Dân Việt

Kể chuyện làng: "Tứ đại đồng đường" với tình yêu nghệ thuật chèo trên quê hương Lê Hồ

Thanh Tùng 01/09/2021 06:35 GMT+7
Hiếm có vùng quê nào như thôn Phương Thượng (xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) có một gia đình với bốn thế hệ cùng nhau hát chèo.

Trong căn nhà nhỏ, nơi sinh sống của gia đình nghệ nhân Hoàng Văn Hởi lúc nào cũng sôi động rộn rã bởi tiếng đàn, tiếng hát. Các thành viên trong gia đình, mỗi người một nhạc cụ, một vai diễn, ai nấy đều thả hồn, "phiêu" theo những nhịp, phách, lời hát luyến láy của vở chèo.

Những dịp quây quần, cùng nhau biểu diễn, thưởng thức nghệ thuật hát chèo truyền thống như thế này diễn ra thường xuyên ở gia đình ông. Ngược dòng thời gian, người nghệ nhân già hồi tưởng và kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đầy duyên nợ của mình với chèo.

Ông kể: "Từ thuở còn thơ, tôi đã được nghe, được dạy hát chèo từ bà cô là nghệ nhân Nguyễn Thị Đại, khi đó bà thường xuyên đảm nhận các vai đào chính trong gánh chèo "Hai Chưng", cùng thời và là bạn diễn của bà Trùm Bách". Có lẽ chính những năm tháng được sống với câu ca, lời hát của chèo đã nuôi lớn tình yêu với chèo của cậu bé 9 tuổi ngày ấy".

Năm 1966, trong bối cảnh toàn dân tộc đoàn kết kháng chiến chống Mỹ, ông nhập ngũ và trở thành hạt nhân chính trong phong trào văn nghệ của đơn vị. Chính sự tham gia tích cực và sáng tác những bài hát chèo động viên tinh thần chiến đấu đã giúp ông và các đồng đội vượt qua gian khổ để quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Năm 1970, ông trở về quê hương và xây dựng gia đình. Ông may mắn có bố vợ và dì ruột của vợ đều là những nghệ nhân có tiếng của "chiếu chèo Nam" trước đây, truyền dạy thêm các bài chèo cổ và khuyến khích ông tham gia hát chèo.

Chiến tranh kết thúc, đất nước bước và thời kỳ đổi mới, do đó các thể loại sân khấu và ca nhạc phần nào lấn át tiếng hát của chèo. Tuy nhiên, ông vẫn ngày ngày say mê tìm tòi, luyện hát với mong muốn vực dậy đội chèo của quê hương.

Năm 1997, sau khi tái thành lập tỉnh Hà Nam, câu lạc bộ "Hát dân ca và chèo ra đời". Khi đó, ông Hởi được giao trọng trách là Phó Chủ nhiệm CLB phụ trách biên tập, đạo diễn và truyền dạy. Câu lạc bộ với hạt nhân là các Nghệ nhân Ưu tú của các xã trong huyện gồm 30 thành viên từ đó dần hình thành và phát triển. Các tích chèo cổ trong: Quan Âm Thị Kính, Đôi Ngọc Lưu Li, Lưu Bình Dương Lễ... dần trở thành món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ hội của người dân Lê Hồ.

"Tứ đại đồng đường" trên quê hương Lê Hồ - Ảnh 1.

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Hởi và nhạc công Nguyễn Trần Qua là hai "cây cao bóng cả" của chiếu chèo Lê Hồ. (Ảnh NVCC)

Dưới bàn tay đào tạo của người Nghệ nhân Ưu tú, hơn 150 học trò đã được ông truyền dạy và mang những câu ca, điệu múa của chèo Lê Hồ đi biểu diễn nhiều nơi. Trong số đó, có những học trò rất đặc biệt, đó chính là những người con, người cháu, những thành viên trong đại gia đình "nghệ thuật".  

Được thừa hưởng gen di truyền từ người cha đáng kính, con trai và con gái ông Hởi là anh Hoàng Minh Phúc và chị Hoàng Thị Uyên đều là những người yêu chèo và có năng khiếu với môn nghệ thuật dân gian từ tấm bé. Từ lâu, họ đã trở thành những diễn viên chính không thể thiếu của CLB trong mỗi lần biểu diễn.

Vừa thừa hưởng năng khiếu của ông bà, bố mẹ lại sớm được tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ, cháu nội ông Hởi, con gái anh Phúc hiện đang học lớp 12 cũng giỏi hát chèo và được kỳ vọng sau này sẽ là thế hệ tiếp nối truyền thống của đất chèo Lê Hồ. Không những thế, tình yêu hát chèo của các thành viên trong gia đình ông Hởi còn lan tỏa, thu hút nhiều người trong và ngoài tỉnh tìm đến học hỏi. 

Chị Hoàng Thị Uyên - con gái ông Hoàng Văn Hởi cho biết: "Hàng năm, bố tôi hay mở lớp dạy học, trước kia tôi cũng chỉ biết nghe, nhưng tôi nghe nhiều thì ngấm và thích. Tôi sang học bố, dần dần chèo cứ ngấm vào con người tôi từ lúc nào không hay. Tôi cũng muốn cố gắng học để lưu giữ nét văn hóa truyền thống của gia đình".

Nghệ nhân Nguyễn Thị Sao - Chủ nhiệm CLB chèo Lê Hồ chia sẻ: "Nghe thấy thầy dạy mà tôi thầm cảm phục. Tôi tìm hiểu và học thầy đến nay đã gần 10 năm. Thầy dạy rất tỉ mỉ. Từ phách, câu hát, phải thật tròn vành rõ chữ. Học chèo rất khó nhưng đã mê rồi thì nó như thói quen, không thể nào bỏ được".

"Tứ đại đồng đường" trên quê hương Lê Hồ - Ảnh 2.

"Đạo diễn nông dân" với những đứa con tinh thần của mình. (Ảnh Thanh Tùng)

Giờ đây, khi đã bước sang tuổi 75 nhưng ông Hởi vẫn hăng say với những làn điệu chèo. Ngoài nắm vững các tích chèo cổ, ông còn cải biên, sáng tác ra những bài chèo mới, bắt kịp xu thế của người trẻ. Dưới bàn tay của người "đạo diễn nông dân", các vở chèo như được khoác lên một màu áo mới.

Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú và các giải thưởng cao quý cùng CLB chèo Lê Hồ như: Huy chương Bạc cho tác phẩm "Đất chuyển" tại Liên hoan hát chèo không chuyên toàn quốc, Giải Ba với một tác phẩm về đề tài nông nghiệp - nông thôn trong Hội thi Liên minh Hợp tác xã cụm miền Bắc, hai giải Bạc cho hai tác phẩm "Mùa lúa ơn Bác" và "Hát mừng Đảng quang vinh tại Liên hoan các CLB dân ca và chèo tỉnh Hà Nam... là những phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp của ông với nền nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Với ông Hởi, niềm vui mỗi ngày chỉ đơn giản là được đàn được hát, được sống với niềm đam mê hát chèo. Ước mong của người nghệ nhân là gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật hát chèo cổ của cha ông cho muôn đời sau.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!