Dân Việt

Tuyên Quang: Nhà bè thời Covid-19, dòng sông Lô vắng lặng, người nuôi cá đặc sản buồn tênh

Thùy Lê 24/08/2021 05:26 GMT+7
Cuộc sống người dân nhà bè ở thành phố Tuyên Quang vốn đã khó khăn giờ lại đang phải oằn mình chống chọi với những tác động xấu từ dịch bệnh Covid-19. Những nhà hàng nổi một thời tấp nập khách, tạo việc làm cho người lao động thì nay vắng lặng, buồn tênh.
Nhưng người khu vực nhà bè bảo rằng, đó chỉ là sự “đứt gãy” tạm thời, mai này dịch bệnh đi qua, nơi này sẽ trở thành điểm đến thú vị...
Tuyên Quang: Cuộc sống nhà bè thời Covid-19, dòng sông Lô vắng lặng, người nuôi cá đặc sản buồn tênh - Ảnh 1.

Một góc xóm nhà bè thuộc phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang).

Gắn bó với dòng sông

Chiều đến, ánh mặt trời lấp lánh dòng Lô đẹp đến lạ, làm say lòng người... Nơi này sẽ trở thành điểm đến thú vị khi đường hai bờ sông Lô hoàn thành trong tháng 10 tới kết nối với cầu Tình Húc tạo điểm nhấn du lịch cho thành phố trẻ. Khu nhà bè “có cửa” phát triển dịch vụ khi dịch bệnh qua đi. 

Ông Nguyễn Hữu Thọ, dân sống ở nhà bè thuộc phường Tân Quang tin tưởng như vậy. Ông bảo, dịch dã đến là khổ, tự nhiên ông rơi vào cảnh thất nghiệp...

Ông Thọ buông tiếng thở dài nhưng rồi lại nở nụ cười khi nhìn về phía hai bờ dòng Lô chảy qua lòng thành phố. Nhà ông có 4 đời sinh sống ở khu nhà bè này, xưa thì gian khổ lắm, sông Lô mùa hạ như con thú dữ dằn kinh sợ, nhà ông cũng như bao hộ nhà bè khác mất nhà cửa do nước lũ cuốn trôi.

Thành phố, phường vận động lên bờ nhưng cuộc sống sông nước ngấm vào thớ thịt ông, ngấm vào khối óc ông nên không thể xa nơi này được. Khổ cũng bám sông mà sống. 

Từ khi thủy điện Tuyên Quang hoàn thành, bài toán trị thủy cho vùng hạ du được giải, cuộc sống dân vạn chài đỡ khổ hơn, sông Lô không còn lũ dữ nữa, dân vạn chài an cư, lạc nghiệp. 

Ông Thọ làm được ngôi nhà nổi khang trang nhờ làm đủ nghề, nhưng ổn định nhất là làm bảo vệ cho các nhà hàng nổi trên sông, thu nhập khá, vợ con ông cũng vơi đi khó nhọc. Nhưng dịch Covid-19 ập đến, các nhà hàng nổi trên sông đóng cửa, ông mất việc làm, trở thành người thất nghiệp.

Ông trầm ngâm, đôi mắt đọng lại bao buồn vui cuộc sống. Ông bảo, thất nghiệp thì về phụ vợ đi bán hàng rau, con dâu bán hàng hoa ở chợ Tam Cờ. 

Chợ đêm tấp nập, giờ Covid-19 cũng giảm hẳn lượng khách, ông cùng vợ đi giao hàng cho các quán nhỏ, giao đến tận các gia đình, cuộc sống vì thế cũng không khó khăn quá. 

Rồi ông Thọ kể về hành trình cứu người chết đuối trên sông, bản thân ông vượt qua định kiến dân vạn chài mà vớt người chết đuối thì phải đền mạng để cứu sống mấy mạng người. Người ta buồn đủ thứ trên đời này, thế là nhảy cầu quên thân. Ông vội bơi thuyền ra, lôi vào. Rồi chuyện ông tham gia tổ an ninh trật tự của phường, giải quyết hàng loạt các vụ việc nổi cộm, được UBND tỉnh tặng Bằng khen. 

Tuyên Quang: Cuộc sống nhà bè thời Covid-19, dòng sông Lô vắng lặng, người nuôi cá đặc sản buồn tênh - Ảnh 3.

Ông Lê Mạnh Tuấn, tổ 6, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) tiếp tục duy trì nuôi 2 lồng cá để phục vụ nhu cầu gia đình.

Ông giữ tôi ở lại ăn cơm, ông sẽ nấu món cá sông thết đãi nhà báo. Cá nhà ông nuôi một lồng, chỉ để ăn thôi nhưng sau này du lịch phát triển phải tính hướng mới. 

Ông sẽ đầu tư thuyền đưa khách thăm thú dòng Lô, rồi tổ chức nấu ăn với các loại cá ngon, gà ngon mà ông tự nuôi, hẳn khách sẽ rất thích thú. 

Đúng, dòng Lô đẹp thế này, chúng ta phải khai thác hiệu quả để mang lại giá trị cho cuộc sống này. Đó là hành trình của giấc mơ tô thắm thêm khát vọng đổi thay của ông Thọ cũng như dân nhà bè trên sông Lô khu vực thành phố Tuyên Quang.

Khắc phục gian khó

Dân nhà bè thành phố sống tập trung ở các phường Minh Xuân, Tân Quang và Nông Tiến. Những chòm xóm nơi sông nước có lẽ là nét độc đáo để tạo thêm một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách khi đến tham quan thành phố mình.

Ông Lê Mạnh Tuấn, tổ 6, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) rót chén trà đặc mời khách. Ông bảo, dịch bệnh đến là khổ, bởi nhiều người dân nhà bè sống bằng nghề cá, cung cấp cho các nhà hàng. 

Nhưng dịch bệnh khiến nhà hàng đóng cửa hết thì bán cho ai. Nhưng thôi, đó là cái khổ chung rồi, thế nên con cái ông túa đi khắp nơi tìm việc, có việc gì làm việc đó, miễn là có thu nhập.

Ông vẫn cố giữ nghề cá, sau này hết dịch làm lại từ đầu, các nhà hàng mở ra, ông sẵn có cá bán để tăng thu nhập.

Anh Lê Văn Sáng, tổ 4, phường Nông Tiến hiện đang là chủ của một căn hộ di động dưới sông. Sinh ra dưới bè, giờ đây việc sản xuất, phát triển kinh tế của gia đình anh cũng nương theo dòng nước. 

Thế nhưng mấy tháng nay, 13 lồng cá với gần 2.000 con các loại của anh khó bán do dịch bệnh phức tạp, việc đi lại giao thương bị hạn chế, sức mua của người dân cũng giảm mạnh. 

Đã có lúc, anh mong muốn có một mảnh đất định cư, sống cuộc sống ổn định trên bờ. Nhưng nhìn lồng bè đàn cá tung tăng bơi lội thế này, sao nỡ bỏ nghề. Anh cố bám nghề, vững tin vào ngày mai dịch sẽ hết, các hoạt động dịch vụ sôi động trở lại, cá nhà anh sẽ bán hết.

Tuyên Quang: Cuộc sống nhà bè thời Covid-19, dòng sông Lô vắng lặng, người nuôi cá đặc sản buồn tênh - Ảnh 5.

Người dân khu nhà bè tổ 6, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) kéo tời đưa bè ra sông khi nước cạn.

Người dân nhà bè đã quen với những khắc nghiệt của thiên nhiên nên dù vất vả, gian khổ đến mấy, họ vẫn không lùi bước. Gia đình chị Lê Thị Thanh Tuyền là một hộ khó khăn của phường Minh Xuân. 

Chị sống nhờ nhà bố mẹ dưới bè cùng 2 cậu con trai, cậu lớn vừa học xong lớp 12, cậu bé mới gần 18 tháng tuổi. Làm nghề bóc hành tỏi thuê, ngày bình thường, chị có thể bóc được 30 kg hành, tỏi. 

Thế nhưng dịch bệnh khiến nhiều nhà hàng, quán xá phải đóng cửa, nên giờ mỗi ngày chỉ có thể làm từ 15 - 20 kg. Thậm chí có những hôm chị không có việc để làm. 

Dù là lao động chính trong gia đình, nhưng công việc bóc hành, tỏi thuê của chị cũng chỉ đủ để nuôi người con lớn ăn học. “Giờ con muốn đi học nghề gì, thì mình cho đi học cái đấy. Cố gắng để con vượt qua cái bóng của mình, hy vọng đói nghèo không còn quẩn quanh” - chị Tuyền nói. 

Vì thu nhập giảm, cuộc sống khó khăn hơn nên chị lại nỗ lực tăng gia. Chị nuôi thêm một vài con gà, tận dụng nguồn nước thả cá lồng dưới sông, trồng thêm một vài luống rau muống nước trên sông để cải thiện cuộc sống.

Phường Tân Quang hiện có 22 hộ sống khu nhà bè, gần 90 nhân khẩu và 2 hộ kinh doanh nhà hàng nổi trên sông. Do điều kiện sinh sống đặc biệt nên chính quyền địa phương thường xuyên rà soát, giúp đỡ kịp thời các hộ khó khăn đột xuất bằng những hình thức cụ thể như liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ khó khăn; hỗ trợ vật tư sửa chữa nhà bè; tổ chức thăm hỏi, tặng quà... 

Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường, hiện nay trên địa bàn phường không còn hộ sống trên nhà bè là hộ nghèo.

Ông Vũ Văn Dương, tổ 3, phường Tân Quang chia sẻ, tháng 9-2020 vừa qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và doanh nghiệp, gia đình ông đã được hỗ trợ 90 triệu đồng để làm nhà bè mới. 

Đối với gia đình ông, căn nhà sung túc ấy đủ để ông không phải lo chèo chống đến mất ngủ những ngày mưa to gió lớn. Ông tin rằng, với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi, bình yên sẽ lại về trên những căn nhà nổi trên sông…

Bên cạnh sự giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, bà con cư dân xóm nhà bè vẫn đang nỗ lực vượt khó.

Dịch bệnh sẽ qua đi, cuộc sống của người dân nhà bè sẽ thay đổi. Họ luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền, của cộng đồng, đó là động lực để họ vươn lên. Không gian đô thị đang được thành phố quy hoạch, các khu nhà bè cũng sẽ được chỉnh trang, tạo điểm nhấn hấp dẫn du khách khi đến tham quan thành phố Tuyên Quang.