Mì ăn liền khó sản xuất vì thiếu hành lá, giải quyết thế nào?

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 03/08/2021 19:03 PM (GMT+7)
Trường hợp các nguyên phụ liệu như hành lá khô, tiêu… bị đứt nguồn cung, doanh nghiệp đề xuất được chủ động gia giảm phù hợp để đảm bảo chuỗi cung mì ăn liền không bị đứt gãy.
Bình luận 0

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đã đề xuất nhiều biện pháp để duy trì ổn định việc sản xuất mì ăn liền cũng như nhóm hàng lương thực, thực phẩm khác tại cuộc họp với lãnh đạo UBND TP.HCM, ngày 3/8.

Theo bà, với đặc thù của ngành, để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh ngoài các nguyên liệu chính thì doanh nghiệp sản xuất đầu cuối phải nhập từ nhiều nhà cung cấp với các loại nguyên phụ liệu khác nhau.

Mì ăn liền khó sản xuất vì thiếu hành lá, giải quyết thế nào? - Ảnh 1.

Mì ăn liền khó sản xuất vì thiếu hành lá, tiêu... Ảnh: Hồng Phúc.

Trong tình hình hiện nay, các nhà cung cấp có nguy cơ phải dừng hoạt động bất cứ lúc nào nếu xuất hiện trường hợp F0. Nếu không nhập được nguyên liệu thì khả năng doanh nghiệp phải ngừng sản xuất.

"Để việc ngừng sản xuất không xảy ra, chúng tôi đề xuất đối với các loại nguyên liệu phụ như gia vị, hương liệu, phụ gia… thì cho phép doanh nghiệp có thể tìm loại khác thay thế hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng phù hợp mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng, tính an toàn và đặc trưng cơ bản của sản phẩm như trước đây", bà Chi nói và cam kết sự điều chỉnh này không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Dù vậy, bà cho biết, theo Luật An toàn thực phẩm và các quy định liên quan, với những điều chỉnh nói trên, doanh nghiệp cần phải làm lại thủ tục tự công bố sản phẩm và thay đổi bao bì hiện tại.

Thông thường việc này mất khá nhiều thời gian. Trong thời điểm hiện nay, sẽ càng mất nhiều thời gian hơn nữa và nếu in lại bao bì thì chi phí phát sinh sẽ rất lớn, bao bì cũ còn nhiều gây lãng phí. Như vậy khả năng doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất là rất cao.

Mì ăn liền khó sản xuất vì thiếu hành lá, giải quyết thế nào? - Ảnh 3.

Thời gian gần đây, một số loại mì ăn liền trên kệ siêu thị đứt hàng cục bộ. Ảnh: Hồng Phúc.

Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM mong nhận được sự chia sẻ và các giải pháp xử lý linh động từ chính quyền. Hội đề nghị cho phép được thay thế các thủ tục nói trên bằng cách doanh nghiệp gửi báo cáo chi tiết bằng văn bản cho cơ quan chức năng liên quan và thông tin minh bạch đến người tiêu dùng. 

Bà Chi nhấn mạnh phương án điều chỉnh nguyên liệu phụ này chỉ là giải pháp tạm thời trong thời gian ngắn.

Đơn cử, đối với nhóm mì ăn liền, các nguyên liệu phụ như hành lá khô, tiêu… đều được đặt hàng gia công từ các nhà cung cấp về gia vị. Trường hợp một trong các nhà cung cấp dừng hoạt động thì sản lượng doanh nghiệp nhập về không đủ. Khi đó, doanh nghiệp có thể chủ động gia giảm phù hợp.

Cập nhật về tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành thời gian qua, lãnh đạo Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết ngoài một số doanh nghiệp chủ lực tập trung ở nhóm thịt gia cầm, gia súc giữ được năng lực sản xuất từ 100 - 200%, các nhóm ngành như mì ăn liền, thủy hải sản chế biến, gia vị… đa phần chỉ duy trì ở mức từ 40 - 70% so với bình thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem