Kể chuyện làng: Đình Sừng… một thuở

Võ Hà Thứ bảy, ngày 21/08/2021 07:00 AM (GMT+7)
Dọc theo con đường chạy giữa cánh đồng lúa đang thì con gái, những người con làng quê diện áo dài tha thướt nối nhau đội lễ dâng lên Thành hoàng làng. Ai ai cũng sửa soạn chu tất, thành kính trong ngày hội đình.
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Đình Sừng… một thuở - Ảnh 1.

Khung cảnh đình Sừng. (Ảnh: Quang Hào)

Không phải bỗng nhiên mà dân các vùng lân cận gọi người ở xã Lăng Thành là dân "Lăng Sừng". Bởi, vùng đất bán sơn địa phía Bắc huyện Yên Thành không chỉ được công nhận là xã có diện tích tự nhiên lớn nhất khu vực, cái nôi của chèo cổ Nghệ An, có trường cấp ba Bắc Yên Thành, có rừng lim cổ thụ mà còn có di tích cổ đình Sừng.

Kể chuyện làng: Đình Sừng… một thuở - Ảnh 2.

Đình Sừng ngày nắng. (Ảnh: Quang Hào)

Nếu làng chèo Quỳ Lăng là quê hương của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ hát chèo thì Lăng Thành vẫn giữ được phần nào rừng lim hàng trăm năm tuổi. Bắc Yên Thành là ngôi trường có tuổi đời gần 40 năm gắn với thời đi học của bao thế hệ chục xã lân cận thì đình Sừng trên 500 năm tuổi là biểu tượng cổ kính nhiều đời nay. Nơi đây cũng là niềm tự hào của mọi người dân Lăng Thành.

Kể chuyện làng: Đình Sừng… một thuở - Ảnh 3.

Người dân Lăng Thành đội lễ dâng Thành hoàng làng ngày Rằm tháng 2/2021. (Ảnh: Quang Hào)

Những thế hệ "cây cao bóng cả" ở Lăng Thành vẫn gọi quê hương mình bằng cái tên cổ: Làng Quỳ Lăng. Và con sông bao quanh làng là bàu Sừng. Ngày ấy, Lăng Thành chưa mở rộng như bây giờ. Làng Quỳ Lăng cổ nép mình trong màu xanh của bàu Sừng, của những cánh đồng lúa bao quanh. Trông lên đê, sau cầu Cây Phượng là những làng mạc vùng đồng trũng nương náu trong cùng một khoảng trời quê lúa. Và giữa khoảng trời đồng chiêm ấy của Quỳ Lăng là đình Sừng.

Quanh ngôi đình ra đời từ tháng 11/1583, đã có thật nhiều những khảo cứu về thăng trầm từ buổi đầu dựng lên nhờ tre nứa đến những hậu cung từ cột lim, cầu đá, cổng làng qua 6 lần tu sửa. Và cũng có bao giai thoại khó quên về đình. Làng Quỳ Lăng đã mở riêng một lò nung, mất tới ba năm để kéo gỗ lim dựng đình, hai hiệp thợ Yên Thành và Diễn Châu chia phần thi công hai mái Đông – Tây của đình. Tài nghệ của người thợ dựng đình hiển hiện trên những phù điêu hoa văn chạm trổ công phu.

Những di chỉ cổ vẫn còn đó. Người trần mắt thịt, sinh sau đẻ muộn chỉ chiêm ngắm không thôi chỉ cảm nhận được phần nào những dấu thời gian in hằn trên di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Đình Sừng song hành với quê hương Quỳ Lăng qua bao thăng trầm, dâu bể, chiến tranh. Mái vòm cong cong bên gốc đa cổ thụ đứng trầm tư giữa cánh đồng hết cữ mạ non, sang mùa cấy hái. Bao chân đình tứ mùa ăm ắp nước ruộng cấy, chung quanh làng mạc quần tụ, trông ra bờ đê với những cánh diều no gió.

Kể chuyện làng: Đình Sừng… một thuở - Ảnh 6.

Lễ vật dâng lên Thành hoàng làng. (Ảnh: Quang Hào)

Sau nhiều năm quy ước tên xóm bằng các con số và vài năm gần đây, những xóm, tên làng đã được trả lại tên xưa: Đồng Bàn, Quỳ Lăng, Làng Nghè, Làng Danh… Châu về Hợp Phố - Đình Sừng lại hợp về, gắn chặt với làng cổ Quỳ Lăng và là một biểu tượng của cả xã Lăng Thành sơ khai và đổi mới. Vài năm trở lại đây, Rằm tháng Hai cũng là ngày giỗ Tổ chỉ có ở Lăng Thành, lễ hội đình Sừng được tổ chức quy mô, trang trọng. Người dân và chính quyền chung tay góp sức, góp công. Ban tế tự, đội cử lễ đã tập luyện hàng tháng trời. Con cháu Lăng Thành học hành, làm ăn tứ xứ tụ về.

Dung dị, thân thương làm sao có thể quên những ký ức về làng. Là người Quỳ Lăng, một thời chân lấm tay bùn, ai chẳng một lần trú mưa dưới mái đình, rơm phơi chạm tới sân đình. Những đâu dập dồn đổi mới, nhờ nương bóng đình Sừng, nơi gió trời mặc sức, đi đâu, về đâu vẫn thấy Lăng Thành giữ được nét bình yên, thuần hậu.

Hiện nay, cầu Cây Phượng đã được xây dựng lại. Cầu Bàu Dài bắc qua bàu Sừng cũng đang trong những ngày sửa sang sau gần 40 năm nối đôi bờ. Muốn hay không, dấu xưa dần mai một, mới thấy thật thiêng liêng, quý giá một biểu tượng với người Quỳ Lăng - chứng tích còn mãi với thời gian – Đình Sừng… một thuở.                                                                                

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem