Chuyện “nhặt” ở làng cổ xứ Đoài (kỳ I): Người nước ngoài đến làng

Hà Nguyên Huyến Thứ sáu, ngày 30/07/2021 06:00 AM (GMT+7)
Khoảng cuối thế kỷ XX (1998 – 1999), tôi có đưa một người bạn Mỹ về làng chụp ảnh. Làng tôi là làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội.
Bình luận 0

LTS: "Làng cổ Đường Lâm" là thuật ngữ chỉ một vùng đất mà đơn vị hành chính là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội. Trong xã Đường Lâm có 9 làng: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Cam Lâm… Sau khi được công nhận làng cổ vào năm 2005 và đặc biệt những năm gần đây, làng cổ bắt đầu làm du lịch… "Chuyện nhặt ở làng cổ xứ Đoài" là những mẩu đời sống được ghi chép lại trong giai đoạn này…

Khoảng cuối thế kỷ XX (1998 – 1999), tôi có đưa một người bạn Mỹ về làng chụp ảnh. Làng tôi là làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội.

Tôi ở làng quen với cách nhìn, nhưng có lẽ với người bạn Mỹ thì đây là một thế giới đầy cuốn hút. Đặt chân vào làng, tôi ngài ngại vì đường làng đang mùa gặt đầy rơm rạ và phân trâu bò, rồi những người đàn bà răng đen, ăn trầu ngồi ở đình làng, trò chuyện và nói cười rất hồn nhiên bên những đứa trẻ nhỏ. Đi sâu vào làng, vào những ngôi nhà có cách đây hai, ba thế kỷ, dân trong làng vẫn làm ruộng như đã tồn tại bao đời nay thì người Mỹ không giấu được cảm xúc!

Từ làng quê nghiêm cẩn...

Chuyện “nhặt” ở làng cổ xứ Đoài (kỳ I): Người nước ngoài đến làng - Ảnh 1.

Từ ngày thành “làng cổ” dân làng tôi bớt nghèo, chúng tôi “trải thảm đỏ” từ cổng làng mời gọi khách. Nhà tôi cũng là một ngôi nhà cổ đẹp nên có rất nhiều người, nhiều quốc tịch ghé thăm.

Lúc ấy máy ảnh công nghệ số chưa thịnh hành như bây giờ, bạn tôi lại chụp ảnh nghệ thuật nên toàn chụp phim.

Đi bên cạnh, tôi thấy bạn liên tục bấm máy và thay phim. Quay lại nhà tôi trời đã ngả sang chiều, bạn tôi mê mải như lạc vào một thế giới khác. Lúc ông trưởng thôn và mấy người bảo vệ đến nhà thì tôi giật mình. Tôi đã xin phép chính quyền rồi kia mà. Người trưởng thôn yêu cầu người Mỹ ra khỏi làng vì đã hết thời gian cho phép (5 giờ chiều). Thế là bạn tôi không thể chờ để chụp một chiều hoàng hôn như dự định. Trước khi ra về, người bạn Mỹ chỉ biết hoa chân múa tay đầy vẻ nuối tiếc và không thể hiểu, sao ở một làng quê chỉ cách Hà Nội có 45km lại nghiêm cẩn thế…

Nhớ lại những năm tám mươi của thế kỷ XX thì thật là một sự khôi hài. Năm ấy, có một học giả người Pháp gốc Ba Lan cùng với chồng là người Việt, ông tên là Nguyễn Tùng (gia đình đã định cư ở Pháp từ những năm 1930) đến làng tôi nghiên cứu. Họ nghiên cứu gì tôi không biết, đi cùng với họ luôn có một cán bộ của Phòng văn hóa thị xã. Họ đến nhà, hồi ấy bố tôi còn khỏe, ông trực tiếp trò chuyện (bằng tiếng Pháp). Sau khi công trình hoàn thành, họ đến cảm ơn và tặng bố tôi bài nghiên cứu vì ông đã giúp họ hiểu được nhiều điều ở làng.

Chuyện “nhặt” ở làng cổ xứ Đoài (kỳ I): Người nước ngoài đến làng - Ảnh 2.

Bìa cuốn sách trong đó có công trình nghiên cứu của hai vợ chồng người Pháp. Ảnh: N.H

Hết giờ hành chính vợ chồng người Pháp phải quay về thị xã Sơn Tây, ở trong phòng khách của Văn phòng ủy ban thị xã. Một hôm đầu giờ làm việc, họ phàn nàn: Chiều qua, người phụ nữ đang tắm thì mất điện, tất nhiên kèm theo mất nước. Người đàn bà cuốn một cái khăn tắm quanh người rồi mang cả cái đầu toàn bọt xà phòng xuống… "cãi nhau" với nhà khách: "Tôi đã trả tiền đầy đủ cho mọi dịch vụ sao lại đối xử với chúng tôi như thế này!" Đúng là họ không thể hiểu! Quê tôi đến tận hôm nay – đầu thế kỷ XXI, mọi thứ vẫn được hành xử một cách tùy tiện thế!

Mấy năm sau. Luận văn tiến sĩ của vợ chồng người Pháp nọ đã bảo vệ thành công, rồi được dịch ra tiếng Việt. Nhà xuất bản Dân tộc Việt Nam lấy nguyên văn bản dịch này, in kèm với một số nghiên cứu của các học giả trong nước, thành cuốn: "Mông Phụ - Một làng ở đồng bằng Bắc Bộ". Trên cơ sở của những nghiên cứu này và một số đóng góp của ông Tomoda Hiromitchi thông qua tổ chức Jika, năm 2005, làng tôi được công nhận "Di tích kiến trúc nghệ thuật" mà hiện nay gọi với cái tên chung là "Làng cổ Đường Lâm"!

...đến "trải thảm đỏ" đón khách phương xa

Từ ngày thành "làng cổ" dân làng tôi bớt nghèo, chúng tôi "trải thảm đỏ" từ cổng làng mời gọi khách. Nhà tôi cũng là một ngôi nhà cổ đẹp nên có rất nhiều người, nhiều quốc tịch ghé thăm. Một hôm có 3 người Anh đến nhà, trong câu chuyện (qua phiên dịch) họ hỏi tôi có biết địa điểm biệt kích Mỹ nhảy dù xuống Sơn Tây để cứu phi công Mỹ bị giam không. Họ bảo: Họ là những nhà sử học, họ muốn đến nhìn tận mắt địa điểm này. Tôi nhận lời đưa họ đi…

Tôi biết và nhớ địa điểm này bởi nơi đây gắn với tôi một thời thơ bé. Đó là vào khoảng năm 1963 – 1964, tôi đang học lớp "vỡ lòng" (hệ 10 năm) thì bị ho, ho từng cơn sặc sụa. Mẹ tôi đưa đi chữa thuốc mấy cụ "lang ta" trong làng, có cụ bắt tôi phải ngậm những miếng chanh ngâm trong… nước tiểu qua một đêm. Ngậm hết mấy quả chanh cắt nhỏ mà vẫn không khỏi! Thế là bố đưa tôi về Trường Đảng để trông nom và thuốc thang.

Gọi là "Trường Đảng" là gọi tắt, tên đầy đủ phải là: Trường trung cấp lý luận tỉnh Sơn Tây (lúc ấy Sơn Tây chưa sáp nhập với Hà Đông thành tỉnh Hà Tây). Hiện nay, địa điểm này là Trường Hữu nghị 80, nơi lưu trú và học tập của học sinh THPT Lào, dân địa phương gọi tắt là Trường Lào. Đường vào Trường Đảng phải qua một cây cầu ngắn gọi là cầu Cộng. Cầu Cộng bắc qua sông Tích, xung quanh Trường Đảng hầu như không có cơ quan nào ngoài một vài nhà dân tạm bợ và thưa thớt… Đường vào Trường Đảng khoảng 1km tính từ chỗ rẽ khỏi Quốc lộ 32, địa điểm ấy dân địa phương gọi là Chốt Đá Bia (nơi có một tấm bia đá làm dấu tích mồ mả cho những người lính viễn chinh Pháp). Từ Quốc lộ 32 rẽ vào mấy trăm mét là đến cầu Cộng người ta như lạc vào một đời sống khác, một đời sống bị bỏ quên bên lề thị xã Sơn Tây, một thị xã trung du vốn đã vắng vẻ và heo hút. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem