Kon Tum: Vườn "trồng lung tung" mà vẫn kiếm bộn tiền, ông nông dân bất ngờ tiết lộ điều này

Thứ ba, ngày 11/05/2021 13:00 PM (GMT+7)
Có dịp đến thăm anh Nguyễn Tấn Hùng (ở thôn 4, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum), tôi được anh dẫn đến khu rẫy của gia đình có diện tích trên 7ha. Hiện anh Hùng đang canh tác nhiều loại cây trồng khác nhau; trong đó, có 3 loại cây chính, gồm cà phê, cao su và tiêu.
Bình luận 0

Với mô hình vườn đa canh, anh Hùng có nguồn vốn xoay vòng để trang trải, chăm sóc các loại cây trong vườn cùng phát triển, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Anh Hùng nhớ lại: Năm 2005, tôi bắt đầu mua đất, rào vườn, xây dựng rẫy để trồng cà phê. Qua tìm hiểu, tôi lựa chọn giống cà phê TS5, thường được gọi là giống cà xanh lùn để trồng. 

Theo anh Hùng, bởi giống cà phê TS5 có những ưu điểm về sản lượng cao, trái lớn, ít bị sâu bệnh, năng suất ổn định. Anh đã dành 5 ha để trồng 4.000 gốc cà phê. 

"Thời gian đầu, tôi gặp không ít khó khăn vì thiếu kiến thức, kỹ thuật. Tuy nhiên, chưa bao giờ nhụt chí, bởi tôi hiểu rằng, trong nghề nông, nếu biết nhẫn nại, chịu khó và luôn cố gắng thì sẽ đến ngày nếm trái ngọt...", anh Hùng thổ lộ.

Kon Tum: Vườn "trồng lung tung" mà vẫn kiếm bộn tiền, ông nông dân bất ngờ tiết lộ điều này - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Tấn Hùng (ở thôn 4, xã Diên Bình, (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) đang chăm sóc những cây mít Thái trong khu vườn đa canh của gia đình. Ảnh: T.T

Đất không phụ công người, bằng sự cần mẫn với công việc, chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các nguồn, qua năm tháng, vườn cà phê của anh Hùng phát triển tươi tốt, mỗi vụ mùa đều cho ra những cành trĩu quả, đạt năng suất và chất lượng cao. 

Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu được 60 - 70 tấn cà phê, đem về trên 200 triệu đồng (đã trừ chi phí).

Không chỉ cà phê, cao su cũng là một trong những loại cây trồng đồng hành cùng với anh Hùng từ những ngày đầu khởi nghiệp. 

Với 2 ha đất vườn, anh Hùng trồng 1.000 cây cao su. Đến nay, đã là năm thứ 10 anh thu lợi từ loại cây “vàng trắng” này.

Anh Hùng nhẩm tính: Cây cao su một năm có thể cạo mủ được 9 tháng, với 1.000 cây cao su, mỗi tháng tôi thu được 15 – 17 triệu đồng tiền bán mủ. Như vậy trung bình một năm, tôi kiếm được khoảng 150 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Anh Hùng tâm sự, để có thể gây dựng được vườn cao su như hiện tại, anh đã luôn phải cố gắng về mọi mặt, đặc biệt là học hỏi tiếp thu kiến thức từ sách báo, internet… cũng như đúc rút từ thực tiễn để áp dụng vào quy trình chăm sóc và khai thác vườn cây.

Năm 2016, anh Hùng quyết định trồng thêm cây tiêu để tăng thu nhập. Theo anh chia sẻ, đây là dự định mà anh đã ấp ủ bấy lâu, tuy nhiên vẫn chưa thể thực hiện được, bởi cây tiêu cần nhiều vốn đầu tư và dày công chăm sóc, chỉ một chút lơ là có khi thất bại.

Dẫn tôi đến khu vực trồng tiêu của gia đình, anh Hùng cho hay: Tiêu là loại cây có giá trị kinh tế cao, có thể canh tác theo hướng phát triển bền vững. Hơn nữa trồng tiêu không đòi hỏi quá nhiều diện tích đất. Điển hình như vườn tiêu của tôi chỉ 3 sào, nhưng trung bình mỗi năm tôi thu được khoảng 2 tấn tiêu khô, sau khi trừ chi phí được khoảng 140 triệu đồng. 

Để tiết kiệm vốn đầu tư, anh Hùng lên kế hoạch trồng tiêu theo từng đợt cụ thể. Năm đầu tiên, anh trồng 200 trụ tiêu. Sau khi đã đến kỳ thu hoạch, anh lấy giống tại chính vườn của mình để nhân rộng diện tích. Qua 4 đợt, đến nay anh đã có 700 trụ tiêu. Bằng cách này, anh có thể tiết kiệm chi phí cây giống, thay vì đầu tư tập trung cùng một lúc.

Phát triển kinh tế theo hướng đa canh, trồng nhiều loại cây trồng, anh Hùng còn đầu tư trồng thêm 400 cây mắc ca và 100 cây sầu riêng. Hiện tại, cây mắc ca đã đến năm thứ 2 và sầu riêng đã đến năm thứ 3. Cả hai loại cây đều đang phát triển ổn định.

“Tôi trồng xen canh mắc ca và sầu riêng với cây cà phê xanh lùn. Nhờ bóng mát từ tán cà phê, các gốc mắc ca và sầu riêng sẽ được bảo đảm an toàn trong thời tiết hanh nóng. Từ giờ cho đến những năm tới, tôi định hướng sẽ giảm dần diện tích cây cà phê để thay bằng cây mắc ca và sầu riêng. Với cách làm này, tôi không bị rơi vào tình trạng thiếu vốn, khi phải chuyển đổi tất cả cây trồng cùng một lúc. Bên cạnh đó, tôi vẫn có nguồn thu đều đặn từ các loại cây trồng” – anh Hùng tâm sự

Hàng ngày, dồn hết tâm trí, sức lực cho vườn cây, anh Hùng hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên, anh vẫn chưa muốn dừng lại. Dự định trong thời gian tới, anh sẽ thử sức mình trong lĩnh vực chăn nuôi, cụ thể, tập trung vào mô hình nuôi gà đi bộ thả vườn và vỗ béo bò thịt.

Vượt lên những khó khăn vất vả, tâm huyết với ruộng vườn, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, anh Nguyễn Tấn Hùng (ở thôn 4, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) trở thành gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Tất Thành (Báo Kon Tum)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem