Trước đó, năm 1986, ông Thiên rời vùng quê Tân Phong (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) vào Tây Nguyên lập nghiệp. Sau khi lập gia đình (1992), ông bắt đầu tìm kiếm mô hình, phát triển kinh tế. Lúc bấy giờ, vợ chồng ông khai hoang được 8 sào đất trồng trọt với phương châm "lấy ngắn nuôi dài". Đến năm 1996, ông mua và khai hoang thêm 7ha đất sản xuất. Thời gian đầu, vợ chồng cùng nhau đầu tư trồng cà phê.
Trong một chuyến tham quan tại Đồng Nai, thấy người dân ở đây trồng sầu riêng, chôm chôm rất tốt nên ông đã mua cây giống về trồng thử. Sau nhiều đêm trằn trọc vì không biết nên chọn loại cây nào để tiếp tục "gắn bó", cuối cùng ông đã giữ lại tất cả. Ông vẫn chăm sóc cà phê và trồng xen sầu riêng và chôm chôm vào trong khu vườn.
Ông Nguyễn Văn Thiên đã được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2014 - 2016.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Thiên nhớ lại: "Ngày ấy khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm kiếm các mô hình trồng cây ăn quả, tôi cũng rất băn khoăn. Hơn thế, thời điểm ấy cà phê luôn phải gánh chịu điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa". Chính vì vậy, vợ chồng trồng thêm cây ăn quả. Tuy nhiên, chúng tôi không độc canh một loại cây trồng mà trồng xen canh thêm nhiều loại cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, quýt đường…".
Năm 2000, vườn cà phê cho thu hoạch. Từ năm 2005 trở đi, kinh tế gia đình ông bắt đầu cải thiện khi cây trồng đi vào giai đoạn cho năng suất cao.
Cụ thể, riêng năm 2017 ông Thiên thu được 32 tấn cà phê nhân, bán được 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 600 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, nhờ trồng đa canh nhiều loại cây trồng, ông Thiên còn thu được 1,5 tấn hạt điều, 5 tấn chôm chôm… Đặc biệt, vườn sầu riêng đã đem lại cho ông nguồn thu 800 triệu đồng từ việc bán 20 tấn quả.
"Để có được thành quả ấy, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc mua giống, kỹ thuật trồng, cách chăm sóc, các loại bệnh thường gặp trên cây… nói chung đủ mọi vướng mắc. Ngày đó, sầu riêng chín, mọi người ở đây đâu biết ăn nên cũng không ai mua. Vì không có đường, không có phương tiện chở lên phố bán nên hàng tấn sầu chặt ra cứ đổ cho gà, cho cá ăn. Mãi đến sau này các thương lái từ Đăk Lăk qua cắt tại vườn, chúng tôi mới tiêu thụ được" - ông Thiên chia sẻ.
Để mở rộng sản xuất, ông Thiên đã đến một số tỉnh như Đăk Lăk, Đăk Nông, Đồng Nai, Bình Phước và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ để học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn quả. Trở về từ chuyến đi ấy, ông tiếp tục đưa thêm cây quýt đường (giống từ Vũng Tàu), na dai (giống Thái Lan) và một số giống sầu riêng mới về trồng với diện tích mở rộng thêm là 1ha.
Nhờ hướng đi khác biệt này, ông đã thu về hàng tỷ đồng mỗi năm. Từ năm 2016 đến nay, vườn cây của gia đình ông phát triển khá tốt. Hiện tại, vườn cây ăn trái của ông rộng khoảng 3,5ha được trồng các loại cây sầu riêng, chôm chôm, nhãn, quýt đường, na Thái, vải… Còn hơn 3ha còn lại ông vẫn đang duy trì phát triển cây cà phê, dòng cây chủ lực của Tây Nguyên.
Từ thành công của mình, ông Thiên đã không ngần ngại, sẵn lòng chia sẻ với bà con xung quanh về kinh nghiệm đa canh các loại cây trong vườn. Để có đầu ra ổn định, ông Thiên đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thôn 4 xã Ia Krai. Hợp tác xã ra đời với mục đích để tiêu thụ, tìm đầu ra cho các sản phẩm như cà phê, điều, sầu riêng, chôm chôm.
"Hợp tác xã đang hoàn thiện giấy tờ với tên đầy đủ là Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ thôn 4 xã Ia Krai. Theo đó, chúng tôi sẽ tìm và kết nối với các doanh nghiệp nhằm bao tiêu sản phẩm cho người dân. Khi chính thức đi vào hoạt động, hợp tác xã sẽ hướng đến sản xuất các sản phẩm VietGAP để sau này khi bán ra thị trường giá sẽ ổn định hơn. Muốn làm được như vậy thì hợp tác xã phải ký kết với doanh nghiệp. Thứ nhất phải có được đầu vào là nguồn cung cấp phân bón, thuốc, kỹ thuật... Thứ hai, về đầu ra phải bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân" - ông Thiên chia sẻ.
Theo ông Thiên, để sản phẩm có chỗ đứng, tạo được hiệu ứng trên thị trường, sản phẩm phải chất lượng. Đặc biệt, nên hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học. Đồng thời, cần ủ phân hữu cơ từ vỏ cà phê, phân bò và men sinh học. Khi làm và sử dụng các loại phân vi sinh này, người nông dân sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí đầu tư cải tạo đất cho vườn cây và tránh thoái hóa đất.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, ông Thiên còn là người đi đầu trong các hoạt động chung của địa phương. Khi xã có chủ trương kêu gọi xã hội hóa để làm đường giao thông nông thôn, ông Thiên sẵn lòng đóng góp kinh phí. Ông còn đứng ra kêu gọi 11 hộ dân xung quanh cùng chung tay góp sức xây dựng trạm biến áp, kéo đường dây điện dài 1.500m để người dân có điện sản xuất, với tổng trị giá công trình trên 510 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đức Tấn -Chủ tịch xã Ia Krai cho biết: "Gia đình ông Thiên là một trong những hộ phát triển kinh tế tiêu biểu tại địa phương. Ông đã mạnh dạn học hỏi khắp nơi để thoát nghèo, làm giàu hiệu quả. Sau khi tiếp cận mô hình xen canh các loại cây trồng của ông Thiên, chúng tôi đánh giá rất cao mô hình này. Hiện Hội Nông dân của xã đã chọn mô hình này làm điểm để nhân rộng, phát triển kinh tế. Chúng tôi cũng đã triển khai các chương trình cho người dân vay vốn chính sách để đầu tư sản xuất".