Cà Mau: Dân xóm nghèo đổi đời nhờ trồng cỏ dại làm các món đặc sản

Chúc Ly Thứ hai, ngày 28/06/2021 05:30 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, từ một loài cỏ dại, bồn bồn đã vươn mình trở thành đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cà Mau, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nông dân. Có một xóm nghèo nhờ trồng bồn bồn mà đời sống của bà con trở nên khá giả hơn.
Bình luận 0

Bồn bồn - từ loài cỏ dại thành đặc sản

Bồn bồn thuộc loại cây cỏ, còn được gọi là cỏ nến. Mấy chục năm trước, tại vùng đồng chiêm nước ngập quanh năm nhiễm phèn, ven mé ao, đìa, sông, cây bồn bồn hay mọc lên như những khóm cỏ xanh tốt. 

Sau này phát hiện ra khả năng chịu mặn và giá trị kinh tế, bồn bồn được người dân nhân trồng rộng rãi ở các vùng Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Trong đó, huyện Cái Nước Cà Mau là khu vực có diện tích lớn nhất, với hơn 90ha.

Bồn bồn rất dễ trồng, chỉ cần có nước là cây mọc tươi tốt, không cần tốn công sức chăm sóc hay phân bón. 

Khi cây bồn bồn đủ to và lá xanh tốt, người dân sẽ thu hoạch bằng cách tách những nhánh đủ độ lớn, để lại các nhánh nhỏ. 

Những nhánh lớn sẽ được bỏ lá, gốc, chỉ lấy phần lõi non. Các nhánh nhỏ sẽ tiếp tục lớn lên, từ 1-1,5 tháng sẽ tiếp tục được thu hoạch.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây, vùng đất Tân Hưng Đông, Hoà Mỹ, Hưng Mỹ và Phú Hưng (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) là vùng sản xuất chuyên canh lúa. 

Tuy nhiên, sau khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm (năm 2002), một số nông dân xã Tân Hưng Đông đã bao ví cục bộ nhằm chống xâm nhập mặn, để thực hiện các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt.

Clip: Xóm trồng bồn bồn ở ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau).

Những ngày đầu, chỉ có 28 hộ dân ở ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông giữ ngọt để trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá trên diện tích khoảng 17ha. Sản phẩm bồn bồn tươi, dưa bồn bồn chưa được nhiều người biết đến nên chủ yếu được bà con nông dân mang ra trước nhà (ven Quốc lộ 1) để bán cho khách qua đường.

Về Cà Mau, ghé xóm trồng bồn bồn xem bà con kiếm bộn tiền từ đặc sản quê nhà - Ảnh 3.

Chạy dọc Quốc lộ 1, đoạn qua ấp ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông (Cái Nước, Cà Mau), dễ dàng nhìn thấy những cánh đồng bồn bồn xanh ngát. (Ảnh: Chúc Ly).

Trong quá trình sản xuất, bà con nông dân ở ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông nhận thấy cây bồn bồn dễ trồng, phát triển tốt, thích nghi với đồng đất nơi đây. 

Bên cạnh đó, loại cây này ít bị sâu bệnh, chi phí đầu tư không cao, trồng một mùa thu hoạch nhiều năm, cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững…nên ngày càng có nhiều hộ giữ nghề trồng bồn bồn.

Anh Nguyễn Phi Hùng (ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước), chia sẻ: "Gia đình tôi có hơn 50 năm theo nghề trồng bồn bồn. Riêng tôi cũng được hơn 10 năm. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình...".

Theo anh Hùng, khi bồn bồn được nhổ về thì chặt bỏ phần lá dài, giữ lại từ gốc lên khoảng 30-35cm, sau đó mới tách ra lấy lõi non bên trong. 

Cây bồn bồn phát triển tốt nhất vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 11 âm lịch. Thời điểm này, khi mưa xuống, cây bồn bồn có điều kiện phát triển mạnh. Còn ở những tháng mùa khô, cây sinh trưởng kém hơn.

Về Cà Mau, ghé xóm trồng bồn bồn xem bà con kiếm bộn tiền từ đặc sản quê nhà - Ảnh 4.

Xã Tân Hưng Đông có hơn 90 hộ dân sống chủ yếu nhờ cây bồn bồn. (Ảnh: Chúc Ly).

Qua hơn 15 năm tạo dựng thương hiệu, đến nay xã Tân Hưng Đông có hơn 90 hộ dân sống chủ yếu nhờ cây bồn bồn. Trung bình hàng năm, bà con trồng bồn bồn có mức thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/ha. 

Ngày 10/4/2017, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Sản phẩm Bồn bồn Cái Nước – Cà Mau". Hội Nông dân huyện Cái Nước là đơn vị đại diện quản lý nhãn hiệu tập thể này.       \

Xóm trồng bồn bồn ngày càng khá giả

Những năm gần đây, cây bồn bồn đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của nông dân ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông. 

Nhờ trồng bồn bồn, nhiều gia đình ổn định cuộc sống, có hộ đã vươn lên khá giả. Thậm chí, đã có một xóm trồng bồn bồn được hình thành tại ấp Đông Hưng, với 65ha khép kín được quy hoạch.

Về Cà Mau, ghé xóm trồng bồn bồn xem bà con kiếm bộn tiền từ đặc sản quê nhà - Ảnh 5.

Mỗi năm, gia đình ông Đỗ Dương Thăng (ngụ ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông) kiếm từ 18-20 triệu đồng/công bồn bồn. (Ảnh: Chúc Ly).

Theo những người lớn tuổi ở ấp Đông Hưng, khoảng 10 năm nay cây bồn bồn mới trở thành loài cây đặc sản, mang lại giá trị kinh tế cao và ổn định cho người dân. Còn trước đó, đây chỉ là loài cỏ dại mọc hoang khắp nơi, không ai để ý tới.

Ông Đỗ Dương Thăng (ngụ ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông), chia sẻ. "Trước đây, cây bồn bồn chỉ được các gia đình nhổ ăn trong gia đình, chứ chưa quan tâm đến việc trồng bán như bây giờ. Bởi đi tới đâu cũng thấy cây bồn bồn thì bán cho ai....'.

Theo lời ông Thăng, những lúc có nhiều thì một số người nhổ về để làm dưa, trữ lại để ăn lâu dài. Còn ngày nay, cứ đi cặp Quốc lộ 1A, địa phận thuộc ấp Đông Hưng, đi tới đây cũng dễ dàng bắt gặp hàng chục điểm bán bồn bồn. Hầu như cả xóm nhà nào cũng trồng và bán bồn bồn...

Về Cà Mau, ghé xóm trồng bồn bồn xem bà con kiếm bộn tiền từ đặc sản quê nhà - Ảnh 6.

Mỗi năm, gia đình ông Đỗ Dương Thăng (ngụ ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước ) kiếm từ 18-20 triệu đồng/công bồn bồn. (Ảnh: Chúc Ly).

"Riêng gia đình tôi có khoảng 5 công đất trồng bồn bồn. Mỗi ngày tôi thu hoạch được khoảng 50-60kg bồn bồn, sau khi giao cho các mối với giá từ 22.000 đồng-30.000 đồng, tôi thu về từ 1-1,5 triệu đồng. Mỗi năm gia đình tôi thu ít nhất cũng từ 18-20 triệu đồng/công bồn bồn", ông Thăng cho hay.

Còn ông Lê Văn Phương (ngụ ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông) cho biết: "Trước đó gia đình tôi trồng lúa, sau đó thì chuyển qua nuôi tôm được khoảng 6, 7 năm. Thời gian đầu nuôi tôm rất trúng, nhưng càng về sau thì càng thất, nên tôi quyết định giữ nước ngọt trồng bồn bồn...".

Tính đến nay ông Phương đã gần 7 năm gắn bó với cây bồn bồn. So với làm vuông thì bồn bồn cho thu nhập cao gấp 2 lần. Trong khi đó, tôi không cần đầu tư nhiều vốn vẫn có nguồn thu lâu dài...

Về Cà Mau, ghé xóm trồng bồn bồn xem bà con kiếm bộn tiền từ đặc sản quê nhà - Ảnh 7.

Mỗi năm, gia đình ông Đỗ Dương Thăng (ngụ ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông) kiếm từ 18-20 triệu đồng/công bồn bồn. (Ảnh: Chúc Ly).

"Sở dĩ hình thành một xóm trồng bồn bồn như hiện nay ở ấp Đông Hưng là nhờ sự ổn định của loại cây này. Bồn bồn vốn thích nghi với điều kiện tại đây, lại có vị trí cặp Quốc lộ, nên nông dân dễ bày bán, khách cũng dễ mua. Không cần chỉ dẫn địa lý hay sơ đồ gì khách cũng dễ dàng tìm đến xóm trồng bồn bồn. Khoảng 6 năm nay gia đình tôi có thu nhập chính nhờ vào gần 2ha bồn bồn. Mỗi tháng, gia đình tôi kiếm được khoảng 20 triệu đồng", ông Phương cho hay.

Cứ như vậy, nhắc đến bồn bồn thì người ta nghĩ ngay đến Đông Hưng. Những người mới đến đây có lẽ sẽ thấy lạ khi cứ tờ mờ sáng là nhà nhà thức dậy để đi nhổ bồn bồn.  Nghề trồng bồn bồn ở đây tạo nên nét đẹp lao động rất đặc trưng. Khi du khách đến xứ Đất Mũi thì đa số đều mong muốn được một lần thưởng thức đặc sản bồn bồn nổi tiếng khắp nơi.

Về Cà Mau, ghé xóm trồng bồn bồn xem bà con kiếm bộn tiền từ đặc sản quê nhà - Ảnh 8.

Bồn bồn tươi hiện được bán lẻ với giá khoảng 35.000 đồng/kg. (Ảnh: Chúc Ly).

Về Cà Mau, ghé xóm trồng bồn bồn xem bà con kiếm bộn tiền từ đặc sản quê nhà - Ảnh 9.

Ngoài bán tươi, bồn bồn còn được làm dưa. (Ảnh: Chúc Ly).

Hiện tại, do nhu cầu tiêu thụ cây bồn bồn tươi ngày càng tăng, nên nông dân phải tranh thủ nhổ từ sáng sớm để kịp giao cho khách. 

Người dân thường tập trung nhổ bồn bồn vào buổi sáng, sau đó sơ chế sạch để giao cho mối; một số hộ thì đem bày bán cặp Quốc lộ 1. Giá bồn bồn ở mức ổn định. Bồn bồn tươi hiện có giá từ 30.000 - 45.000 đồng/kg, dưa bồn bồn là 55.000 - 60.000 đồng/kg.

Về Cà Mau, ghé xóm trồng bồn bồn xem bà con kiếm bộn tiền từ đặc sản quê nhà - Ảnh 10.

Cuộc sống của nhiều hộ trong xóm trồng bồn bồn ở Đông Hưng ổn định hơn nhờ giữ gìn đặc sản quê nhà. (Ảnh: Chúc Ly).

Ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), thông tin: "Cây bồn bồn có khả năng thích nghi ở vùng phèn mặn tốt, trong điều kiện nước lợ vẫn sống được. Hiện nay nhiều nông dân đang nhận rộng mô hình trồng bồn bồn. Cây bồn bồn này được trồng tự nhiên, không sử dụng thuốc, rất ít bón phân, nên được nhiều người ưa chuộng. Cây bồn bồn cũng được xã Tân Hưng Đông lựa chọn là sản phẩm OCOP của xã".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem