Thời gian qua, tại TP.HCM, có thời điểm khó mua mì gói, trong khi đây là mặt hàng thiết yếu có thể để được lâu và khá tiện lợi trong mùa dịch. Một số nhóm thiện nguyện có nhu cầu mua mì gói với số lượng nhiều từ vài chục đến hơn trăm thùng để trao tặng cũng cho biết phải báo trước số lượng để cửa hàng chuẩn bị.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM xác nhận thực trạng này. Theo bà, mỗi năm các doanh nghiệp tại TP.HCM cũng như doanh nghiệp thuộc hiệp hội sản xuất trên 6 tỷ gói mì ăn liền, phục vụ trên cả nước.
Là người trực tiếp kết nối, làm việc với các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm những ngày qua, bà cho hay hiện các doanh nghiệp vẫn đang sản xuất nhưng thời gian qua xuất hiện một số vấn đề.
Bà Chi nhấn mạnh với ngành chế biến lương thực thực phẩm, tất cả nguồn nguyên vật liệu hầu như từ các tỉnh thành đưa về TP.HCM. Việc lưu thông hàng hóa khó khăn thời gian qua khiến nguyên liệu đưa về TP.HCM không như giai đoạn bình thường nên chuỗi cung ứng cũng như sản xuất có phần bị gián đoạn.
Nhiều nguyên có trong gói bột nêm của mì ăn liền như hành lá, tiêu… cũng không nằm ngoài sự ách tắc này.
Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết cánh đồng hành lá của Bà Rịa Vũng Tàu rất gần TP.HCM nhưng khó đưa về. Thương lái không thể gom hành mang lên nhà máy vì không thuê được xe, vì thắt chặt kiểm soát ra vào khiến doanh nghiệp thiếu hành sản xuất.
"Chúng tôi tôi đứt hành, các gói nêm thiếu hành. Thiếu như vậy thì không sản xuất được vì bao bì đã ghi đủ các thành phần", bà Chi nói và khẳng định, khi nào đầy đủ các thành phần mới dám xuất hàng.
Ngoài ra, các nhà cung ứng khi gặp F0 trong nhà máy cũng phải tạm ngưng hoạt động khiến nguyên liệu không kịp cung cấp. Để giải quyết, Hội Lương thực thực phẩm cũng đã đề xuất một số biện pháp gỡ vướng cho doanh nghiệp.
70% doanh nghiệp từ lỗ đến huề vốn
Bà Lý Kim Chi cũng nhận định ngành chế biến lương thực, thực phẩm thời gian qua rất căng thẳng vì phải đảm bảo hàng nhu yếu phẩm. Dù có thời điểm một số mặt hàng chưa cung ứng kịp nhưng đến nay vẫn giữ ổn định được sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Hiện tất cả gần như 70% doanh nghiệp lương thực thực phẩm phải bán bù lỗ và huề vốn vì nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí sản xuất tăng", bà Chi cho biết.
Theo bà, để hỗ trợ người dân và cùng TP chống dịch, nhiều doanh nghiệp dù tham gia chương trình bình ổn giá hay không, hay sản phẩm có thuộc nhóm bình ổn giá hay không, thì cũng đều cố gắng không tăng giá.
Cụ thể, với mặt hàng trứng gia cầm, thời gian qua, giá nguyên liệu ngành chăn nuôi tăng cao, giá trứng bán lẻ bên ngoài tăng nhưng các doanh nghiệp trứng lớn ráng "gồng", không tăng giá bởi nếu tăng, thị trường sẽ lập tức bị ảnh hưởng ngay. Hay với mì ăn liền, dù không nằm trong nhóm hàng bình ổn và nhu cầu mặt hàng này rất cao nhưng thời gian qua vẫn không tăng giá.
Bà Chi nhận định trong lúc này, việc vận chuyển hàng hóa rất quan trọng, do đó, cần được tạo điều kiện lưu thông tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bà kiến nghị các Bộ ngành nên chỉ đạo kết hợp với các tỉnh thành, căn cứ tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản để kết nối, giải quyết được đầu ra cũng như các khâu vận chuyển thì nông dân mới mạnh dạn trồng tiếp. Có như vậy, doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm mới có nguyên liệu đảm bảo cung cấp xuyên suốt cho người dân.
Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM kiến nghị TP.HCM nên có tổ công tác lắng nghe và giải quyết khó khăn một cách nhanh chóng cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, bởi các vấn đề doanh nghiệp đối mặt trong lúc này là liên tục. Việc này cũng nhằm khơi thông cho hàng hóa trong bối cảnh hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.