Dân Việt

Gia Lai: Khám phá phế tích nhà thờ Thiên Chúa giáo hơn 100 năm dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya

Trần Hiền 21/08/2021 05:36 GMT+7
Nhà thờ cổ H'Bâu nằm ẩn mình dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya thuộc làng Xóa, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh (Gia Lai). Nhà thờ cổ H’Bâu được xây dựng từ năm 1909 (khoảng 112 năm).

Nhà thờ cổ H'Bâu dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya

Đặc biệt, hàng trăm nghìn viên gạch xây dựng lên nhà thờ, được người dân cõng bộ hơn 200 km từ tỉnh Bình Định lên. Đây là một trong những chứng tích thể hiện sức lao động bền bỉ của người dân bản địa, cũng là thể hiện sức sống bền bỉ, không bao giờ lụi tàn của người dân Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung!

Núi lửa Chư Đăng Ya là địa danh nổi tiếng ở tỉnh Gia Lai. Chư Đăng Ya là một ngọn núi lửa đã chết, Chư Đăng Ya có niên đại hàng triệu năm và đã ngừng phun dung nham từ lâu. 

Nhìn từ xa hay từ trên cao, núi lửa Chư Đăng Ya có hình dáng như một lòng chảo, một hình phễu khổng lồ. 

Lòng của nó chính là lớp đất đỏ bazan màu mỡ, kết quả của lớp dung nham tích tụ hàng triệu năm trước. Dưới chân ngọn núi này có một nhà thờ cổ hơn 100 năm tuổi (giáo đường H’Bâu).

Gia Lai: Khám phá tàn tích nhà thờ cổ hơn 100 năm dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya - Ảnh 2.

Toàn cảnh phế tích nhà giáo đường H'Bâu được xây dựng từ năm 1909

Giáo đường H’Bâu nằm sâu trong làng Xoá, đi qua cánh đồng Ngô Sơn, nơi có mạch nước ngầm xuất phát từ núi Chư Nâm cao nhất tỉnh Gia Lai - là người "anh em" của ngọn núi lửa Chư Đăng Ya. 

Giáo đường H'Bâu được xây dựng từ năm 1909, là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Gothic của Pháp với kiến trúc nhà sàn đặc trưng của Tây Nguyên.

Gia Lai: Khám phá tàn tích nhà thờ cổ hơn 100 năm dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya - Ảnh 3.

Trải qua chiến tranh, nắng gió, Giáo đường H’Bâu được làm từ khoảng năm 1909 dưới chân núi lửa Chư Đang Ya giờ chỉ còn mặt trước và tháp chuông

Theo quan sát của PV, mặt trước nhà thờ, dù đã khá mờ nhưng vẫn có thể đọc được dòng chữ Hán ghi lại năm xây dựng: Kỷ Dậu niên (1909). Trải qua hơn 100 năm lịch sử, chiến tranh, mưa nắng... tàn phá, nhà thờ H'Bâu ngày nay chỉ còn giữ được một phần tháp chuông và mặt trước. 

Trụ tháp vẫn còn nguyên vẹn, khá vững chắc, giúp du khách phần nào có thể hình dung được một thánh đường cũ của vùng đất đại ngàn năm xưa.

Gia Lai: Khám phá tàn tích nhà thờ cổ hơn 100 năm dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya - Ảnh 4.

Những viên gạch để xây dựng lên nhà thờ H’Bâu chính là do giáo dân kỳ công cõng bộ theo đường rừng từ huyện Tây Sơn (Bình Định)

Theo một cán bộ văn hóa xã Chư Đăng Ya, gạch xây dựng nhà thờ được chính giáo dân trong vùng trăm năm trước cõng bộ từ tỉnh Bình Định lên xây. 

Dưới tháp chuông vẫn còn giữ được tượng chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập tự giá. Dù đã có nhà thờ mới trong làng, nhưng rất đông đồng bào J'rai quanh đây vẫn hay về thánh đường cũ để dâng hoa và cầu nguyện hàng ngày.

Gia Lai: Khám phá tàn tích nhà thờ cổ hơn 100 năm dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya - Ảnh 5.

Giáo đường là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc của Pháp với kiến trúc nhà sàn đặc trưng của Tây Nguyên

Gia Lai: Khám phá tàn tích nhà thờ cổ hơn 100 năm dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya - Ảnh 6.

Thời điểm cuối tháng 7/2021, đã hơn 100 trải qua chiến tranh, nắng gió, quanh giáo đường chỉ còn mặt trước và tháp chuông, các mặt của mảng tường cũ bị găm dày đặc vết đạn to nhỏ

Gia Lai: Khám phá tàn tích nhà thờ cổ hơn 100 năm dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya - Ảnh 7.

Dù chỉ còn lại một phần của Giáo đường nhưng nơi đây vẫn toát ra lên sự uy nghi cùng nỗi bâng khuâng, tiếc nuối cho một kiến trúc đẹp

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Nội – Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cho biết: "Vì được xây dựng từ khá lâu nên quá trình xây dựng và hoạt động của nhà thờ H’Bâu rất ít ai nắm được. Những vị già làng thời ấy đến nay cũng đã mất hết. Theo hồ sơ xã lưu được về giáo đường H’Bâu, có một nhân vật là Cha Hiển đã dành trọn đời mình cho việc truyền giáo, phục vụ tại nhiều giáo xứ, trong đó có giáo xứ H’Bâu...".

"Cha Hiển cũng là người dẫn dân làng khai hoang ngọn núi lửa Chư Đăng Ya phát hiện ra cây gừng rừng và tên gọi "Núi củ Gừng Dại" hay Chư Đăng Ya hình thành từ đó. Tuy nhiên, đến nay Cha Hiển cũng đã mất nên rất ít thông tin về giáo đường H’Bâu. Hiện xã vẫn đang tìm hiểu thêm thông tin của nhà thờ H’Bâu từ các vị già làng", ông Nội chia sẻ thêm.