Nhiều doanh nghiệp lớn cung cấp trứng gia cầm, thịt heo tại TP.HCM cho biết, dù đã được gỡ khó trong khâu vận chuyển nhưng những ngày qua vẫn còn tình trạng xe của họ không được qua chốt kiểm soát để chuẩn bị nguồn hàng bán vào sáng hôm sau.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết bà cập nhật và theo dõi sát hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành, bởi đây là ngành cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bà Chi xác nhận, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hoá, kể cả trong nội thành và đi liên tỉnh, nhất là khi TP.HCM và các tỉnh thành áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16.
Theo bà Chi, kể từ khi Chính phủ và các Bộ ngành tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trên thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng các chốt kiểm soát gây khó dễ, yêu cầu nhiều thủ tục khiến vấn đề này đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Bà cho biết, TP.HCM hạn chế tối đa việc di chuyển ngoài đường từ sau 18h đến 6h sáng hôm sau, trong khoảng thời gian này, các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông nhưng có doanh nghiệp vẫn gặp khó khi qua các chốt kiểm soát.
Cụ thể, chốt kiểm dịch đường M1 từ khu công nghiệp Tân Bình ra quốc lộ, xe không qua được dù được cấp mã QR và báo với chốt là xe chở hàng thiết yếu.
Tại một số chốt khác ở các cửa ngõ của thành phố, xe về sau 18h không thể qua chốt vì trên xe không chở hàng dù có giấy tờ giao nhận hàng thiết yếu. Khi đó, tài xế phải ngủ lại trên xe.
Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Vissan cũng cho biết, đặc thù của Vissan và các doanh nghiệp giết mổ là hoạt động vào ban đêm. Heo giết mổ xong khoảng 1-2h sáng phải vận chuyển ra điểm bán, để 5-6h sáng có hàng bán nên buộc phải đi theo khung giờ này.
Tuy nhiên, lại có tình trạng xe tải có nhận diện của Vissan di chuyển được nhưng xe của các đơn vị tư nhân khác lại gặp khó khăn. Giấy tờ Vissan đăng ký cho các xe chở hàng này có chốt cho qua nhưng có chốt lại không. Còn các công ty trứng, vài ngày trở lại đây, do đóng cửa sớm, siêu thị chỉ nhận hàng đến 15h, trong khi doanh nghiệp chỉ có 8 tiếng để đi giao trứng là không kịp.
Bà Lý Kim Chi đề xuất, TP.HCM cần cụ thể hóa các quy định của Trung ương và chỉ đạo các địa phương; các chốt kiểm soát thực hiện nghiêm các thủ tục, yêu cầu về kiểm tra, phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của Thành phố, tránh tình trạng áp dụng mỗi nơi mỗi kiểu, gây khó khăn doanh nghiệp.
Tại cuộc họp ngày 3/8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết phần lớn các khó khăn về lưu thông hàng hóa đã được giải quyết.
Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc tại các chốt kiểm soát là do lực lượng trực làm việc tại các chốt chủ yếu là nhân viên tăng cường, tùy theo nhận thức mà cách hiểu, cách làm có giới hạn. UBND thành phố sẽ tiếp tục chấn chỉnh để tạo điều kiện lưu thông hàng cho doanh nghiệp.
Trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm cũng nhận thấy để duy trì và không làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, chính quyền TP.HCM cần sớm xúc tiến việc hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với Lâm Đồng, Bình Phước, Cà Mau… và các thị trường nguyên liệu lớn.
Trong đó, TP đề xuất nhu cầu thị trường cần, các phương án bao tiêu đầu ra và đề nghị các tỉnh cam kết mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng của vùng nguyên liệu theo từng thế mạnh của địa phương. Bởi nguồn nguyên liệu chính phục vụ cho ngành sản xuất lương thực, thực phẩm tại TP.HCM tập trung chủ yếu từ các tỉnh lân cận.
Hội Chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM cũng kiến nghị Bộ NNPTNT có văn bản chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ, yêu cầu các tỉnh phải đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, cần được ưu tiên, tạo mọi điều kiện phát triển để không bị đứt nguồn cung trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp chỉ ra là nếu tình trạng nông dân các tỉnh trồng ra sản phẩm nhưng phải đổ bỏ vì không tiêu thụ được như thời gian qua, nguy cơ ngưng sản xuất sẽ khiến mùa vụ chậm trễ, ảnh hưởng cả chất và sản lượng về sau.