Trồng rau rừng đặc sản tên nghe mắc cười, ông nông dân tỉnh Bình Phước mua được ô tô
Bình Phước: Trồng rau rừng đặc sản trong vườn "trồng lung tung", ông nông dân mua được ô tô
Thứ bảy, ngày 22/05/2021 19:02 PM (GMT+7)
“Trăng đã dậy rồi khơi bếp hồng lên nhé. Lá bép rau rừng thêm thắm tình anh nuôi...”. Những ca từ giàu hình ảnh và cảm xúc trong ca khúc “Nổi lửa lên em” của nhạc sĩ Huy Du (1926-2007) đã gieo ấn tượng sâu đậm trong nhiều thế hệ từ thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến nay.
Lá bép (còn gọi là rau nhíp), loại rau rừng được đưa vào bữa ăn của bộ đội ta trong thời kỳ gian khó, nay đã trở thành ẩm thực đặc sản của tỉnh Bình Phước. Với mô hình vườn xen canh, rau nhíp góp phần giúp bà con các dân tộc thiểu số (DTTS) mở hướng thoát nghèo...\
Thời gian gần đây, tại nhiều nhà hàng, quán ăn ở TP Hồ Chí Minh và các địa phương Nam Bộ, khách đến được mời chào món đặc sản của núi rừng Bình Phước. Đó là rau nhíp, đọt mây, chế biến thành các món luộc, xào hoặc nhúng lẩu, với mức giá khá cao. Nơi cung cấp nguồn hàng là các nhà vườn trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Bình Phước.
Từ giới thiệu của người quen, chúng tôi ngược đường lên Bình Phước tìm hiểu mô hình đưa loài cây mọc hoang dã thành đặc sản hấp dẫn này. Huyện Bù Đăng là một trong những địa phương triển khai hiệu quả mô hình vườn xen canh trong vùng đồng bào DTTS.
Đồng chí Phạm Đình Nhất, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Hưng giới thiệu với chúng tôi một số mô hình điển hình trong các thôn (sóc) của đồng bào dân tộc S’Tiêng.
Tiêu biểu là sóc Bu Cà Rói (thôn 5), nơi định cư lâu đời của gần 360 hộ gia đình dân tộc S’Tiêng. Trước đây, đa số các hộ dân trong thôn đều thuộc diện nghèo, nhiều hộ đói, đời sống hết sức khó khăn.
Nhờ hiệu quả của Chương trình Nông thôn mới, thôn được đầu tư xây dựng khá đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, các thiết chế văn hóa cộng đồng. Nhờ đó, bà con có điều kiện chuyển đổi mô hình, cơ cấu sản xuất, chuyển từ thế độc canh cây điều sang mô hình xen canh kết hợp chăn nuôi.
Chúng tôi đến tham quan mô hình sản xuất của gia đình ông Điểu Đang ở sóc Bu Cà Rói, một trong những gương nông dân vượt khó tiêu biểu ở xã Minh Hưng.
Gia đình ông Điểu Đang có 1ha vườn điều. Do vườn nằm ở sườn núi, độ dốc lớn nên đất nhanh bạc màu. Những năm gần đây, giá điều nguyên liệu trên thị trường bấp bênh, dù vốn đầu tư lớn nhưng doanh thu, lợi nhuận cuối vụ chả bao nhiêu, có năm bị lỗ.
Áp dụng mô hình vườn xen canh, ông Điểu Đang cải tạo đất trồng rau nhíp và cây ca cao trong vườn điều. Rau nhíp là loại cây rừng, mọc hoang, thích hợp với tầng thấp. Ca cao phát triển ở tầng giữa. Điều cho quả ở tầng trên.
Nói về hiệu quả của mô hình này, ông Điểu Đang giải thích: "Cũng với diện tích vườn như vậy, trước đây tôi chỉ thu hoạch được hạt điều. Nay, gia đình có thêm hạt ca cao nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở thu mua và rau nhíp cho thu hoạch thường xuyên, lợi nhuận tăng hơn 2 lần. Các vạt rau nhíp còn có tác dụng giữ đất, tăng độ ẩm, chống xói lở, tạo thêm thảm thực vật cho vườn. Bà con nông dân gọi mô hình canh tác này là “nhất cử, đa tiện”.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, hiệu quả của mô hình vườn xen canh giúp gia đình ông Điểu Đang cải thiện cuộc sống, mua được xe ô tô. Nhiều gia đình khác cũng vươn lên thoát nghèo.
Theo đồng chí Phạm Đình Nhất, mô hình vườn xen canh chủ yếu tận dụng diện tích nhà vườn sẵn có nên không cần nhiều vốn đầu tư.
Rau nhíp trồng trong vườn, trồng ở bờ rào, ven lối đi, vừa tạo cảnh quan xanh mát, vừa cho thu nhập quanh năm. Lợi thế đặc biệt đối với nhà vườn là loại rau có nguồn gốc hoang dã này không cần bất cứ sự can thiệp nào từ phân bón hóa học hay hóa chất kích thích.
Chỉ cần bón phân chuồng là cây phát triển tươi tốt, cho cành lá sum suê, mơn mởn quanh năm. Đầu ra của loại đặc sản này ngày càng rộng mở. Rau nhíp theo chân khách du lịch đến với nhiều địa phương Nam Bộ.
Cách chế biến cũng ngày càng phong phú, đa dạng, phổ biến là kết hợp với đọt mây xào thịt gia súc, gia cầm, hải sản, làm nguyên liệu của các món lẩu... Màu sắc bắt mắt, hương vị đặc trưng, vị ngọt đắng, có tác dụng giải nhiệt, thanh lọc cơ thể, ngủ ngon... rau nhíp được đông đảo thực khách ưa thích.
Mô hình vườn xen canh điều, ca cao, rau nhíp... đến nay đã được áp dụng, nhân rộng ở khắp các vùng rừng núi của tỉnh Bình Phước, mở hướng thoát nghèo cho bà con đồng bào DTTS.
Cùng với rau nhíp, nhiều nơi đã áp dụng trồng mây lấy đọt (còn gọi là măng mây), tạo sự kết hợp hoàn hảo cho đặc sản dân dã, hấp dẫn này. Cùng với khuyến khích phát triển sản xuất từ hộ gia đình, nhiều địa phương trong tỉnh đã phát triển mô hình thành các tổ, đội, hợp tác xã, liên kết phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nếu đi du lịch Bình Phước, ghé vào các khu chợ, siêu thị ở bất cứ địa phương nào trong tỉnh, bên cạnh các mặt hàng chủ lực như hạt điều, ca cao..., du khách luôn bắt gặp mặt hàng rau nhíp, đọt mây. Đồng bào ở đây không chỉ bày bán như rau ở các chợ quê mà đã nâng tầm “thương hiệu” bằng cả bao bì, cách đóng gói đẹp mắt; du khách cần lúc nào cũng có, bao nhiêu cũng có.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.