao giờ được hạ xuống…

Tôi khỏi ho và bình phục sau gần một tháng. Tôi về quê và tiếp tục đi học. Song, thế giới im lặng đã để lại một ấn tượng sâu đậm… Tôi đâu có ngờ đây chính là nơi đang giam giữ phi công Mỹ bị bắt khi tiến hành đánh phá miền Bắc!

Chuyện một thời đã qua

Địa điểm này gọi là Xã Tắc (nơi tế trời đất của tỉnh lỵ Sơn Tây được thành lập từ đời Vua Minh Mạng, đến bây giờ bị bỏ hoang). Đêm ngày 19, rạng ngày 20/11/1971 Mỹ cho máy bay và biệt kích đột nhập vào địa điểm này để cứu phi công đang bị giam giữ. Sự việc không thành vì giặc lái đã được chuyển đi trước đó mấy ngày.

Sau này tôi được nghe kể lại: Chúng cho máy bay lên thẳng đáp xuống ba điểm, một điểm ở đầu cầu Cộng, một điểm gần cổng Trường Đảng, một điểm ngoài cánh đồng (gần Đến Và – Đông cung của Đức Thánh Tản Viên Sơn). Trước khi rút chạy, chiếc máy bay lên thẳng ở đầu cầu Cộng không hiểu vì lý do gì không lên được, nó đã bị đốt cháy.

Bố tôi kể: Đêm hôm đó bác Dũng – Giám đốc Trường Đảng nghe thấy tiếng máy bay và tiếng súng liền chạy ra cổng nói to: Bộ đội tập trận sao lại bắn vào đây! Biệt kích đã bắn bác chết ngay tại cổng trường. Bác Dũng người huyện Thanh Oai, Hà Đông (tôi không hỏi bác người xã nào)…

Sau này, quãng năm 2005, tôi tình cờ gặp ông Nguyễn Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm dầu khí Việt Nam, được biết thời kỳ đó ông Hùng đang học đại học về dầu khí ở Liên Xô. Bố ông Hùng là Phó Ty (sở) Công an Hà Tây. Gia đình ông Hùng ở gần trại giam phi công Mỹ. Đêm đó, mẹ và chị ông Hùng cũng bị địch giết hại. Hiện ông Hùng đang ở với người chị gái bị thương (trong đêm đó). Một lần nữa tôi cứ tưởng cái địa danh hẻo lánh quê tôi đã ngủ yên nay lại đùng đùng thức dậy...

*
*          *

Tôi đưa các nhà sử học Anh trên con đường chính dẫn vào nơi giam giữ phi công xưa, con đường này ngày trước luôn được đóng kín bởi hai cánh cổng sắt với những tấm tôn hoen gỉ… Họ nhìn xung quanh rồi ngao ngán lắc đầu! Không còn lại bất cứ một thứ gì gợi lại cái đêm hãi hùng ấy trên mảnh đất này… Chúng tôi đi về làng, làng cổ vào mùa du lịch nhộn nhịp người. Rất nhiều người nước ngoài, tôi cứ lặng lẽ nhìn họ. Những người Đức, Pháp, Nhật, Mỹ, Nga… ai cũng thân thiện gần gũi, đã có khoảng thời gian đủ dài để có những thời khắc này! Song, đôi lúc trong sâu thẳm lòng mình, dẫu cho mấy chục năm đã trôi qua vẫn không thể xóa nhòa hình ảnh cái thị xã Sơn Tây nhỏ bé, suốt hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ (1964 - 1968 và 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không) chỉ bị có 4 quả bom ném xuống. Và những dấu giày biệt kích hằn trên mặt đất này, hằn sâu trong tâm trí một đứa trẻ nhà quê trong đêm 19, rạng 20/11/1971…

Sau này, mỗi lần đi qua đây tôi lại ngắm nhìn nơi mà tuổi thơ tôi đi qua… Chẳng còn lại gì, chỉ có hoa cỏ nở trong im lặng và hoang vu. Theo thời gian, một số nhà dân đã xây dựng lấn ra mặt đường nhưng vẫn không giấu đi được sự heo hút ảm đạm. Cây cầu Cộng và dòng sông Tích dường như nhỏ đi so với nhịp độ của đời sống đương đại. Nhìn dòng nước thao thiết chảy mà vẫn như thấy chuyện một thời đã qua. 

(Còn nữa)