Kể chuyện làng: Hồi ức về món chè đỗ đen của mẹ

Trà My Thứ bảy, ngày 28/08/2021 06:15 AM (GMT+7)
Trong lúc đợi chè sôi, mẹ bảo tôi đi hòa bột sắn dây đợi khi chè đỗ đen gần chín thì đổ vào. Hóa ra, đây mới là bí quyết để chè đỗ đen của mẹ được sánh mịn.
Bình luận 0

Dưới ánh nắng chói chang của mùa hè, tôi nhớ lại hình ảnh mẹ hì hục vào bếp nấu cho cả nhà một nồi chè đỗ đen. Giọt mồ hôi lăn dài trên gò má của mẹ làm tôi thấy thương, thương cho những vất vả mà mẹ luôn giấu kín. Từng ăn rất nhiều món chè nhưng chợt nhận ra nồi chè của mẹ ngọt lịm đến lạ thường.

Những người xa quê họ thường hay hoài niệm. Nhớ tới kỷ niệm cũ đã gắn bó với họ, trở thành một dấu ấn khó phai. Tôi cũng vậy. Tôi thích nhìn mẹ nấu chè. Vì lúc này tôi mới có dịp nhìn kỹ gương mặt của người phụ nữ đã gồng gánh nắng mưa. Nhìn đôi bàn tay gầy gò cầm đũa đảo những hạt đỗ, đôi mắt cay nhòe vì khói bếp nhưng vẫn cười bảo tôi rằng: "Thời tiết nóng bức, ăn một bát chè cho mát con ạ! Khi nào chè nguội con cho vào chỗ mát giúp mẹ không nó thiu thì phí".

Kể chuyện làng: Hồi ức về món chè đỗ đen của mẹ - Ảnh 1.

Để nấu chè đỗ đen không thể thiếu những hạt đậu tròn đều, mềm bùi. (Ảnh: Trà My)

Món chè đỗ đen ngày trước không phổ biến như bây giờ. Trẻ con vùng nông thôn chúng tôi thi thoảng mới được ăn vì phải đợi cho hạt đỗ đen nhiều nhiều một chút thì mới có thể nấu đủ một bữa cho cả nhà. Mẹ kể với tôi rằng, tuy nhà không trồng được cây đỗ đen nhưng cũng được bác làm cùng mẹ cho. Nhìn những hạt đỗ đen bóng bẩy như vậy nhưng cũng không phải dễ dàng để có. Mấy lần mẹ thử trồng mà không được. Thành thử ra tôi thấy công việc của những bác nông dân thật sự khó khăn và kiên trì.

Để làm ra được một nồi chè sánh đặc, hạt dẻo không vỡ có lẽ cần những bí quyết riêng. Theo như quan sát tôi thấy, đầu tiên mẹ đem những hạt đỗ đen rửa sạch với nước. Ngâm khoảng vài phút để có thể nhặt ra những hạt đỗ nổi lên trên vì đây thường là những hạt đỗ kém chất lượng. Sau đó vớt ra để ráo mẹ cho lên rang qua. 

Khi vỏ ngoài của những hạt đỗ hơi co lại thì đem bỏ vào trong nồi ninh nhừ. Rang đỗ sẽ giúp cho chè thơm và nhừ hơn. Ngày trước, khi bếp ga, nồi cơm điện còn hạn chế mẹ phải nhóm bếp, thổi lửa để nấu chè. Mùi khói bếp hòa lẫn với mùi chè đỗ đen chính là mùi tuổi thơ của tôi. Dù mắt có hơi cay cay nhưng nghĩ đến lúc cả nhà quây quần bên nồi chè đỗ đã khiến tôi không do dự đặt chiếc ghế gỗ bên cạnh để phụ mẹ việc lặt vặt.

Kể chuyện làng: Hồi ức về món chè đỗ đen của mẹ - Ảnh 2.

Bát chè đỗ đen có hương vị tình thân của tôi. (Ảnh: Trà My)

Thỉnh thoảng tôi thấy mẹ đổ thêm ít nước vào nồi cho đỡ cạn. Tùy vào lượng chè nấu thì có thể tùy chỉnh nước cho phù hợp, không nên cho nhiều nước sẽ khiến chè bị loãng. Thông thường, nồi chè của mẹ tôi nấu trong khoảng 20-25 phút. Thời gian không lâu nhưng lại làm tôi mất kiên nhẫn, nhất là khi mở vung nồi, mùi hương của đỗ đen tỏa ra thơm dịu, hấp dẫn vô cùng. 

Khoảnh khắc tôi nếm thử những hạt đỗ xem độ chín là khi tôi háo hức nhất. Những hạt đỗ đen lòng xanh tan trong miệng, bùi bùi và bở, ngon hơn bất cứ thức quà ăn vặt nào ở thời điểm đó. Nhớ lại, món ăn này thường chỉ xuất hiện mỗi khi cả nhà có dịp quây quần bên nhau hoặc cũng có thể là phần thưởng cho những đứa trẻ khi làm tốt việc gì đó. 

Bây giờ, chè đỗ đen là món ăn dân dã, bình dị nhưng rất nhiều người không biết rằng món ăn này từng là món quà vô giá của những đứa trẻ xóm tôi. Vị thanh mát từ hương vị của những hạt đỗ cho tới vị ngọt dịu của những viên đường phèn... khiến tôi khó có thể quên được. 

Nhà tôi thích ăn ngọt nên tôi thường nới tay bỏ thêm đường vào, khuấy đều cho đường tan rồi tắt bếp. Múc ra từng bát chè rồi đem lên cho cả nhà. Trong nhà không có đá nên tôi sai thằng Còi đi mua. Chè đỗ đen bỏ thêm đá sẽ dễ ăn hơn nhưng không hiểu vì sao, tôi lại rất thích ăn chè khi còn nóng. Vừa thổi vừa ăn sẽ khiến tôi có cảm giác giữ được chất của bát chè. Bát chè không chỉ là sự kết hợp ăn ý giữa bột sắn dây và đỗ đen mà còn là hương vị tình thân. Vì khi cả nhà được cùng nhau ngồi ăn những bát chè đỗ đen với tôi đó cũng là điều hạnh phúc giản đơn.

Kể chuyện làng: Hồi ức về món chè đỗ đen của mẹ - Ảnh 3.

Chè đỗ đen có sự đổi mới khi kết hợp các hương vị khác. (Ảnh sưu tầm)

Món chè đỗ đen ngày nay dần được cải biến nhiều hơn khi sử dụng thêm trân châu, sợi dừa, bột năng... nhưng tôi vẫn thích nhất là hương vị truyền thống. Có những niềm vui rất nhỏ bé, cầm trên tay bát chè đỗ đen cũng có thể kéo cảm xúc một người tốt lên. Bởi, chè đỗ đen có nhiều công dụng tốt, đặc biệt là vị ngọt ngào của bát chè đỗ đen mang nhiều ích lợi tới những người có tâm trạng đang không được tốt. Bạn bè tôi thường hay rủ đi thưởng thức những món chè ngoài hàng. Sự thật trong tôi vẫn thấy thiếu vị gì đó. Phải chăng là sự vắng mặt của hương vị mẹ nấu hay cũng có thể tôi là một người kén ăn.

Trong guồng quay tấp nập của cuộc sống, nhiều người không có thời gian để nấu ăn và quây quần bên gia đình. Những khi rảnh rỗi, tôi chỉ muốn rảo bước thật nhanh về với mẹ, về với nơi tôi được nhâm nhi bát chè đỗ đen nồng nàn, mặc kệ những ồn ào của cuộc sống.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem