Kể chuyện làng: Quán mì ông Nhung

Thái Bảo - Dương Đỳnh Thứ tư, ngày 25/08/2021 07:00 AM (GMT+7)
Mà lạ, cái cơ cực đầu đời ấy cứ hiển hiện về thơm lên rưng rức cả một vùng kỷ niệm.
Bình luận 0

Đã mấy chục năm rồi, cái quê nghèo Hiệp Đức khi xưa giờ đã đổi thay vươn mình thành phố thị mà sao tôi vẫn không quên được những "sắc màu mùa cũ". Cứ mỗi lần gặp một cảnh cũ, một con người xưa là tự dưng trong tôi lại dâng lên cả một miền nhớ cứ quắt quay như những đêm mưa khuya mất ngủ. 

Kể chuyện làng: Quán mì ông Nhung - Ảnh 1.

Mì Quảng. Ảnh minh họa

Sau tháng 4/1975 tôi theo mẹ về lại quê nhà Hiệp Đức. Quê nghèo sau chiến tranh cũng chẳng có gì ngoài những kỷ niệm mà mẹ tôi hằng kể. Những sông suối, triền đồi sim mua; những bãi bờ, ruộng hoang dại. Tôi mê sảng lớn lên trong háo hức khám phá của đứa trẻ vừa qua tuổi mười với những buổi theo cha ra đồng làm ruộng, lên núi đốn gỗ làm nhà làm trại và theo mẹ gánh củi đi chợ bán. 

Những công việc tuy có nặng nhọc nhưng sớm tập cho tôi biết tự lập và dạy cho tôi biết cảm nhận nhiều điều về thế giới xung quanh ngoài đồng bãi. Những kỷ niệm hồn nhiên, những sắc màu phố chợ lạ lẫm cứ mãi cho tôi một khoảng trời riêng biệt tuy nghèo khó nhưng đậm đà nghĩa tình chân chất và ấm áp, thân thiện để suốt một đời tôi miên mang tìm về và ngây ngô tiếc nuối. Lúc ấy điều làm tôi phấn chấn nhất và lưu giữ mãi trong ký ức của mình là những lần được mẹ cha cho đi chợ Hiệp Đức và ăn mì ông Nhung.

Hôm nay thì ông đã đi xa rồi. Tôi vừa được tin ông mất sau 96 năm vui buồn cùng con cháu trong những ngày xảy ra đại dịch tại Đà Nẵng. Tự nhiên tôi nghe lòng mình chùng xuống với những buồn nhớ xa xôi. Buồn vì không thể về được sẻ chia cùng bạn và gia đình, để thắp cho ông một nén nhang trong nghĩa tình con cháu; buồn vì không được về để đưa ông đi một đoạn cuối cùng trong cõi nhân gian bộn bề, rối rắm này. Và, nhớ ông - ba của một người bạn học của tôi gắn liền với tên quán mì ông Nhung một thuở.

Ông đông con, bạn tôi là con trai áp út trong 7 người con của ông. Gia đình sau chiến tranh cũng chẳng có của nả gì mà đất ruộng thì không có nên nhà mở thêm quán bán mì cho dân quê tại chợ. Gọi là chợ cũng chỉ phiên phiến thôi chớ nhu cầu mua bán lúc ấy cũng chẳng có gì to tát. Dân nghèo lấy tiền đâu mua gần như chỉ trao đổi là chính những mặt hàng nhu yếu phẩm. Một nhóm người tụ lại mở ra vài gian hàng với tên gọi là chợ Hiệp Đức thu hút nhân dân cả một vùng rộng lớn từ xã Quế Thọ cho đến cả xã Quế Tân lớn -  sau này chia thành ba xã.

Kể chuyện làng: Quán mì ông Nhung - Ảnh 2.

Mì Quảng. Ảnh minh họa

Là vậy, cả chợ chỉ có hai quán mì Quảng của hai anh em nhà ông Nhung mưu sinh buôn bán. Mì quê nhà tự làm là chính nên lấy công làm lời, chủ yếu là rẻ và no. Mì được xay bột và tráng tại nhà. Rau xắc từ chuối cây còn gà quê mua từ chợ.Tất cả các công đoạn quan trọng ông Nhung tự làm lấy và điều hành cho các con làm phụ. 

Sợi mì dai, mượt mà với nước nhưng gà béo ngậy được thoa bởi dầu phụng quê phi nén hành thơm phức khiến bước chân tuổi thơ tôi ngang qua như trì níu mời gọi. Được ngoan cả tuần may chi mới được mẹ cho đi chợ để ăn mì ông Nhung. Mà cả vùng quê tôi ngày ấy suốt ngày làm ruộng nương thì có thời gian đâu mà ngồi quán. 

Một gánh bòng, gánh mít, gánh thơm ứ hự cong vòng đòn gánh áo mướt mồ hôi mà chỉ đổi đủ vài lon mắm cái, vài ký cá khô thì các mẹ các chị làm chi dám ăn tô mì Quảng. Một, hai gánh củi kèo gánh chặng đi bộ suốt đêm cũng chỉ để mua ít mì chính, đá diêm, dầu lửa dùng dần chứ có ai biết sợi mì Quảng nhà ông Nhung, bà Lầu dài ngắn cỡ nào. 

Khách chủ yếu là từ chuyến xe đò ọc ạch một ngày một chuyến và những chuyến xe bò vàng khai thác gỗ ở Phước Sơn ngang qua. Có gì ăn nữa đâu nên lấy đây làm điểm hẹn. Bởi vậy, lạy trời quán lúc nào cũng bán hết. Sau này đi học, quen bạn qua chơi lúc nào tôi cũng thấy ông anh của bạn tôi ngồi rửa những chồng bát đầy trong ngày và vui vẻ dạy tôi cách rửa chén sạch đầu đời.

Có thể nói quán mì ông Nhung là một trong những nét văn hóa thị thành đầu tiên trên quê hương Hiệp Đức sau ngày thống nhất đất nước cùng với tiệm may ông Vệ, tiệm chụp ảnh ông Phùng, nhà máy xát gạo ông Tấn, tiệm tạp hóa bà hai Đông, bà Mạch…

Những quán nhỏ thân thương này đã đặt nền móng đầu tiên định hình cho những phố chợ sầm uất sau này trên vùng đất thuần nông bên dãy núi Chôm, núi Lớn. Nơi đã cho tôi những bài học đầu đời về những gian truân của đồng tiền không làm ra từ đất; nơi để lại cho tôi những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi thơ dùng dằng mang theo suốt chặng đường tuổi lớn trong những lần tìm về cứ nghe thơm lên mùi mì quảng quán ông Nhung.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

                                       

                                          

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem