Dân Việt

Sơn La: Bất ngờ phong tục cho cuốc, thuổng, dao quắm..."nghỉ ngơi ăn Tết" của người Mông

Tuệ Linh - Mùa Xuân 06/09/2021 05:36 GMT+7
Mưu sinh trên đồi núi đá, khó canh tác; các công cụ lao động như: Cuốc, thuổng, dao quắm…là những phương tiện sản xuất tạo ra bắp ngô, củ sắn... nuôi sống người Mông. Bởi vậy, vào dịp Tết, người Mông (Sơn La) trả ơn công cụ lao động bằng cách rửa sạch, dán giấy, dựng gọn trong nhà để chúng được nghỉ ngơi, phục sức...

Clip: Tục dán giấy lên công cụ lao động, cho nông cụ "nghỉ ngơi ăn Tết" của người Mông tỉnh Sơn La.

Theo già làng Sùng Giống Mua – người Mông Trắng ở bản Cửa Rừng (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), từ thời xa xưa, người Mông vốn ưa định cư ở vùng núi cao. Vì vậy, các công cụ lao động như: Cuốc, thuổng, dao, rìu, xẻng, xà beng, cưa… đã giúp người Mông tạo ra hạt thóc, bắp ngô, củ sắn để nuôi sống bản thân và gia đình.

Từ đó đến nay, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người Mông thường rửa sạch các công cụ lao động rồi để ở gần bàn thờ; sau đó, sẽ tiến hành dán một mẩu giấy trắng hình chữ nhật lên chúng. Việc làm này như là thông báo cho công cụ lao động được nghỉ ngơi, phục hồi lại sức cho mùa vụ mới.

Còn ông Và Sáy Di, bản Co Mạ, xã Co Mạ thì bảo: Công cụ lao động là phương tiện sản xuất không thể thiếu của người Mông. Nó gắn liền với truyền thống sản xuất của chúng tôi từ bao đời nay. Nhờ công cụ lao động, người Mông đã "bắt" đất đá cằn cỗi tạo ra lương thực. Vì lẽ đó, chúng tôi coi công cụ lao động như người thân trong gia đình.

Tục trả ơn công cụ lao động của người Mông - Ảnh 2.

Ông Và Sáy Di cắt giấy chuẩn bị dán lên công cụ lao động. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo ông Di, sau một năm lao động vất vả, đến Tết công cụ lao động sẽ được cho nghỉ ngơi như con người. Thường thì người đàn ông – trụ cột trong gia đình sẽ có trách nhiệm rửa sạch công cụ lao động và sử dụng mẩu giấy trắng tự làm của người Mông cắt thành từng mẩu hình chữ nhật có răng cưa ở một đầu; đầu còn không cắt sẽ được dán lên công cụ lao động.

Công cụ lao động sau khi được dán giấy sẽ được nghỉ ngơi như con người. Thông thường, chúng sẽ nghỉ từ mùng 1 Tết đến hết mùng 3, 4, 5, tuỳ từng hộ gia đình quy định khác nhau. 

Cũng chính vì vậy, người Mông mới có thêm tục kiêng sử dụng công cụ lao động ngày Tết, nhất là mùng 1, 2, 3. Từ mùng 4, 5 người Mông sử dụng công cụ lao động để ra quân sản xuất mùa vụ mới.

Tục trả ơn công cụ lao động của người Mông - Ảnh 3.

Ông Và Sáy Di cho rằng việc dán giấy lên công cụ lao động thể hiện sự trả ơn của con người với chúng, bởi công cụ lao động đã góp phần giúp con người tạo ra lương thực nuôi sống bản thân và gia đình. Ảnh: Mùa Xuân.

"Việc dán giấy cho công cụ lao động nghỉ ngơi thể hiện sự trả ơn của con người đối với công cụ lao động. Vì chúng đã giúp khai phá được nương, ruộng tạo ra lương thực, thực phẩm nuôi sống con người và đàn gia súc, gia cầm", ông Di tiết lộ.

Nói xa hơn, ngày xưa cho đến nay, công cụ lao động không chỉ giúp người Mông tạo ra lương thực nuôi sống người thân, gia đình; mà còn giúp người Mông chặt cây tre, xẻ khúc gỗ để làm nhà cửa để ở, chuồng trại chăn nuôi gia súc.

Tục trả ơn công cụ lao động của người Mông - Ảnh 4.

Bà Vừ Thị Xinh dán giấy lên công cụ lao động. Ảnh: Mùa Xuân.

Bà Vừ Thị Xinh, bản Cửa Rừng, xã Co Mạ, chia sẻ: Người Mông quan niệm mọi vật đều có linh hồn và công cụ lao động cũng vậy. Khi được dán giấy, công cụ lao động được để cạnh bàn thờ - nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của người Mông. Mặt khác, ông bà, tổ tiên sẽ phù hộ cho con cháu sang năm mới sử dụng trong lao động sản xuất một cách an toàn, hiệu quả hơn.

"Các thành viên trong gia đình khi sử dụng con dao, cái rìu để canh tác mùa vụ mới sẽ không bị thương ở chân, tay. Xẻng, cuốc khi làm ruộng, tra hạt ngô sẽ nâng cao năng suất hơn so với năm trước. Nhờ đó, cái đói, cái nghèo sẽ dần được đẩy lùi", bà Xinh bảo vậy.

Tục trả ơn công cụ lao động của người Mông - Ảnh 5.

Công cụ lao động được đặt bên cạnh bàn thờ - nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của người Mông. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo ông Sùng Chờ Nó, Bí thư Đảng uỷ xã Long Hẹ (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), việc dán giấy lên công cụ lao động của người Mông là tục có từ lâu đời của người Mông. Trước đây, cứ nhà nào có công cụ lao động nhiều nhất thì chứng tỏ hộ đó có thóc, ngô nhiều nhất.

Ngày nay, nhờ công cụ lao động và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên đời sống của bà con đồng bào Mông ở vùng cao đã no ấm hơn trước rất nhiều. Từ đó, một số hủ tục lạc hậu đã dần dần được loại bỏ; người Mông vùng cao không nghe kẻ xấu xúi giục, biết bảo ban nhau lao động sản xuất, xây dựng bản làng ngày một phát triển.

"Tín ngưỡng về công cụ lao động trong bao đời qua của người Mông ở Tây Bắc là một trong những nét văn hoá đặc sắc, nhân văn ở vùng cao. Chính tín ngưỡng này đã giúp người Mông hiểu được rằng không có thần thánh nào có thể giúp con người làm ra của cải vật chất. Muốn nó ấm, hạnh phúc thì phải lao động và phải biết yêu quí, biết chăm sóc những vật dụng lao động đã giúp mình thoát đói, thoát nghèo, làm giàu chính đáng" - ông Nó bảo vậy.