Kiên Giang: Ở nơi này nuôi cá bớp, cá bống mú trên biển bắt toàn con to bự, xách lên ai cũng trầm trồ

Chủ nhật, ngày 04/07/2021 19:00 PM (GMT+7)
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn cá dồi dào, nghề nuôi cá lồng bè trên xã đảo Thổ Châu, TP Phú Quốc (Kiên Giang) đang phát triển mạnh, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi xã đảo tiền tiêu của Tổ quốc...
Bình luận 0

Nuôi cá lồng bè trên biển ở đảo Thổ Chu, xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Xã đảo Thổ Châu có tám hòn đảo lớn nhỏ, nằm cách TP Phú Quốc hơn 110 km và cách bờ vịnh Rạch Giá (Kiên Giang) hơn 200 km. 

Kiên Giang: Vùng đất nông dân nuôi cá bớp, cá bống mú trên biển bắt toàn con to bự, xách lên ai cũng trầm trồ - Ảnh 1.

Nuôi cá lồng bè trên biển ở đảo Thổ Chu, xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN.

 Nhiều năm qua, người dân ở đảo sống phụ thuộc vào nghề khai thác và nuôi thủy sản. Gần đây, nghề nuôi cá lồng bè trên biển ở đảo phát triển mạnh. 

Ông Trịnh Minh Khanh (52 tuổi, ngụ ấp Bãi Ngự, xã Thổ Châu) đang thả nuôi lứa cá bớp chuẩn bị thu hoạch cho biết: "Hiện giá cá bớp có nhích lên chút ít, khoảng 140.000 đồng/kg. Với giá này, hai bè với tám lồng cá bớp của tôi giá trị khoảng 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí cho lãi từ 400 đến 500 triệu đồng".

Ông Khanh cho biết thêm, cuối năm 2019 và trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ cá nuôi gặp nhiều khó khăn. Giá cá bớp giảm chỉ còn 120.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm 90.000 đồng/kg. "Nhờ nguồn cá tạp làm thức ăn ở đảo giá rẻ và nhiều, người nuôi cá không bị lỗ, nhưng lãi ít", ông Khanh nói.

Còn ông Nguyễn Văn Tấn (53 tuổi, ấp Bãi Ngự) cho biết: "Ðàn cá bớp này, tôi thả nuôi hơn tháng rồi, cá phát triển tốt vì nguồn cá giống bắt trong tự nhiên. Nguồn cá tạp làm thức ăn phong phú nên cá nuôi không bao giờ sợ thiếu thức ăn". 

Ðầu tháng 3 vừa qua, ông Tấn thu hoạch xong hai bè cá bớp, lợi nhuận gần 400 triệu đồng. Ðây đã là năm thứ tư liên tiếp gia đình ông Tấn đạt mức lợi nhuận nêu trên.

Toàn xã Thổ Châu hiện có 46 hộ nuôi cá với hơn 100 lồng bè. Ngư dân chủ yếu nuôi cá bống mú và cá bớp, đây cũng là hai loại cá mà thị trường ưa chuộng và có giá trị kinh tế cao. 

Năm 2020, sản lượng khai thác và nuôi thủy sản của Thổ Châu đạt hơn 140 tấn, trong đó sản lượng cá nuôi lồng bè chiếm một phần ba, mang lại nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng cho người dân. Năm 2020 là thời điểm ngư dân đảo Thổ Châu nuôi cá trúng mùa nhất từ trước đến nay. 

Ðiều kiện thời tiết tốt, môi trường tự nhiên thuận lợi, cộng với việc ngư dân áp dụng kỹ thuật mới, kết hợp với kinh nghiệm đã mang lại thành công cho những người nuôi cá. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, thị trường tiêu thụ hạn chế, giá cá xuống thấp nên phần lãi mà người nuôi cá chưa được như mong đợi.

Nói về triển vọng của nghề nuôi cá lồng bè trên biển ở đảo xa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thổ Châu Nguyễn Thái Thông, cho biết: Chính quyền cơ sở đang tích cực tham mưu TP Phú Quốc và các sở, ngành có liên quan sớm hoàn thành quy hoạch vùng nuôi cá lồng bè trên biển, sớm có kế hoạch hỗ trợ cho người nuôi cá về vốn, kỹ thuật để nghề này phát triển ổn định, bền vững. 

"Khi đó, chúng tôi sẽ thực hiện nuôi theo quy trình để sản phẩm cá có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… cung cấp ổn định cho thị trường. Ðược thế, những người nuôi cá ở Thổ Châu sẽ không còn phập phồng lo tìm đầu ra, sợ giá cá giảm. 

Ngoài ra, Thổ Châu cũng kiến nghị, nên hình thành vùng nuôi cá lồng bè tập trung, nhưng giữa các bè phải có khoảng cách an toàn, để bảo đảm khả năng tự làm sạch môi trường, chủ động ứng phó khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra", ông Thông nói.

Để hỗ trợ qua lại cho những người nuôi cá lồng bè, Thổ Châu đã thành lập một tổ hợp tác nuôi cá lồng bè, hoạt động rất hiệu quả và đang tiếp tục xây dựng thêm một tổ hợp tác mới, bởi nghề nuôi cá lồng bè phát triển ngày càng tăng về số lượng. 

Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng bè ở Thổ Châu cũng xuất hiện những vấn đề khó khăn, bất cập. Phần lớn lồng bè còn thô sơ, làm bằng gỗ, khả năng chịu sóng gió kém. Tùy theo mùa, người dân nuôi cá lồng bè phải chuyển vị trí, từ Bãi Dông (từ tháng 4 đến tháng 8) sang Bãi Ngự (từ tháng 9 đến tháng 4) và ngược lại để tránh sóng, gió. 

Ngoài ra, theo kinh nghiệm nuôi của nhiều hộ dân, cá giống chủ yếu lấy từ tự nhiên, nên chưa qua khâu chọn lọc, vì vậy chưa đáp ứng những đòi hỏi về nuôi thương phẩm, đồng thời tỷ lệ hao hụt cao, cá chậm lớn. Nguồn thức ăn là các loại cá tạp nên khó bảo quản, dễ gây ô nhiễm môi trường khi nuôi tập trung và tần suất ngày một dày. Bên cạnh đó, các hộ nuôi cá chưa chú ý tới việc liên kết nhóm, chủ yếu nuôi tự phát nên hiệu quả kinh tế chưa cao và không bền vững.

Những người nuôi có lồng bè ở Thổ Châu tin rằng, khi những đề đạt của họ được chính quyền TP Phú Quốc cùng với các cơ quan của tỉnh Kiên Giang giải quyết thì nghề nuôi cá lồng bè sẽ phát triển bền vững.

LÊ QUỐC-ĐỨC BÌNH (Báo Nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem