Theo lời mời "Tân Triều tên gọi thân thương / Cù lao xứ bưởi vấn vương bạn bè", chúng tôi ghé thăm ấp cù lao Tân Triều ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Đi từ đầu đến cuối cù lao, đâu đâu cũng thấy bạt ngàn một màu xanh của bưởi.

Ngày đó ở Làng bưởi Tân Triều

Cù lao Tân Triều vốn là một vùng đất cổ xưa, đã có từ hơn 300 năm trước. Tích cũ chép lại, vua Nguyễn Ánh trong một lần du hành vào Nam đã đặt cho vùng đất màu mỡ này cái tên Tân Triều. Tân Triều nghĩa là triều đình mới, tượng trưng cho triều đại ông sáng lập tạm thời ở miền Nam.

Khi nhà thờ Tân Triều xây dựng vào giữa thế kỷ 18, một vị cha xứ đã mang 2 nhánh bưởi giống từ Brazil về trồng. Đó là giống bưởi đường lá cam (cây bưởi mà lá nhỏ như lá cam) và bưởi đường cao nốm (còn gọi là bưởi đường da láng). 

CLIP: Người giữ hồn đặc sản cho Làng bưởi Tân Triều-ông Huỳnh Đức Huệ, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai).

Trong ký ức của ông Bùi Văn Đáng – Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), vùng đất cù lao hoang sơ thời đó chỉ trồng trầu. Sau trận lụt năm Nhâm Thìn (1952), đất này không còn trồng trầu được nữa. 

Thấy cây bưởi đặc sản trồng trước sân nhà thờ xanh tốt, trái ngon trĩu cành, bà con trong vùng mới xin nhánh về trồng. Không ngờ, 2 giống bưởi này lại hòa hợp một cách hoàn hảo với đất phù sa của cù lao, trái ngọt thơm lạ lùng và được trồng mãi đến ngày nay.

Bưởi đường lá cam hòa hợp một cách hoàn hảo với đất phù sa ở cù lao, trái ngọt thơm lạ lùng và được trồng mãi đến ngày nay.

Bưởi đường lá cam hòa hợp một cách hoàn hảo với đất phù sa ở cù lao, trái ngọt thơm lạ lùng và được trồng mãi đến ngày nay.

Bưởi Tân Triều còn có tên gọi khác là bưởi Biên Hòa. Trong đó có giống bưởi đường lá cam, bưởi thanh trà, bưởi ổi... Ông Đáng kể, đất Tân Triều giờ đây, hầu như nhà nào cũng trồng bưởi.

Toàn xã có khoảng 324 hộ dân đang trồng bưởi với tổng diện tích gần 395ha. Trong đó có đến 70% là trồng bưởi đường lá cam. Phần còn lại, người dân trồng xen thêm giống bưởi da xanh.  

Ông Bùi Văn Đáng – Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Bình

Ông Bùi Văn Đáng – Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai).

Do đặc tính thơm ngon nổi tiếng, lại thích nghi tốt nhiều loại thổ nhưỡng, giống bưởi đường lá cam trồng được ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Đồng Nai. "Thế nhưng, bưởi đường lá cam ngon nhất vẫn phải được trồng ngay cù lao Tân Triều", ông Đáng khẳng định.

Muốn thưởng thức hương vị đặc trưng cũng như cách làm kinh tế hiệu quả từ bưởi đường lá cam, ông Đáng gợi ý: Không có nơi nào thích hợp hơn Khu du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều Năm Huệ do ông Huỳnh Đức Huệ đang quản lý.  

img
img

"Bưởi đường lá cam ngon nhất vẫn phải được trồng ngay cù lao Tân Triều", ông Đáng khẳng định.

Làng bưởi Tân Triều mùa này không phải chính vụ. Bưởi cho thu hoạch chỉ có lác đác ở một số vườn. Riêng vườn bưởi của ông Năm Huệ (tên thường gọi của ông Huỳnh Đức Huệ) lúc nào trái cũng lủng lẳng đầy cành.

"Khách tìm đến khu du lịch vườn bưởi mà không có bưởi là dễ bị ...ăn chửi", ông Năm Huệ cười khà khà mở đầu câu chuyện.

Là nông dân "nòi", ông Năm Huệ năm nay đã 79 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và rắn rỏi lắm. Ông kể, gia đình vốn là dân cố cựu, đã qua 6 đời tại ấp cù lao. 

Ông Huỳnh Đức Huệ, chủ Khu du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều

Ông Huỳnh Đức Huệ, chủ Khu du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều

Ban đầu, ông chỉ nghĩ mình gìn giữ đất tổ tiên để bảo vệ cái gốc của tiền nhân. Nhưng càng ngày, tình yêu với những cây bưởi đường lá cam cứ tăng dần theo năm tháng.

Hồi đó ông cũng trồng cả 2 giống bưởi đường lá cam và bưởi đường cao nốm. Lần hồi, giống bưởi cao nốm bị thoái hóa nhiều, cũng không chịu được độ ẩm cao trong vùng canh tác Tân Triều vốn trũng thấp. Trong khi giống bưởi đường lá cam lại phát triển tốt nhờ chịu được thời tiết khắc nghiệt.

“Mình không ham trái lớn, giá cao mà quay lưng với giống bưởi đặc sản của quê hương”

Người làng bưởi vẫn giữ truyền thống tính một chục bằng 12 trái chứ không phải chục 10 trái. Có giai đoạn, bưởi da xanh được thị trường ưa chuộng vì trái lớn, giá bán cao. Nhiều người khuyên ông Năm trồng thêm bưởi da xanh để tăng thu nhập. Ông chỉ khẽ cười: "Mình không ham trái lớn, giá cao mà quay lưng với giống bưởi đặc sản của quê hương".

Nhiều năm chắt chiu kinh nghiệm, ông Năm hiểu giống bưởi này khó tính lắm. Để trồng ra trái bưởi ngon thì người trồng cũng phải cứng tay nghề. Nhất là phải trồng đúng giống bưởi này, trên đất phù sa này thì mới ra được cái chất, cái vị của quê hương Tân Triều.

Hồi sinh làng bưởi Tân Triều

"Không phải tài cán gì, hồi xưa tôi cũng quần quật làm lúa để sinh nhai đó chớ", ông Năm Huệ kể về hành trình lập nghiệp. Nhưng ấp Tân Triều đất hẹp người đông nên làm lúa hay trồng hoa màu có giỏi cách mấy cũng không khá được. Chỉ đến khi ông mở cơ sở xay xát lúa gạo đầu tiên trong vùng, kinh tế mới đỡ vất vả.

Điều kiện ở thôn quê không đầy đủ trong khi 5 đứa con ngày càng lớn và ham học, ông Năm lại bỏ nhà máy lúa dẫn con về thành thị. Ông là người đầu tiên mở cửa hàng kinh doanh xe gắn máy trên đất Biên Hòa.

img
img

Năm nay đã 79 tuổi, ông Năm Huệ vẫn trực tiếp quản lý công việc trong khu du lịch từ chăm sóc bưởi đến kinh doanh.

Vì sao người trong làng bưởi hay gọi ông là ông "Năm gàn"?

Tôi không được học hành nhiều, chỉ có mỗi đức tính cần cù và cũng hơi gàn một tý vì thích đi ngược dòng. Những năm 1980, nhiều người đi kinh tế mới, rời thành phố về các miền nông thôn lập nghiệp thì tôi từ nông thôn ngược về thành thị. Chục năm sau, khi nhiều người đổ về các thành thị lớn làm ăn thì tôi lại bỏ phố, ngược về quê nhà.

Đánh một vòng từ nông thôn lên thành thị rồi lại quay về nơi chôn nhau cắt rốn, tôi chỉ coi mình như kẻ ở trọ thị thành đặng lo cho con cái ăn học.

img
img

"Khi vườn bưởi ra hoa, kết trái thì bị thương lái ép giá. Tôi nảy ra ý định: Phải làm thương hiệu cho bưởi đường lá cam Tân Triều"

Vậy ông bắt đầu cơ duyên với trái bưởi từ lúc nào?

Má tôi có thửa đất 0,5ha; muốn giao lại để tôi cho thuê, kiếm thêm thu nhập. Tôi không cho thuê mà chọn cách cực nhọc hơn là đầu tư trồng bưởi.

Bưởi có mặt từ lâu trên đất Tân Triều nhưng hồi đó chưa có ai làm chuyên canh. Người dân chỉ trồng số ít trên gò đất cao hoặc lẫn trong vườn tạp. Tôi trồng 500 gốc bưởi đầu tiên, ai cũng nói mình làm liều. Mà thiệt tình, tôi làm mương thủy lợi xong rồi xuống cây giống. Nước sông ngập vô vườn, bưởi chết gần hết.

Nhưng việc đó không hề hấn gì. Chuyện khiến tôi bận lòng nhất là khi vườn bưởi ra hoa, kết trái thì bị thương lái ép giá. Tôi nảy ra ý định: Phải làm thương hiệu cho bưởi đường lá cam Tân Triều. Nghĩ là làm, tôi xách theo giỏ bưởi, lặn lội tới các siêu thị lớn ở TP.HCM để giới thiệu đặc sản của quê mình.

Du khách tìm về Làng bưởi Tân Triều để tìm lại nét duyên quê mộc mạc, bình dị. Ảnh Bùi Chu

Du khách tìm về Làng bưởi Tân Triều để tìm lại nét duyên quê mộc mạc, bình dị. Ảnh Bùi Chu

Việc tiếp thị thủ công như thế có mang lại hiệu quả gì không?

Hiệu quả thì cũng có. Nhưng đến một ngày, tôi phát hiện trên kệ của một siêu thị nọ đặt bán bưởi Tân Triều là hàng giả, tôi buồn lắm. Lúc trước chẳng ai quan tâm, đến hồi bưởi Tân Triều có chút tiếng tăm rồi thì bị làm giả.

Tôi nghĩ đến lúc phải thay đổi cung cách mua bán. Mình phải hướng tới sự chú ý và nhu cầu của khách, tạo sự hấp dẫn để người dùng tự vào vườn mua bưởi ăn chứ không qua mối trung gian thương lái nào cả. 

Làm du lịch để giữ hồn cho làng bưởi Tân Triều

Clip: Không xuất khẩu để giữ uy tín chất lượng cho bưởi Tân Triều

 Sau 7 năm cải tạo vườn bưởi cho "ra ngô ra khoai", năm 2001, Khu du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều đầu tiên ra đời. Năm 2013, Khu du lịch của ông Huệ được Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam công nhận điểm đến ấn tượng tốp 100 và Thương hiệu du lịch văn hóa tốp 10. Từ lúc bắt đầu mở cửa đón khách đến nay đã tròm trèm 20 năm rồi.

Là một nông dân "tay ngang" làm du lịch, chắc ông khởi nghiệp cũng nhiều nhiêu khê?

Tôi mở khu du lịch là để bán trái bưởi đạt chuẩn ngon cho du khách. Ban đầu, thấy mình dựng cái chòi trong vườn bưởi, nhiều người không hiểu nên cười chê dữ lắm. Tôi cứ âm thầm làm logo, đăng ký nhãn hàng rồi tự mình lên ý tưởng từ dáng cái mái lá đến cái kệ trưng bày sản phẩm.

Khởi sự chỉ là mô hình đơn giản, tôi mời khách đến ăn bưởi, uống trà. Khách mua 10 trái tôi cũng mời trà, mà mua 1 trái cũng vậy. Rồi tôi mở thêm gian bếp, chế biến vài món ngon từ bưởi cho người ta thưởng thức. Các món trà bưởi, nước bưởi, rượu bưởi, chè bưởi,... cứ thế ra đời.

img
img

Ông Năm Huệ và hình mẫu chiếc bình rượu bưởi được nặn thủ công bằng đất của quê hương.

Các món ăn, thức uống này là ông tự nghĩ ra ạ?

Đúng rồi. Bưởi đường lá cam là loại cây đặc hữu của đất Tân Triều, cũng không phải là loại trái chỉ dùng để chấm muối ớt ăn cho ...đỡ lạt miệng.

Bưởi thì có trên vườn; tôm, cá, gà, vịt thì nuôi sẵn dưới kênh. Các món gà nấu bưởi, ốc hấp bưởi, lươn nướng lá bưởi… kết hợp dân dã mà hài hòa.

Đã là bưởi đặc sản thì đừng trả giá. Anh chị có ngon trả giá nữa đi, tui biếu không thêm một trái nữa bây giờ”

Riêng món rượu bưởi cũng phải kỳ công ngâm ủ. Rượu bưởi lại đựng trong… trái bưởi. Tôi nhờ thợ sành, sứ chế tạo bình đựng có hình trái bưởi bằng đất của quê hương. 

Bình đựng rượu của Năm Huệ được vẽ thủ công. Cái núm bình phải hơi vẹo một tý mới đúng vì bưởi mọc thành chùm nên luôn luôn vẹo đầu. Vậy, giữa hàng trăm vườn du lịch sinh thái như hiện nay, vườn bưởi Tân Triều Năm Huệ phải có điểm nhấn nào đặc biệt, thu hút khách hơn chứ?

img
img

Ông Năm Huệ là người đầu tiên làm thương hiệu cho bưởi Tân Triều

Nhiều lần, khách hàng đến mua bưởi nhưng do thói quen cứ thích trả giá. Tôi nhẹ nhàng mặc cả lại: "Đã là bưởi đặc sản thì đừng trả giá. Anh chị có ngon trả giá nữa đi, tui biếu không thêm một trái nữa bây giờ". Họ nghe xong mới bật cười vì cái cách bán hàng của mình.

Tôi nghĩ nếu có khác biệt là nét dân giã, chân quê mà mình cố gắng gìn giữ. Nhìn lại chặng đường dài, có lẽ khách vẫn yêu mến lão nông này nên tìm đến vườn ngày càng đông. Mỗi tuần, vườn đón từ vài trăm đến cả ngàn lượt khách. Có những dịp lễ, tết, khách đến với làng bưởi Năm Huệ đạt đến 2.000 người.

Từ trái bưởi đến rượu bưởi, có khách hàng sẵn lòng đặt hàng mấy container để xuất khẩu mà ông Năm Huệ đều từ chối.

Từ trái bưởi đến rượu bưởi, có khách hàng sẵn lòng đặt hàng mấy container để xuất khẩu mà ông Năm Huệ đều từ chối.

Sao ông không xuất khẩu những trái bưởi đặc sản này?

Từ trái bưởi đến rượu bưởi, có khách hàng sẵn lòng đặt hàng mấy container để xuất khẩu mà tôi đều từ chối. Bỡi vì số lượng bưởi ở Tân Triều có hạn. Nếu hợp đồng nào cũng "ôm" mà nguồn cung không đủ thì phải nhập bưởi từ nơi khác. Làm thế chẳng khác nào... tự sát.

Tôi từng làm nông, từng bị ép giá nên mới quyết định tự trồng, tự cung cấp để đảm bảo chất lượng. Mở rộng diện tích thì dễ chứ giữ cho chất lượng ổn định và ngày càng tốt hơn thì khó lắm. 

Bưởi Tân Triều đã có chỉ dẫn địa lý nhưng chưa có các biện pháp triển khai cụ thể nên chưa thể truy xuất nguồn gốc

Bưởi Tân Triều đã có chỉ dẫn địa lý nhưng chưa có các biện pháp triển khai cụ thể nên chưa thể truy xuất nguồn gốc

Gỡ điểm nghẽn cho Làng bưởi Tân Triều

Ông Bùi Văn Đáng – Chủ tịch Hội Nông Dân xã Tân Bình kể, ông Năm Huệ được biết đến như người có công lớn trong việc xây dựng thương hiệu cho bưởi Tân Triều. Từ khi tạo dựng được thương hiệu, ông Năm không còn lo lắng tìm đầu ra cho bưởi.

Khi các đơn đặt hàng với bưởi Tân Triều ngày càng nhiều hơn, ông Năm lại thuyết phục bà con quay về với giống bưởi đặc sản của địa phương, hướng dẫn cách làm hoặc bao tiêu sản phẩm. Càng ngày càng có nhiều người làm bưởi giỏi, hương vị nức tiếng của làng bưởi Tân Triều ngày càng vươn xa.

Càng ngày càng có nhiều người làm bưởi giỏi, hương vị nức tiếng của làng bưởi Tân Triều ngày càng vươn xa.

Càng ngày càng có nhiều người làm bưởi giỏi, hương vị nức tiếng của làng bưởi Tân Triều ngày càng vươn xa.

"Hiện nay, bưởi Tân Triều đã có chỉ dẫn địa lý nhưng chưa có các biện pháp triển khai cụ thể nên chưa thể truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là điểm khó khăn khiến khách hàng dễ bị nhầm lẫn bưởi đường lá cam nơi khác với bưởi trồng chính gốc ở Tân Triều", ông Đáng nói.

Thực hiện: Nguyên Vỹ

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem